17/01/2025 lúc 14:16 (GMT+7)
Breaking News

Đà Nẵng du lịch đường sông – Ngược dòng về Túy Loan

VNHN - Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của Khu vực Miền trung và Tây Nguyên. Là thành phố nằm trung tâm kết nối trên con đường di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An – Mỹ Sơn, có cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thủy thuận lợi cho du khách đến và đi. Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó có việc phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, xây dựng

VNHN -  Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của Khu vực Miền trung và Tây Nguyên. Là thành phố nằm trung tâm kết nối trên con đường di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An – Mỹ Sơn, có cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thủy thuận lợi cho du khách đến và đi. Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó có việc phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch mang tầm thế giới.

           Đua thuyền trên sông Cổ Cò

Trong thời gian qua, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư tương đối hiện đại, đồng bộ như sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đội ngũ xe vận chuyển chuyên nghiệp… Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch như các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế với những thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới (Marriott, Hilton, Accor, Furama, IHG, Hyatt, Serenity Holdings, Route Inn Nhật Bản …). Nhiều sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng có sự khác biệt, đảm bảo phục vụ khách nội địa và quốc tế như khu du lịch Bà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài… Đến nay, điểm đến du lịch Đà Nẵng cơ bản tạo được thương hiệu trong và ngoài nước, minh chứng bằng nhiều danh hiệu do các tổ chức, tạp chí uy tín hàng đầu thế giới bình chọn và việc tổ chức thành công những sự kiện tầm cở quốc tế như Tuần lễ cấp cao APEC, Clipper Race, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á ABG5… Cùng với đó thì hiện nay tài nguyên du lịch còn nhiều dư địa chưa khai thác hết như du lịch đường thủy nội địa, du lịch M.I.C.E, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái…

Đặc biệt du lịch đường thủy nội địa vẫn còn là tiềm năng chưa khai thác, nhất là việc kết nối các tuyến: Sông Hàn – Cu Đê – Sông Hàn - Cổ Cò – Cẩm Lệ - Túy Loan và ngược lại. Chủ trương của thành phố Đà Nẵng xác định chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch, xem đây là nguồn thu chính của thành phố, thì ngoài những sản phẩm đã và đang khai thác, du lịch đường sông là tiềm năng đáng kể cho ngân sách của thành phố.

 

                Thắng cảnh sông Túy Loan

Dòng sông Hàn nằm giữa lòng thành phố với nhiều chiếc cầu nối hai bờ dòng sông với những sắc màu rực rỡ đã tạo nên cho thành phố một vẻ đẹp vừa nên thơ vừa hiện đại, để lại nhiều ấn tượng khó quên cho du khách khi đến với Đà Nẵng. Nhiều năm qua Đà Nẵng chỉ khai thác tuyến du lịch sông Hàn từ cầu Trần Thị Lý ra cửa biển và ngược lại đã thu hút rất nhiều khách du lịch. Tuy nhiên cùng với sông Hàn thì Đà Nẵng còn có hệ thống các dòng sông như dãi lụa ôm quanh thành phố như sông Cu Đê về hướng Tây Bắc thành phố, sông Túy Loan, sông Cẩm Lệ về Tây Nam thành phố, sông Cổ Cò về hướng Đông thành phố kết nối Hội An Quảng Nam. Trong đó dòng sông Túy Loan chảy qua huyện Hòa Vang được bắt nguồn từ núi Bà Nà đổ về hợp lưu cùng dòng sông Yên được bắt nguồn từ dãy đông Trường Sơn, tạo thành sông Cẩm Lệ chảy qua quận Cẩm Lệ xuôi về cửa Hàn, tạo thành sông Hàn nằm giữa lòng thành phố. Đây là tuyến có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch làng quê với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn mà chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều du khách muốn khám phá miền sông nước làng quê phía tây thành phố Đà Nẵng.

            Làng quê Túy Loan

Có thể nói dòng sông Túy Loan chảy qua nhiều làng quê của huyện Hòa Vang tạo nên nhiều thắng cảnh nên thơ với những con đường làng, lũy tre, hàng cau xanh mướt soi bóng xuống dòng sông tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Nếu tính từ Đại La đi qua làng Thái Lai, Túy Loan, Phú Hòa rồi đổ về sông Cẩm Lệ nối với sông Hàn thì chiều dài của dòng sông để những chuyến du thuyền xuôi ngược đón khách chỉ với trên dưới 25 km. Với vị trí nằm bao bọc về phía Tây của Thành phố Đà Nẵng, và có ưu thế ở cả ba loại địa hình là miền núi, trung du, đồng bằng với nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở khu vực Bà Nà - Núi Chúa, Ngầm Đôi; du lịch trên sông nước, du lịch làng quê, vườn đồi, nhà cổ (Thái Lai)... Nhiều hồ, đầm tự nhiên, như hồ Hóc Khế có thể cải tạo thành các công viên du lịch mặt nước. Du lịch văn hóa ghé thăm đình làng Túy Loan, Bồ Bản; lễ hội của đồng bào Cơ Tu, du lịch ẩm thực với các sản phẩm cá niên rau rừng, cơm lam, bánh sừng trâu của đồng bào Cơ Tu… Có thể nói, đây là tuyến du lịch tiềm năng và lợi thế rất lớn để thành phố Đà Nẵng có điều kiện phát triển du lịch về phía tây, trong đó đặc trưng là du lịch sinh thái núi sông và làng quê.

Cơm lam, gà nướng, bánh sừng trâu của đồng bào Cơ Tu

Hiện tại thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương phát triển du lịch đường sông. Tuy nhiên qua nhiều năm khảo sát, triển khai nhưng vẫn chưa hình thành kết nối được các tuyến du lịch đường sông. Đặc biệt khai thác tuyến sông về hướng tây thành phố. Nếu sớm hình thành được tuyến du lịch nầy, thì phải nói đây là một hành trình điểm đến mới lạ, chắc chắn sẽ thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với thành phố Đà Nẵng./.