Đà Nẵng: “Mở cửa” cơ chế, dư địa cho bất động sản cất cánh
“Cửa sáng” của kinh tế Đà Nẵng
Sau khi được Quốc hội thông qua, Thành phố Đà Nẵng đang gấp rút lấy ý kiến về 4 vị trí đề xuất thành lập các khu chức năng thuộc Khu Thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu. 3 khu chức năng chính gồm: Khu sản xuất, trung tâm logistic, khu thương mại - dịch vụ sẽ được hưởng những cơ chế, chính sách hấp dẫn,
Các cơ chế này không chỉ kéo nhà đầu tư chiến lược với dòng ngoại tệ “khổng lồ” mà còn được dự báo sẽ mang lại cả nguồn “chất xám” lớn là nhóm lao động chất lượng cao, giới chuyên gia, doanh nhân đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh, việc làm và an cư.
Chằng hạn như Jebel Ali - FTZ “điển hình” của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện quy tụ hơn 10.000 doanh nghiệp từ trên 150 quốc gia, tạo ra tới 130.000 việc làm - chiếm đến gần 13% tổng số lao động toàn thành phố và đóng góp gần 24% vào tổng vốn đầu tư FDI cùng 168.6 tỷ USD vào kim ngạch thương mại (năm 2023) của Dubai.
Hạ tầng Dubai phát triển ngoạn mục nhờ “hiệu ứng” khu thương mại tự do Jebel Ali
Bên cạnh thu hút đầu tư, các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch và các khu mua sắm miễn thuế cũng sẽ kéo du khách đến Đà Nẵng vừa tham quan trải nghiệm, vừa vui chơi và "tiêu tiền", mở ra “miếng bánh hấp dẫn” cho các ngành kinh doanh dịch vụ.
Một hình mẫu thành công của việc phát triển “thiên đường tiêu tiền” cho du khách này chính là Hải Nam - "Hawaii của Trung Quốc", điểm đến mua sắm lớn, trung tâm bán lẻ du lịch. Sau khi khu thương mại tự do tại đây được thiết lập, vốn FDI đổ vào Hải Nam đã đạt gần 23 tỷ NDT năm 2023, thanh toán quốc tế chạm mốc 300 tỷ NDT tăng 120% so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ tại Hải Nam cũng tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc vào năm 2023 với mức tăng 89%, thu về gần 9 tỷ NDT.
Giá BĐS Hải Nam tăng vọt khi có định hướng thành lập khu thương mại tự do lớn nhất Trung Quốc
Có thể thấy, Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội rất lớn để gia tăng sức khỏe nền kinh tế: tăng trưởng GDP, tăng cơ hội việc làm, tăng kim ngạch thương mại cùng doanh thu từ dịch vụ, du lịch… Và đó sẽ là bệ đỡ vững chãi cho nhiều ngành kinh tế của Đà Nẵng “bật lên như lò xo”. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - “Khi các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá được áp dụng sẽ là bệ đỡ cho kinh tế, tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ, thị trường BĐS cao cấp… thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, thương nhân, người nước ngoài đến an cư và kinh doanh”.
Thời cơ cho BĐS cất cánh
“Đây là thời điểm thích hợp và tốt nhất để sở hữu bất động sản đô thị tại Đà Nẵng. Tôi đánh giá thị trường BĐS Đà Nẵng có tiềm năng sinh lợi rất cao.” - đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Đính về triển vọng của BĐS thành phố sông Hàn. Những nhận định này càng có cơ sở hơn khi loạt cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng được thực thi.
Cùng với các chính sách thu hút đầu tư “hạng nặng”, cải thiện môi trường sống và kinh doanh với mô hình chính quyền đô thị, kinh tế được dự báo tăng trưởng tốt sẽ dẫn đến làn sóng nhập cư đến với thành phố, nhu cầu kinh doanh thương mại - dịch vụ ngày càng tăng cao. Hệ quả, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn.
Khi thành phố áp dụng cơ chế đặc thù, BĐS Đà Nẵng sẽ có dư địa rộng lớn để cất cánh
Tại các nước, làn sóng FDI đổ về FTZ thúc đẩy gia tăng tỷ lệ “nhập cư” chất xám là các chuyên gia, lao động chất lượng cao… bùng nổ, dẫn đến nhu cầu về nhà ở, cho thuê cao cấp tăng nhanh cũng đã trở thành một trong những bài học điển hình của ngành BĐS.
Sự ra đời của Downtown Jebel Ali (UAE) là một trong số đó. Quần thể cao cấp với hơn 300 tòa tháp cao tầng, hơn 200.000 sản phẩm BĐS này được phát triển để đáp ứng nhu cầu về BĐS đô thị và thương mại “khủng” của FTZ Jebel Ali. Theo thống kê, Quý I/2024, Jebel Ali nằm trong top 5 quần thể có doanh thu BĐS cao cấp cao nhất Dubai, đạt hơn 110 triệu USD.
Hay như năm 2013, khi ý tưởng về Thượng Hải FTZ vừa được công bố, giá nhà tại khu vực này đã tăng đến 30%. Còn tại đảo Hải Nam, khi định hướng sẽ phát triển Hải Nam thành khu thương mại tự do lớn nhất cả nước được công bố giá bất động sản đã có lúc tăng vọt hơn 50% (năm 2018).
Có thể thấy, sức khỏe của nền kinh tế, sự phát triển của các ngành thương mại - dịch vụ và cả làn sóng FDI đều có tác động mật thiết đến sự phát triển của lĩnh vực BĐS. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu đầu tư, tích sản gia tăng, BĐS là một trong những kênh được tin chọn. Chất lượng cuộc sống cải thiện cũng dẫn đến yêu cầu về nhà ở của người dân khắt khe hơn, điều này cũng làm tăng cầu đối với các BĐS đô thị cao cấp.
Đối với Đà Nẵng - một trong những nơi đáng sống nhất thế giới, hàng năm đón khoảng 15.000 người nhập cư. Khi Khu thương mại tự do thành hình bên cạnh công nghiệp sản xuất, các ngành nghề phụ trợ như dịch vụ, mua sắm, du lịch, vui chơi giải trí… cũng đồng thời được kích hoạt. Mở ra “sân chơi” lớn cho ngành kinh doanh lưu trú, F&B hay chăm sóc sức khỏe… Đó cũng là “cửa sáng” cho BĐS thương mại, hay các tổ hợp quy mô all-in-one đa tiện ích ở những vị trí dễ tiếp cận, trung tâm bùng nổ.
Cơ chế đặc thù hứa hẹn thúc đẩy BĐS nhà ở, thương mại tại Đà Nẵng bứt phá về giá trị
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi thời gian qua, những quần thể BĐS cao cấp năng động - hiện đại tại vị trí ven sông Hàn được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín được quan tâm săn đón và đạt tỷ lệ hấp thụ đầy lạc quan.
Với các chính sách mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm chính trị của Đà Nẵng và Chính phủ, thể hiện tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường, áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới, tất yếu “lò xo sẽ bật ra và Đà Nẵng phát triển tốt” như Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định. Đà Nẵng, sẽ sớm hoàn thiện được chân dung thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư hàng đầu khu vực.