Ủy ban pháp luật thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội
Ngày 8/9, tại Phiên họp Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, một số đại biểu đã nhận định thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông chính sách. Tuy nhiên, cũng cần thay đổi và cập nhật các hình thức mới, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật.
Thay mặt Chính phủ báo cáo nội dung này tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật để thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn; thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về tầm quan trọng của việc phổ biến, quán triệt các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới. Bên cạnh áp dụng các hình thức truyền thống, điểm mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian này này đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giúp Nhân dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, rộng rãi nội dung các văn bàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/7/2023, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn phổ biến luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, đoàn thể cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đã tổ chức triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Cập nhật, đăng tải công khai toàn văn nội dung các luật, nghị quyết, pháp lệnh mới được thông qua trên Công báo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, một số cơ sở dữ liệu pháp luật khác. Đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biên soạn tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản của các luật mới và đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức như hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật, tờ gấp pháp luật, bài giảng điện tử….
Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã chủ động xây dựng chuyên trang, chuyên mục, các bài phóng sự, phỏng vấn trên báo chí, mạng lưới thông tin cơ sở. Triển khai hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là chính sách trong một số dự thảo luật theo định hướng của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Một số bộ, ngành chủ trì soạn thảo đã thực hiện truyền thông theo kế hoạch riêng cho từng dự án luật, như Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải… Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần để người dân, cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu sự tác động của văn bản tiếp cận sớm với dự thảo văn bản từ khâu soạn thảo, nội dung chính sách mới, quan trọng của luật, nghị quyết, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa
Đánh giá về việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho rằng, thời gian qua công tác này đã được Chính phủ triển khai khá tốt, Chính phủ vừa xây dựng kế hoạch vừa có biện pháp triển khai các luật, nghị quyết mới được ban hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tin nhắn và các biện pháp khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ số, đại biểu cho rằng cũng cần thay đổi và cập nhật các hình thức mới trong phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong đó cần phân loại đối tượng sát thực hơn để phổ biến phù hợp với nhu cầu cũng như mức độ phổ biến sâu rộng hơn.
Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, việc triển khai luật, nghị quyết được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giúp Nhân dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, rộng rãi nội dung các văn bản.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại địa phương, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bộc lộ một số hạn chế như: Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đội ngũ báo cáo viên pháp luật biết ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Một số nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sát với nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số; việc sử dụng công nghệ để tự tìm hiểu thông tin qua sách, báo, các trang tin điện tử, internet còn rất hạn chế…
Đại biểu đề nghị, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong đó, tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người nghèo đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Tránh tình trạng chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến ở các vùng thị xã, thị trấn, thiếu đi quan tâm nhiều đến các vùng nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế.
Thẩm tra về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, bên cạnh đánh giá cao Chính phủ đã đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật sự phù hợp, chưa tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này. Công tác pháp điển hóa còn nhiều tồn tại, bất cập, dẫn đến sự đóng góp cho công tác tra cứu, vận dụng, áp dụng pháp luật còn thấp, chưa tương xứng với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, cả nước mới có 11/27 bộ, ngành và 25/63 địa phương tích hợp Bộ Pháp điển trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương mình. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ về nguyên nhân và tìm ra các giải pháp khắc phục để tránh lãng phí công cụ hiệu quả trong tiếp cận và áp dụng pháp luật của người dân và doanh nghiệp.