17/01/2025 lúc 22:15 (GMT+7)
Breaking News

Da dă - vũ điệu thiêng của người Cơ tu

VNHN - Hằng năm, vào cuối tháng bảy, đầu tháng tám, khi những nương lúa chín vàng. Người Cơ tu lại bắt đầu vào mùa lễ hội ăn mừng lúa mới. Như điệu lý của người Cơ tu hát hát về mùa lễ hội, đó là khi “ Tiếng cồng chiêng nghe rộn rã gọi mời. Gái trai cùng tân tung Da dĂ. Bên mái gươil, già say sưa hát điệu lý dân ca. Nghe thơm lựng mùi lúa mới. Nghe cơm lam tỏa hương nóng hổi.”

VNHN- Hằng năm, vào cuối tháng bảy, đầu tháng tám, khi những nương lúa chín vàng. Người Cơ tu lại bắt đầu vào mùa lễ hội ăn mừng lúa mới. Như điệu lý của người Cơ tu hát về mùa lễ hội, đó là khi “ Tiếng cồng chiêng nghe rộn rã gọi mời. Gái trai cùng tân tung da dă. Bên mái gươil, già say sưa hát điệu lý dân ca. Nghe thơm lựng mùi lúa mới. Nghe cơm lam tỏa hương nóng hổi.”

Mùa lễ hội, cũng là dịp để trai gái làng đắm say trong vũ điệu tung tung da dă - Một vũ điệu như mang cả hương đất, hương rừng và tấm lòng thành kính của dân làng dâng lên Gìàng trời với những ước muốn cầu xin cuộc sống ấm no hạnh phúc.

 Dọc theo dãy Trường sơn, từ tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Thừa Thiên Huế là quê hương lâu đời của đồng bào Cơ tu. Vùng đất này, dù ngày nay không còn che phủ bởi những bóng mờ huyền bí, song dư âm những mùa lễ hội vẫn còn hằn sâu trong tâm thức cộng đồng. Người Cơ tu tin rằng, con người từ lúc sinh ra, cây lúa từ lúc đứng chân trên đất rẫy đều có sự nâng đỡ của đất trời thần linh. Bỡi vậy lễ hội đối với người Cơ tu là mùa tạ ơn thần linh và mừng niềm vui no đủ.

Vũ điệu tung tung da dă (Đông Giang)

Nhịp trống đhưng gọi mùa lễ hội đâm trâu, hay mừng lúa mới như thành lệ đối với dân làng Cơ tu. Vào mùa này trai gái làng náo nức chờ đợi để được bước vào vòng tròn nhún nhảy theo điệu tân tung da dă. Người già ở đây nói rằng khi họ sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Trường sơn thì điệu múa tân tung da dă đã có từ bao đời rồi.

Và họ cho rằng:  Con người sinh ra biết đi, biết chạy thì đã biết múa tung tung da dă. Và chỉ có điệu múa ấy giàng mới chứng kiến được, mới cho dân làng thêm sức mạnh và đáp ứng mọi điều cầu xin của bản làng. Do đó tung tung da dă mềm mại và uyển chuyển được xem là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa, với đôi tay của người phụ nữ xòe lên trong vũ điệu dâng mời.

Vào mùa lễ hội, bên mái nhà Guol, theo sau nhịp trống là bước chân trần của các cô gái nhún nhảy, tay đưa cao theo vũ điệu. Theo các nhà nghiên cứu thì da dă là điệu múa cổ nhất của loài người. Nó bắt nguồn từ một số nghi lễ nông nghiệp với động tác dâng lễ vật lên thần linh từ xa xưa. Và không chỉ ở vùng Trường sơn Việt Nam mà nhiều tộc người khác ở Đông Nam Á cũng có những động tác tương tự như vũ điệu da dă. Động tác nhảy múa ấy được tìm thấy khá nhiều trong các hình vẽ ở vùng người Choang, Quảng Tây Trung Quốc. Hay trên các vách đá ở hang động Pha Deang, Thái Lan. Trên mặt trống đồng Đông Sơn cổ xưa hình ảnh chạm khắc điệu múa cầu mùa cũng có những động tác tay đưa lên cao dâng lễ vật như động tác Da dă của người Cơ tu. Có lẽ, những động tác nghi lễ ấy qua quá trình phát triển lâu dài của lịch sử đã được nhân dân cách điệu hóa lên thành nghệ thuật biểu diễn có trình độ thẩm mỹ cao, mà người Cơ tu đã gìn giữ và nâng lên thành một giá trị nghệ thuật đặc trưng riêng của dân tộc mình.

Dọc theo dòng sông A Vương uốn lượn từ Tây Giang đổ về Đông Giang, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, đâu đó nơi những bản làng Cơ tu ta vẫn thường nghe những âm thanh lễ hội vang vọng núi rừng trong nhịp điệu tung tung da dă . Tung tung là điệu múa của những người đàn ông. Da dă, hay còn gọi là Padil da dă có nghĩa là người đàn bà múa. là vũ điệu dành riêng cho những người phụ nữ. Điệu dân vũ này được thể hiện ở tất cả các lễ hội cộng đồng người Cơ tu. Tung tung da dă có thể ví như điệu dân vũ mà cả hình tượng lẫn nhịp điệu mang ý nghĩa “ bám đất dâng trời ” bởi khi múa tung tung, đôi bàn chân như không rời mặt đất, từng bước rầm rập nhún nhảy theo điệu chiêng, điệu trống hừng hực khí thế chiến đấu.  Còn với người phụ nữ múa da dă, hai chân đi đều đặn, thoăn thoắt không rời đất.  Và luôn di chuyển nhịp múa theo một vòng tròn khép kín. Bên cạnh đó nét điệu đà duyên dáng của điệu da dă ở người phụ nữ chính là hình ảnh đôi bàn tay mềm mại vươn lên trời và xòe ngửa ra sau. Đôi bàn tay ấy tạo nên hình tượng nâng đỡ bầu trời và dâng hiến lên thần giàng cao cả. Hình tượng đôi bàn tay ấy còn ẩn chứa một cốt cách chịu thương, chịu khó của người mẹ, người vợ, lo gánh vác những khó khăn để lo cho cả gia đình. Tâm linh của người Cơ tu tin rằng  thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn từ đất rừng, từ con nước và Giàng trời cho họ cái suy nghỉ, và sức mạnh để vượt qua nắng núi mưa ngàn. Và có lẽ từ đó mà tung tung da dă được hun đúc qua nhiều thế hệ trở thành điệu dân vũ riêng có của dân tộc Cơ tu.

Vòng tròn tung tung da dă

Nói về điệu dân vũ độc đáo của người phụ nữ Cơ tu, trong tác phẩm “ Những người săn máu ”, xuất bản năm 1938, tác giả người Pháp Le Pichon đã mô tả : “ Sáu người đàn bà quấn quanh vải chàm chầm chậm xoay người theo một vòng tròn, hai cánh tay giữ yên , gập lên ngang vai, bàn tay xòe lên trời. Họ nhún nhảy hông bằng động tác rất chậm rãi , trong khi đó những người xung quanh hú vang gọi tổ tiên…”  Ngày nay vòng tròn của vũ điệu Tung tung da dă không còn là sáu người đàn bà như tác giả Le Pichon đã kể, mà nó có thể nối dài thành nhiều vòng tròn với sự kết hợp hòa quyện giữa hai vũ điệu Tung tung và Da dă. Sau tiếng trống Cha gơr thì những bước chân phụ nữ nhẹ nhàng nhún nhảy đầu tiên. Tất cả trong trang phục áo váy thổ cẩm nhiều màu sắc sinh động, vai trần ngang ngực, cổ đeo nhiều vòng cườm, hai tay đưa ngang vai, mắt nhìn thẳng, miệng mĩm cười. Tiếp theo sau những người phụ nữ là điệu tung tung của những người đàn ông, trong trang phục áo choàng, tay cầm khiên hoặc giáo, chân bước rầm rập như những chiến binh khi thắng trận trở về. Tung tung là điệu múa tái hiện cảnh đi săn thú, là điệu múa mừng chiến thắng thể hiện tinh thần thượng võ của người Cơ tu cùng hòa hợp với vũ điệu da dă cầu mùa của người phụ nữ, tạo nên những lớp vòng tròn sinh động quanh cột lễ.

Điều đặc biệt của vũ điệu là vòng tròn tập thể luôn di chuyển theo hướng từ trái sang phải theo chiều ngược kim đồng hồ. Song nhịp riêng của mỗi người ở vòng tròn nhỏ quanh bản thân mình từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ. Có người cho rằng vũ điệu tung tung da dă như vòng tròn trái đất quay quanh mặt trời để có bốn mùa xuân hạ thu đông. Còn mỗi cá nhân trong vòng tròn được ẩn dụ như vừa quay chung quanh mặt trời đồng thời tự quay quanh mình nó để tạo ra nhịp điệu của ngày và đêm.

Múa tung tung da dă (Đông Giang)

Sự kết hợp nhịp nhàng giữa hai vũ điệu nam và nữ cùng với âm thanh của trống, của chiêng theo điệu đhưng lúc nhẹ nhàng, lúc dồn dập đan xen với tiếng hú tiếng reo hò hoang dã của của những người đàn ông vang vọng cả núi rừng, tạo nên sự phấn khích cho những người tham gia lễ hội. Điệu dân vũ Tung tung da dă cứ kéo dài như không muốn nghỉ. Điệu múa làm cho họ như có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên, đồng thời yêu hơn quê hương, làng bản,yêu cuộc sống núi rừng.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh hay bày tỏ thái độ ngưỡng vọng đối với Yàng – vị thần bảo hộ cuộc sống bản làng. Điệu da dă điệu đà còn là hiện thân cho vẻ đẹp trong tâm hồn người phụ nữ Cơ tu. Vẻ đẹp ấy đã được họ tái hiện lên những tác phẩm điêu khắc, những mô típ hoa văn trên nền vải, trên những bộ váy áo đẹp nhất được đem ra trình diễn trong những ngày hội của làng. Những hoa văn da dă nhảy múa trên nền áo váy phụ nữ, hay khố của đàn ông vẫn là hình ảnh hoa văn đẹp nhất, ưa thích nhất của người Cơ tu.

Điều đặc biệt là hình ảnh người đàn bà nhảy hội không những xuất hiện trên trang phục Cơ tu mà còn thấy trên trang phục của một số dân tộc khác ở vùng Trường sơn – Tây nguyên. Như hoa văn người nhảy múa của dân tộc Tà Ôi – Thừa Thiên - Huế, hay dân tộc Mạ, dân tộc Kơ Ho ở Tây Nguyên, dân tộc Xtiêng ở Miền Đông Nam Bộ. Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng, giao lưu văn hóa sâu sắc giữa các dân tộc và hình ảnh người đàn bà múa đã đi vào đời sống văn hóa nhiều cộng đồng dân tộc anh em khác ở vùng Trường Sơn – Tây nguyên.

Điệu múa được thể hiện trong tác phẩm điêu khắc tại nhà guoil

Tâm thức của người Cơ tu cho rằng hồn lúa, mẹ lúa – người mẹ khởi nguyên của người Cơ tu luôn ngự trị trong mỗi bản làng. Bởi vậy điệu dân vũ da dă với đôi cánh tay đưa cao đã trở thành biểu tượng tâm linh đối với người Cơ tu. Và là hình ảnh ẩn dụ về đôi tay của nữ thần lúa – người mẹ khởi nguyên của người Cơ tu. 

Vẻ đẹp điệu đà uyển chuyển đầy sức quyến rũ của điệu da dă không chỉ lan tỏa giữa núi rừng Trường sơn mà còn là nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ sáng tác, để rồi nó vượt ra khỏi không gian bản làng để đến với bạn bè khắp năm châu. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, điệu múa ấy được nghệ sĩ nhân dân Thái Ly và nghệ sĩ ưu tú Ngân Qúy dành tất cả tình yêu nghệ thuật của mình cải biên dàn dựng trên cơ sở bảo lưu tính nguyên gốc và kế thừa để trở thành những tiết mục múa đặc sắc, phục vụ bộ đội khắp các chiến trường Miền Nam. Điệu múa ấy,với đôi bàn tay dịu dàng trìu mến đã làm rung động hàng triệu trái tim người xem, để rồi nhà thơ Vân Dung với những cảm xúc thốt lên lời thơ : “ Tổ quốc yêu thương vất vả, anh hùng / Đã cho ta những bàn tay đẹp / Có duyên dáng của hoa, độ bền của thép/ Nuôi cho đời bằng hai bàn tay/ ... Em múa nữa đi cho đẹp tháng ngày/ Cho lúa lên xanh, cho đồng no đủ/ Cho tình yêu ngàn đời quyến rũ/  Đất nước đang cần hàng triệu những bàn tay”. Sau ngày đất nước hòa bình điệu múa ấy cũng đã được mang đi biểu diễn tại các cuộc liên hoan nghệ thuật quốc tế tại  Pháp, Ca Na Đa, Ấn Độ và đoạt nhiều giải thưởng. Báo chí nước ngoài cũng đã viết : “ Múa Cơ tu có vẻ đẹp kỳ lạ. Sao có thể tạo nên hình tượng trăm tay sinh động, kỳ diệu đến thế. Vừa thỏa mãn thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa sâu sắc về những bàn tay lao động của con người. ”

Múa Cơ tu được cải biên dàn dựng trên sân khấu

Ngày nay điệu múa ấy vẫn là niềm tự hào của những người con trai, con gái Cơ tu. Điệu múa đã gắn chặt tình yêu của họ với quê hương bản làng, tạo thêm sức mạnh để họ vượt qua những khó khăn, tin yêu vào cuộc sống. Về với miền đại ngàn Trường sơn, đâu đó ở bản xa, làng gần trong mùa ăn năm uống tháng, ta vẫn thường nghe tiếng trống cha gơr giữ nhịp cho những vòng tròn dân vũ làm sôi động cả một góc rừng. Những bước chân rầm rập của cha, những bàn tay dịu dàng của mẹ như giữ đều nhịp bước, để lớp cháu con nối tiếp vòng tròn dân vũ. Để điệu múa thiêng mãi mãi trường tồn dưới bóng núi Trường Sơn ./.