01/11/2024 lúc 02:22 (GMT+7)
Breaking News

Đã có hơn 11,6 triệu lượt góp ý về Luật Đất đai sửa đổi

Chiều 6/4, báo cáo trước Hội nghị đại biểu chuyên trách về nội dung lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết đã có hơn 11,6 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo luật.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã báo cáo rõ một số nội dung được đông đảo nhân dân quan tâm cũng như một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về: thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai;…

Cụ thể, có hơn 1,1 triệu ý kiến về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chiếm 9.93%; hơn 1 triệu ý kiến về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chiếm 8,6%. Hơn 880.000 ý kiến về thu hồi đất, trưng dụng đất, chiếm 7,6%...

Các ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tập hợp, tổng hợp đầy đủ, được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ bố cục, kỹ thuật soạn thảo, rà soát tính thống nhất với các pháp luật liên quan, các chính sách trọng tâm và các quy định cụ thể tại các chương, mục, điều, khoản của dự thảo Luật.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo luật đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó thủ tướng cho biết, với tinh thần “từ sớm, từ xa”, sáng 6-4, Thường trực Chính phủ đã thống nhất một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục hoàn thiện.

Phó thủ tướng đã nêu các nội dung lớn được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện về: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; sở hữu đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất…

Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội.

Phó thủ tướng cho biết, dự thảo luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích kinh tế quốc gia, công cộng. Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với các công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó thủ tướng khẳng định, sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất (cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư…).

Về chế độ sử dụng các loại đất, ý kiến đóng góp tập trung vào thời hạn sử dụng đất, đất nông nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi tập trung cho công nghệ cao, đất có mặt nước ven biển, đất tôn giáo… Ban soạn thảo đã nghiên cứu đưa đất công do Nhà nước quản lý, trong đó có đất an ninh quốc phòng để có chế độ quản lý đất công đặc thù.

Phó thủ tướng cũng nêu nội dung cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến phân loại đất, tiếp cận đất của người Việt Nam định cư nước ngoài, thời điểm xác định định giá đất, điều khoản áp dụng pháp luật…

Thanh Bút