Đây là chuyến công tác quan trọng, nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cả bình diện đa phương và song phương, trong bối cảnh khá đặc biệt: Việt Nam-Nhật Bản vừa nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới” nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 11 vừa qua; đồng thời ASEAN-Nhật Bản cũng chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 tại Indonesia vào tháng 9/2023; cả Việt Nam và ASEAN đều thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào năm 1973 – cách đây đúng nửa thế kỷ.
Với khoảng 40 hoạt động trong 4 ngày, chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt những kết quả vừa mang tính chiến lược, dài hạn, vừa rất cụ thể và hiệu quả trên cả 3 khối công việc chính: (i) Tham gia và đóng góp cho thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản; (ii) các hoạt động song phương để góp phần cụ thể hóa, triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới với Nhật Bản; (iii) thúc đẩy quan hệ song phương với các nước tham dự Hội nghị.
Ấn tượng với Học thuyết “từ trái tim đến trái tim” do Thủ tướng Fukuda Takeo đưa ra vào năm 1977 đã đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN, trong đó có quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Thủ tướng đã đề xuất bổ sung khái niệm “từ hành động đến hành động” và “từ cảm xúc đến hiệu quả” cho quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong tình hình mới, cũng như quan hệ Việt Nam và Nhật Bản.
Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí thông qua "Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy" và "Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Củng cố tình hữu nghị vàng, mở ra những cơ hội vàng trong giai đoạn mới
Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra giữa “thời điểm vàng”, với “tình hữu nghị vàng, những cơ hội vàng” trong giai đoạn mới, như khẩu hiệu của Hội nghị. Hội nghị cũng là dịp để người dân ASEAN và Nhật Bản, cũng như khu vực và thế giới hiểu rõ hơn về giá trị và đóng góp quan trọng của quan hệ ASEAN-Nhật Bản đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp với những kết quả quan trọng. Theo đó, ASEAN và Nhật Bản thống nhất nhận định và cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ đối với mỗi bên cũng như khu vực, quan hệ ASEAN-Nhật Bản đang là một trong những mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất trong quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Phát huy những thành quả trong quan hệ hợp tác 50 năm qua, hai bên đạt nhất trí về tầm nhìn và phương hướng lớn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực, chung tay ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.
Như chủ đề các cuộc làm việc, trên cơ sở kiểm điểm và định hướng hợp tác ASEAN – Nhật Bản, phân tích tình hình thế giới và khu vực, các nhà lãnh đạo đã xác định ASEAN – Nhật Bản là “Đối tác từ trái tim đến trái tim qua các thế hệ” và “Đối tác đồng sáng tạo kinh tế và xã hội tương lai”.
ASEAN đánh giá cao Nhật Bản công bố lập Quan hệ đối tác đồng kiến tạo tương lai với khoản hỗ trợ 40 tỷ Yên cho các chương trình giao lưu nhân dân trong 10 năm tới, 15 tỷ Yên cho chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu và nghiên cứu quốc tế chung và cam kết sẽ huy động 35 tỷ USD trong vòng 5 năm tới từ các quỹ công - tư cho khu vực để thúc đẩy hợp tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hai bên cũng đạt nhận thức chung về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhật Bản khẳng định ủng hộ nỗ lực của ASEAN triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn” làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản thời gian tới.
Ngay từ đầu, Việt Nam đã ủng hộ đề xuất của Nhật Bản tổ chức Hội nghị này và đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị, cả trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình nghị sự.
Đặc biệt, các phát biểu sâu sắc, toàn diện của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, vừa mang tính tổng hợp, đúc kết 50 năm quan hệ, vừa mang tầm chiến lược trong đề xuất định hướng tương lai quan hệ được các nước đánh giá cao.
Thủ tướng đã đề cao ý nghĩa lịch sử của Hội nghị, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, điển hình là trong những thời điểm khó khăn như khủng hoảng tài chính-tiền tệ Châu Á 1997-1998, dịch bệnh COVID-19 hay thảm hoạ, thiên tai ở mỗi khu vực.
Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ với Nhật Bản là một trong những mối quan hệ thành công nhất của ASEAN, đồng thời đề nghị trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua nhiều “cơn gió ngược” với nhiều thách thức chưa có tiền lệ, hai bên cần tăng cường hợp tác, phấn đấu đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản trở thành một biểu tượng của đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Trên cơ sở tổng kết, đúc rút 3 bài học sâu sắc trong chặng đường 50 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực.
Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Nhật Bản cần tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông; tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho nhân tố con người - chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển nói chung và của quan hệ ASEAN-Nhật Bản nói riêng; hoan nghênh các hoạt động trao đổi văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân trong khuôn khổ “đối tác từ trái tim đến trái tim” ASEAN-Nhật Bản. Đồng thời đề nghị cần cụ thể hóa quan hệ “từ trái tim đến trái tim” trở thành quan hệ “từ hành động đến hành động”, và “từ cảm xúc đến hiệu quả” với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, thương mại, đầu tư - coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Nhật Bản; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh…, đưa các lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới, sức sống mới cho hợp tác ASEAN-Nhật Bản thời gian tới; ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Trên tinh thần lấy tin cậy chính trị làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng con thuyền ASEAN-Nhật Bản sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục rẽ sóng vươn xa trong 50 năm tới và xa hơn nữa.
Những đóng góp và kiến nghị cụ thể của Đoàn Việt Nam có thể nói đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu của hợp tác ASEAN-Nhật Bản trong giai đoạn phát triển mới, được phản ánh trên nhiều nội dung trong “Tuyên bố Tầm nhìn” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố” được thông qua tại Hội nghị.
Cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác mới “chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam – Nhật Bản
Về song phương, đây là chuyến công tác Nhật Bản đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam chỉ sau 2 tuần kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Đây cũng là lần thứ 2 trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang Nhật Bản dự hội nghị quốc tế lớn và là cuộc gặp lần thứ 6 giữa hai Thủ tướng kể từ năm 2021; thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện theo khuôn khổ quan hệ mới, triển khai các dự án cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có lịch hoạt động dày đặc, chương trình phong phú, đa dạng với tổng cộng gần 30 hoạt động với chính giới và giới kinh tế Nhật Bản, diễn ra trong bầu không khí chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả.
Với chính giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio; hội kiến Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện; tiếp 2 cựu Thủ tướng Nhật Bản; tiếp và dự chiêu đãi của Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật -Việt; tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; tiếp những người bạn thân thiết lâu năm khác của Việt Nam như nguyên Đại sứ đặc biệt Nhật-Việt Sugi Ryotaro, Hội đồng thúc đẩy Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản; thăm tỉnh Gunma, cùng Thống đốc tỉnh Gunma dự tọa đàm với doanh nghiệp; tiếp riêng Thống đốc 05 tỉnh Aichi, Niigata, Yamanashi, Kanagawa và Tochigi.
Với giới kinh tế, Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại 04 tọa đàm, diễn đàn, hội nghị với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản về kinh tế, đầu tư, tài chính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chất bán dẫn…; tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và cũng là Cố vấn đặc biệt Nội các phụ trách hỗ trợ đầu tư, kinh doanh nước ngoài, triển khai Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0” (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản, tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn hàng đầu của Nhật Bản; thăm công ty Shibata Gousei là công ty điển hình về 2 xu thế là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, cũng là nơi có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc… Các bộ, ngành, địa phương tham gia đoàn cũng đã có hàng chục hoạt động thiết thực với các đối tác Nhật Bản.
Các hoạt động này đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả thực chất, quan trọng, hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Trước hết, chuyến công tác làm sâu sắc hơn nữa tin cậy chính trị, củng cố quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo chính giới của Nhật Bản, đồng thời là bước triển khai đầu tiên đối với việc cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác mới.
Trong tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, sự gắn kết chặt chẽ, sự chân thành, tình cảm, tin cậy chính trị là tài sản quan trọng nhất. Sự gắn kết từ trái tim đến trái tim này được cộng hưởng và nhân lên qua nhiều cấp độ: Giữa hai dân tộc, hai đất nước, nhân dân hai nước; giữa các địa phương của Việt Nam và các địa phương của Nhật Bản; giữa các gia đình, cá nhân Việt Nam với các gia đình, cá nhân Nhật Bản, mà sự gắn bó thân thiết của các thành viên gia đình cựu Thủ tướng Fukuda với Việt Nam là một ví dụ điển hình được Thủ tướng nhắc đến.
Cũng với tình cảm và sự gắn bó lâu năm sâu sắc đó, Thủ tướng đã tới thăm nhà cố Thủ tướng Abe Shinzo – người bạn lớn, thân thiết của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, một trong những nhà lãnh đạo quốc tế được nhân dân Việt Nam yêu mến, kính trọng nhất.
Thủ tướng Kishida và lãnh đạo các giới, cựu lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam với sự đón tiếp đoàn trọng thị, tình cảm, những cái ôm, nắm tay rất chặt. Tại tỉnh Gunma, các thành viên trong đoàn không khỏi bất ngờ trước sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp mà chính quyền và nhân dân nơi đây dành cho đoàn.
Chính giới Nhật đã tái khẳng định ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn của quan hệ hai nước, nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định hết sức coi trọng và các lãnh đạo khác của Nhật cho biết ủng hộ các đề xuất của Việt Nam, trong đó có việc đơn giản hoá thủ tục tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản.
Thứ hai, chuyến công tác đạt nhiều kết quả nổi bật, thực chất trong hợp tác kinh tế song phương, thúc đẩy hợp tác liên kết kinh tế đi vào chiều sâu.
Tiếp theo thông điệp “hợp tác Nhật Bản - Việt Nam là không giới hạn” đã được đưa ra trước đây, Thủ tướng Kishida cùng lãnh đạo các giới Nhật Bản đều tiếp tục khẳng định hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Hai bên cùng nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, chú trọng thúc đẩy tăng cường tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao.
Theo Thủ tướng, qua 50 năm, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 2i về hợp tác lao động, đứng thứ 3 về hợp tác đầu tư và du lịch, đứng thứ 4 về hợp tác thương mại. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ tình hình, định hướng và chính sách của Việt Nam trong xây dựng đất nước và phát triển kinh tế, đề nghị doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, khẳng định Việt Nam thực sự là điểm đến an toàn trong "cơn bão" khi kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, gửi thông điệp "cảm ơn khi bạn đến, vui lúc bạn thành công" tới các nhà đầu tư. Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ cam kết luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Giới kinh tế Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển, ổn định của kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, sẵn sàng đầu tư, mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường Việt Nam.
Nhân dịp này, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước đã trao đổi hơn 30 văn kiện hợp tác, trị giá gần 3 tỷ USD, trong đó có giấy chứng nhận đầu tư nhà máy điện khí LNG gần 2 tỷ USD tại Thái Bình. Hai nước cũng ký kết 3 công hàm về hợp tác ODA với tổng trị giá hơn 200 triệu USD, góp phần đưa tổng giá trị hợp tác ODA giữa hai nước trong năm 2023 đạt hơn 100 tỷ yên (tương đương gần 800 triệu USD), cao nhất kể từ năm 2017.
Hai bên khẳng định việc sớm triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế trong 5 lĩnh vực trọng tâm mà Việt Nam có nhu cầu, trong đó thúc đẩy trao đổi khả năng hợp tác xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tranh thủ tối đa cơ hội để thúc đẩy các đối tác Nhật Bản tích cực cùng tham gia xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan tới các dự án FDI đều có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD như chuỗi dự án khí Lô B-Ô Môn, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí thành lập nhóm điều phối chung giữa hai Chính phủ để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của một số dự án kinh tế đang triển khai giữa hai nước, trong đó có dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Chuyến công tác cũng đã mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, chíp bán dẫn, đổi mới sáng tạo... Thủ tướng đã tham dự tọa đàm với 10 doanh nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu Nhật Bản, qua đó khẳng định Việt Nam mong muốn và quyết tâm phát triển đột phá ngành bán dẫn. Thủ tướng cũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên về AZEC với thông điệp mạnh mẽ với chủ đề “Chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng tới một Châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”; đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững như AZEC và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như “Quỹ Đổi mới sáng tạo/Chuyển đổi số”(Innovation/DX) của Chính phủ Nhật Bản.
Đáp lại, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải thông qua Trung tâm AZEC do Nhật Bản thành lập. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng quan tâm cao đến các chính sách, nhu cầu của Việt Nam và cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực mới.
Hơn một nửa số văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản thuộc các lĩnh vực hợp tác mới, bao gồm xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, logistics, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot... Đây có thể là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào các lĩnh vực mới tại Việt Nam trong tương lai gần.
Thứ ba, chuyến công tác đã góp phần thúc đẩy liên kết nguồn nhân lực – lĩnh vực ngày càng quan trọng của quan hệ song phương. Lãnh đạo chính giới, địa phương, giới kinh tế Nhật Bản khẳng định nguồn nhân lực Việt Nam đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản, khi năm 2023 ghi dấu số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay đi hằng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và cả số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (khoảng 350.000 người, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản).
Trong chuyến công tác, Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến lao động tại nước ngoài. Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên người lao động Việt Nam đang làm việc tại đây, đặc biệt là các nhân lực trình độ cao. Thủ tướng nhấn mạnh tính bổ trợ giữa hai nước trong hợp tác nguồn nhân lực, cho biết Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản nhằm tăng cường sự gắn kết trong lĩnh vực này. Phía Nhật Bản khẳng định sẽ tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực người Việt; thúc đẩy bảo đảm quyền lợi, phúc lợi với người lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Thứ tư, về hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân, việc Thủ tướng thăm tỉnh Gunma ngay sau khi đến Nhật Bản và tiếp Thống đốc các tỉnh Aichi, Tochigi, Kanagawa, Niigata, Yamanashi, đồng thời tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các địa phương Thái Bình, Khánh Hoà, Hải Dương, Cần Thơ… chính là thông điệp mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm, coi trọng và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương Nhật Bản.
Trong các cuộc trao đổi, lãnh đạo chính giới cùng lãnh đạo các địa phương của Nhật Bản cũng khẳng định thúc đẩy hợp tác với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của các địa phương này, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch, thương mại, tiếp nhận lao động, giao lưu nhân dân; cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hòa nhập sâu, rộng hơn nữa vào xã hội Nhật Bản.
Nhân dịp này, tỉnh Hà Nam và tỉnh Gunma đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, mở ra cơ hội mới cho 2 địa phương, góp phần vào sự phát triển vượt bậc, làm phong phú và thực chất hơn 100 cặp quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet, có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr., Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.
Qua các cuộc tiếp xúc này, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo tiếp tục trao đổi về những phương hướng thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế, các chương trình hợp tác kết nối 3 nước, 4 nước về du lịch…
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia đã trao đổi về việc thiết lập cơ chế họp 3 Thủ tướng Chính phủ nhằm hiện thực hóa các kết quả đã đạt được tại Cuộc gặp cấp cao Người đứng đầu ba đảng Campuchia – Lào - Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore nhất trí mở rộng mạng lưới các khu công nghiệp VSIP sang các các địa phương xa trung tâm của Việt Nam, khuyến khích chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp kết hợp năng lượng (VSEP) thông minh, xanh, phát thải carbon thấp…
Với những kết quả đã đạt được, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản lần này là hoạt động cấp cao quan trọng và đầy ý nghĩa để khép lại năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản thành công rực rỡ với khoảng 500 sự kiện được tổ chức tại cả hai nước. Đồng thời, đây cũng là một trong những sự kiện đối ngoại cấp cao quan trọng cuối cùng của năm 2023, một năm cực kỳ sôi động và thành công của ngoại giao Việt Nam./.