Các nhà kinh tế dự đoán, các nền kinh tế châu Á như Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ sẽ tăng trưởng chậm lại do làn sóng Covid-19 và các biến thể mới.
Tháng 6/2021, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER ) và trang Nikkei Asia thực hiện một cuộc khảo sát với các nhà kinh tế ở Ấn Độ và 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Theo khảo sát, so với năm 2020, tất cả các nhà kinh tế đều cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 quốc gia trên sẽ có một sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tin rằng, sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19 sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia trong năm nay.
Các nền kinh tế châu Á đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Nguồn: CNBC)
Tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt vì Covid-19
Cụ thể, nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng 1,9% - mức thấp nhất trong số 6 quốc gia được khảo sát. Lý do bởi quốc gia này đang phải đấu tranh để ngăn chặn làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 3, với tình trạng thiếu giường bệnh nghiêm trọng và các ca nhiễm mới hàng ngày hiện dao động từ 4.000 - 6.000.
Nhà kinh tế Lalita Thienprasiddhi tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, có trụ sở tại Bangkok nói rằng, nền kinh tế Thái Lan đang đối mặt với sự bất ổn trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Bà Thienprasiddhi nói: “Do Covid-19, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan sẽ nằm trong khoảng 0,25 triệu-1,2 triệu du khách trong năm nay.
Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan, chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2019, nhờ 39,9 triệu khách du lịch nước ngoài”.
Trong một nỗ lực để cứu vãn nền kinh tế của mình, tuần trước, Thái Lan đã khởi động mô hình du lịch thử nghiệm với tên gọi "sandbox" tại đảo Phuket. Phuket trở thành tỉnh đầu tiên ở Thái Lan chào đón khách du lịch quốc tế trở lại mà không cần phải cách ly.
Chính phủ đặt mục tiêu sử dụng chiến dịch này như một mô hình để hồi sinh ngành du lịch, qua đó, giúp nền kinh tế phục hồi trong đại dịch.
Malaysia cũng đang phải chiến đấu với làn sóng Covid-19 thứ 3. Cuộc khảo sát của JCER cho thấy, tăng trưởng kinh tế Malaysia sẽ điều chỉnh giảm 1,2 điểm phần trăm, xuống mức 4,1%. Quốc gia này được dự báo tụt hạng mạnh nhất về tăng trưởng trong số 5 quốc gia trong khu vực ASEAN.
Khi tình trạng các ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao, chính phủ Malaysia đã ban hành một lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc vào tháng 6/2021. Đây là lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất được ban bố tại Malaysia kể từ tháng 3/2020 đối với việc di chuyển của người dân và các hoạt động doanh nghiệp.
Wan Suhaimie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Kenanga Investment cho biết: “Chúng tôi tin rằng, lĩnh vực dịch vụ, và đặc biệt là ngành bán lẻ, sẽ vẫn phải đối mặt với những áp lực trong thời gian tới vì hoạt động tiêu dùng có thể bị cản trở bởi các hạn chế di chuyển”.
Cuối tháng 6/2021, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố gói viện trợ Covid-19 trị giá 36 tỷ USD để giúp hỗ trợ nền kinh tế.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ cũng được dự báo sẽ sụt giảm mạnh nhất so với cuộc khảo sát trước đó. Các nhà kinh tế kỳ vọng, kinh tế nước này sẽ đạt 9,7%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát hồi tháng 3/2021.
Các ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát vào tháng 4/2021. Có thời điểm, quốc gia này ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 lên đến hơn 6.000 người/ngày - cao nhất trong số các nước châu Á - khi biến thể Delta tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ.
Dharmakirti Joshi, Nhà kinh tế trưởng của cơ quan xếp hạng CRISIL có trụ sở tại Ấn Độ lưu ý rằng: "Làn sóng Covid-19 thứ 2 đã làm gián đoạn sự phục hồi kinh tế của Ấn Độ khi các bang buộc phải đóng cửa. Điều này ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tốc độ phục hồi kinh tế cũng sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 trong những tháng tới. Chúng tôi hy vọng, 70% người trưởng thành của Ấn Độ sẽ tiêm phòng vào tháng 12”.
Đối với Philippines, các nhà kinh tế dự báo, tỷ lệ tăng trưởng năm 2021 là 4,3%; giảm 0,9 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát tháng 3/2021.
Dự báo, tăng trưởng của Singapore lạc quan nhất, ở mức 6,9%; tăng 0,8 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát hồi tháng 3/2021, do nhu cầu hàng hóa phục hồi và gia tăng xuất khẩu.
Song song với đó, tại quốc gia này, các ca nhiễm Covid-19 cũng khá thấp trong khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh. Đến cuối tháng 6/2021, hơn một nửa dân số Singapore đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19.
Nhà kinh tế Randolph Tan tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhận định: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế Singapore đang tiếp tục được cải thiện. Nhu cầu thương mại điện tử toàn cầu là yếu tố đóng góp tích cực vào tâm lý tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nước này”.
Rủi ro những tháng tới
Nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng, sự lây lan của Covid-19 và biến thể Delta là yếu tố rủi ro cao nhất đối với các nước châu Á.
Ông Vincent Loo thuộc KAF Research của Malaysia chỉ ra rằng, tiêm chủng vaccine Covid-19 dường như là cách duy nhất để đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, "tiêm chủng không phải là cách ‘chữa khỏi tất cả’ vì các biến thể virus đột biến có thể làm giảm hiệu quả của vaccine”.
Các nhà kinh tế cũng đang theo dõi tác động của lạm phát Mỹ và những thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023. Lãi suất cao hơn ở Mỹ có xu hướng khiến dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi châu Á và khiến đồng nội tệ giảm giá.
Theo cuộc khảo sát, các nhà kinh tế ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Ấn Độ nhấn mạnh, chính sách tiền tệ của Mỹ là một trong những rủi ro quan trọng mà nền kinh tế các nước phải đối mặt trong 12 tháng tới.
Ông Dendi Ramdani của Ngân hàng Mandiri có trụ sở tại Jakarta cho rằng, khả năng Fed giảm và tăng lãi suất sẽ tạo ra áp lực đối với tỷ giá đồng Rupiah. Lãi suất cao hơn có thể hạn chế sự phục hồi kinh tế.