Ảnh minh họa - Internet
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại chuyển biến tích cực
Thông báo nêu: Những tháng cuối năm 2022 và quý I năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng, cơ quan thông tấn báo chí, tổ chức chính trị - xã hội…, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có chuyển biến tích cực, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 28 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; một bộ phận cán bộ, công chức, sĩ quan thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt có trường hợp "bảo kê" cho các hành vi vi phạm pháp luật; cơ chế, chính sách còn bất cập, sơ hở, bị các đối tượng lợi dụng; việc trao đổi thông tin giữa các ngành, lực lượng, đơn vị về công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hình thức, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên và tạo chuyển biến căn bản, hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính các lực lượng chức năng, xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh; đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, thuế suất cao…
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công khai số điện thoại, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng Nhân dân theo quy chế của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Tăng cường kiểm tra hoạt động thương mại điện tử
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng kết Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, phản ánh kịp thời tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập của các cơ quan chức năng; giúp người dân nhận biết, phân biệt hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong tháng 5/2023; rà soát các quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập;
Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa và Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 ngày 22/11/2022 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; chủ động nắm tình hình, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tổng hợp những kiến nghị, đề xuất về khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong tháng 5 năm 2023.