Huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, tại Quyết định số 149/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Lộc Hà tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Lộc Hà đã vào cuộc một cách quyết liệt, tạo phong trào thi đua mạnh mẽ.
Đến nay, 11/11 xã trên địa bàn đều đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 18%, thị trấn Lộc Hà đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới đạt trên 98%. Các tiêu chí Quy hoạch; Giao thông; Thủy lợi và phòng chống thiên tai; Điện; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Kinh tế; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công đều đạt chuẩn theo quy định. Không có nợ đọng cơ bản.
Huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, tại Quyết định số 156/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Đầm Hà tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về quy hoạch và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Đầm Hà đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mang lại nguồn thu cao hơn cho người dân. Chính quyền và các cơ quan chức năng đã vào cuộc cùng nhân dân, định hướng các mô hình sản xuất. Đầm Hà ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Thực tế huyện đã từng bước quy hoạch, hình thành các vùng tập trung về thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả; hình thành các mô hình sản xuất tập thể, các tổ hợp tác, các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những nông sản sạch. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện gần đây, tổng số cơ sở nuôi tôm thẻ của huyện là 5 hợp tác xã và 178 trang, gia trại, tổng sản lượng tôm nuôi là hơn 3.600 tấn/năm…
Từ sự chuyển động đồng bộ, hiệu quả, đến nay huyện Đầm Hà có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Đầm Hà đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân là 99,7%. Xét theo tiêu chí cấp huyện, Đầm Hà đạt 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu.
Có thể thấy huyện Đầm Hà triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn huyện Đầm Hà, người dân thực sự là chủ thể của chương trình.