VNHN - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018 phải công bố công khai những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm tốt và chưa làm tốt để người dân biết mà lựa chọn và sử dụng những thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như mứt, bánh kẹo, thịt cá, rau củ quả…
Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất mứt trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: VGP/Bạch Quế.
Tại buổi kiểm tra một số cơ sở sản xuất mứt, bánh kẹo… phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán ở Hà Nội ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn kiểm tra thời điểm này là lấy mẫu các sản phẩm thường sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán để kiểm tra về ATTP và cảnh báo ngay đến người dân.
Các cơ sở kiểm nghiệm chuyên ngành phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra gửi đến để có kết quả sớm, thông báo công khai tới người dân cơ sở làm đạt chất lượng, cơ sở chưa đạt an toàn thực phẩm để người dân biết và lựa chọn.
Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết song ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, các đoàn thanh kiểm tra cũng phải công bố những đơn vị, cơ sở thực hiện tốt và cơ sở chưa thực hiện tốt vấn đề an toàn thực phẩm để người dân biết thông tin mà lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất/ kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết/lễ hội như: Bánh kẹo, giò chả, mứt, các loại thực phẩm tươi sống, như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, phụ gia thực phẩm... đồng thời, địa phương cần tăng cường tập huấn cho chủ các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ về an toàn thực phẩm, về các chứng nhận cần có để sản xuất thực phẩm bảo đảm vệ sinh...
Riêng tại Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt cao điểm kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các đoàn kiểm tra của Hà Nội đã kiểm tra hơn 6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó phát hiện 1.200 cơ sở có các lỗi sai phạm.
Cơ quan chức năng đã xử phạt hớn 400 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng, đồng thời tiêu hủy một số sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP như không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.../..