VNHN-Mỗi khi sang Hà Nội, nhà nhân học người Thái Achariya lại hẹn gặp tôi “để tán gẫu”. Một lần có hẹn tại một quán cà phê gần Hồ Gươm, tôi chọn được bàn ngồi sát cửa sổ, nhìn ra nơi phố cổ chật chội nhưng ồn ào náo nhiệt. Ngoài kia rất đông khách du lịch nước ngoài ngồi la liệt trên những chiếc ghế đẩu nhỏ xíu dọc theo con phố nhỏ và uống "bia cỏ”.
Ảnh minh họa - Internet
Hiện tượng công dân toàn cầu
Mỗi khi sang Hà Nội, nhà nhân học người Thái Achariya lại hẹn gặp tôi “để tán gẫu”. Một lần có hẹn tại một quán cà phê gần Hồ Gươm, tôi chọn được bàn ngồi sát cửa sổ, nhìn ra nơi phố cổ chật chội nhưng ồn ào náo nhiệt. Ngoài kia rất đông khách du lịch nước ngoài ngồi la liệt trên những chiếc ghế đẩu nhỏ xíu dọc theo con phố nhỏ và uống "bia cỏ”. Mãi lâu sau cô mới đến, rối rít xin lỗi vì “bị lái xe taxi cho đi vòng vèo, mãi giờ mới tới”. Nhìn cách Achariya nói tiếng Việt, hình dáng bề ngoài và ngôn ngữ, điệu bộ, khó có thể hình dung cô là một người đến từ Thái Lan. Cha Achariya người Thái gốc Triều Châu, mẹ người Thái Lan, lớn lên và được đào tạo ở Chiang Mai, tu nghiệp ở Mỹ, và nghiên cứu về người Thái Việt Nam, lúc đầu là nhóm Thái Trắng Mai Châu, sau là nhóm Thái Đen Sơn La, và giờ là Thái Đỏ trên Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Achariya đi về giữa hai nước dễ đã đến hai chục năm nay. Achariya bảo tôi cứ gọi tên Việt Nam của Achariya là Thục Lâm cho dễ, vì Achariya cảm thấy thân mật hơn khi được gọi tên này. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, đến nỗi tôi quên mất mình đang nói chuyện với một người ngoại quốc. Tôi nói thích ăn món canh chua cay tom-yam-cung của người Thái, Achariya nói thích món bún chả Hà Nội. Mỗi lần tham gia các sự kiện hội họp ở Việt Nam hay nước ngoài, Achariya thích được thướt tha trong tà áo dài Việt Nam, cũng đôi khi là bộ xường xám Quảng Đông đầy nữ tính. Không nói chuyện, chả ai nghĩ Achariya là người Thái. Tôi bảo đôi khi đang ngồi bâng quơ một mình ở Thái Lan hay các nước Đông Nam Á khác, tôi thường có cảm giác mơ hồ không biết mình đang ở quê nhà hay ở ngoại quốc. Achariya bảo cũng có cảm giác như vậy khi ở Việt Nam, mà có khi ở Thái Lan lại nói ra điều gì đó bằng tiếng Việt. Achariya tâm sự: “Ở với người Kinh người Thái bên Việt Nam đã lâu, em không chỉ có tên tiếng Việt mà còn có nhiều anh chị em cô bác kết nghĩa là người Thái và người Kinh, giờ em thấy mình cũng là một phần của mỗi cộng đồng cư dân nơi mình từng sống và làm việc ở đó. Cũng có đôi lúc em tự hỏi không biết mình là người nước nào...”
Câu chuyện của nhà nhân học Thái Lan gợi lên rất nhiều điều về trào lưu toàn cầu hóa trong thế giới sôi động chúng ta đang sống hôm nay, từ khái niệm “công dân toàn cầu” đến những băn khoăn về bản sắc văn hóa. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và phương tiện giao thông vận tải giúp cho các dòng chảy của con người, văn hóa và hàng hóa trở nên dễ dàng và nhanh chóng, giúp kết nối những miền đất vốn xa lạ trở nên gần gũi, làm cho thế giới vốn mênh mông trở thành nhỏ bé, vốn mơ hồ trở thành hiện thực, vốn xa lạ trở nên thân thiết. Khi Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới, đã từng có những lo ngại về tình trạng bị văn hóa ngoại lai xâm thực, làm mất bản sắc và bị hòa tan vào một thế giới phẳng! Vậy giờ đây, sau hơn ba thập kỷ mở cửa và hội nhập, chúng ta đã hiểu được gì về toàn cầu hóa, về bản sắc văn hóa trước xu thế hội nhập không thể cưỡng lại trong thế giới hiện đại? Góc nhìn nhân loại học văn hóa có thể giúp phần nào để hiểu rõ thêm các vấn đề nêu trên.
Ở phạm vi cá nhân, người ta thấy sự kết nối và giao hòa giữa con người với con người đang bùng phát hết sức nhộn nhịp thì ở tầm quốc gia, xu thế dân tộc chủ nghĩa dường như lại đang trở lại.
Trào lưu toàn cầu hóa và hệ quả
Toàn cầu hóa hiện nay là một xu thế được thúc đẩy mạnh mẽ từ sau chiến tranh lạnh, nhưng đó không phải là một cái gì đó chưa từng xảy ra trong lịch sử. Thực ra, các cuộc thiên di lớn của loài người trong các thời đại trước, và làn sóng xâm thực tìm kiếm thị trường và thuộc địa của các nước châu Âu thời tư bản trỗi dậy có thể được xem là những trào lưu toàn cầu hóa, nhờ đó mà các nền văn hóa, con người, và các dòng tư bản có cơ hội tiếp xúc, hòa trộn và xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trào lưu toàn cầu hóa gần đây có những đặc điểm rất khác biệt so với các trào lưu trước đó.
Trước tiên, có thể nhận thấy trào lưu toàn cầu hóa hiện nay được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường. Những dòng chảy tư bản từ các nước giàu đổ về các nước đang phát triển để tìm kiếm nguồn nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, và những thị trường tiêu thụ hàng hóa vô cùng rộng lớn. Các dòng tư bản xuyên biên giới đã kéo theo dòng người di cư xuyên quốc gia, các trào lưu văn hóa-xã hội, lối sống đa văn hóa và sự kết nối của con người, mạnh đến nỗi nó sẵn sàng cuốn phăng tất cả những rào cản nào nếu được dựng lên cản đường. Có thể nói, toàn cầu hóa hiện nay đã trở thành một xu thế tất yếu khách quan, không thể đảo ngược. Nó không chỉ kết nối và đan cài các nền kinh tế vào với nhau mà đã trở nên một cấu trúc phức hợp, đa dạng và mạnh mẽ, không thế lực nào có thể thay đổi được.
Chúng ta đã từng lo ngại toàn cầu hóa cũng giống như con đường một chiều, khởi phát từ phương Tây, tất yếu sẽ dẫn tới hiện tượng phương Tây hóa các giá trị văn hóa và lối sống, và điều đó chỉ mang lại lợi ích cho các nước Âu-Mỹ giàu có. Thực tế mấy thập kỷ hội nhập vừa qua cho thấy không chỉ các nước phương Tây mà chúng ta, cùng với những gã hàng xóm khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước nhỏ bé khác, đã thu được nhiều lợi ích quốc gia nhờ tham gia vào làn sóng toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa không chỉ mở đường cho thương mại hai chiều, đưa hàng hóa và nông sản Việt Nam ra thế giới và tiếp nhận lượng tư bản lớn đổ vào các dự án đầu tư và phát triển trong nước. Sự bùng nổ thương mại và đầu tư cũng giúp Việt Nam có được nguồn lực chống lại đói nghèo hiệu quả hơn, tỷ lệ nghèo giảm từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống còn 20.7% năm 2010 (VnExpress, 25/1/2013), 9.88% vào năm 2015 và 6.7% vào cuối năm 2017 trong khi tỷ lệ tái nghèo chỉ còn khoảng 2% (Nhân Dân, 17/10/2018). Khoảng 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về kinh tế và mỗi năm khoảng 1.5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, nâng tỷ lệ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam lên khoảng 13% dân số cả nước (World Bank, 15/4/2018).
Không thể không nói đến sự bùng nổ của internet trong làn sóng toàn cầu hóa hiện nay. Chính internet đã kết nối con người ở mọi vùng miền trên thế giới, từ nơi phồn hoa đô hội đến những vùng sâu vùng xa vốn biệt lập với bên ngoài, làm thay đổi cuộc sống của nhiều cá nhân và các cộng đồng thiểu số. Chỉ bằng một cú bấm vào smart phone hay máy tính, con người đã được kết nối với thế giới. Mọi yếu tố của trào lưu toàn cầu hóa, từ du lịch, thể thao, văn hóa, thương mại, quân sự đến kết hôn xuyên quốc gia, đều trở nên dễ dàng. Sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của thế giới hôm nay có thể tạo ra những hệ quả phát triển chưa từng có trong lịch sử loài người nhờ được kết nối internet.
Toàn cầu hóa dường như không làm triệt tiêu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và tính đa dạng văn hóa như nhiều người lo ngại. Trong khi ở phạm vi cá nhân, người ta thấy sự kết nối và giao hòa giữa con người với con người đang bùng phát hết sức nhộn nhịp thì ở tầm quốc gia, xu thế dân tộc chủ nghĩa dường như lại đang trở lại. Các cuộc vận động bầu cử ở Mỹ 2016, ở Pháp 2017, ở Nga 2018, hiện tượng Brexit ở Anh 2017, và đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc 2017 đều cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc. Ở xu hướng này, người ta thấy vai trò của địa-chính trị và xu hướng tái cấu trúc của chủ nghĩa dân tộc ở các khu vực trên thế giới đang trở nên phức tạp hơn và vẫn đang song hành cùng toàn cầu hóa. Chủ nghĩa dân tộc là một thực tế lịch sử, nhưng việc gần đây nó được dân chúng ở nhiều quốc gia hưởng ứng mạnh mẽ cho thấy tác động của toàn cầu hóa không làm phai nhạt chủ nghĩa dân tộc, thay vào đó, lại củng cố nó. Như một phản ứng tự nhiên trước làn sóng toàn cầu hóa, không chỉ các nước lớn mà các quốc gia nghèo đói và nhỏ bé, trong đó có Việt Nam, cũng muốn bảo toàn đặc thù về thể chế chính trị. Các nước này một mặt mở cửa về kinh tế để đón nhận toàn cầu hóa, mặt khác cảnh giác với những trào lưu văn hóa-xã hội đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, các rào chắn thông tin dễ dàng bị phá vỡ trong bối cảnh công nghệ ngày nay. Đồng thời, các nước đang phát triển đi sau cũng càng phải nỗ lực cải cách để khắc phục các yếu kém, khuyết tật và thích nghi với thực tế là đòi hỏi dân chủ hóa, minh bạch hóa đời sống kinh tế xã hội và sự tham gia của người dân vào quá trình này sẽ trở thành xu hướng chủ đạo và là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa.
Quan hệ giữa toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh đổi thay như vũ bão của thế giới hôm nay, liệu bản sắc văn hóa các dân tộc có bị cuốn đi bởi vòng xoáy của toàn cầu hóa hay không? Chúng ta phải ứng xử thế nào trước những thách thức giữa duy trì bản sắc dân tộc và tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới do toàn cầu hóa mang tới? Có hai xu hướng còn đang tranh luận xoay quanh câu hỏi này. Ý kiến thứ nhất, thường gọi là xu hướng nhất thể hóa, cho rằng toàn cầu hóa đang tạo ra một thế giới phẳng, theo đó, một hệ giá trị chung đại diện cho nhân loại sẽ dần được xác lập trên phạm vi toàn cầu, không sớm thì muộn. Loại ý kiến thứ hai, còn gọi là xu hướng đa dạng hóa, cho rằng toàn cầu hóa không những không làm mất đi bản sắc dân tộc mà ngược lại, góp phần củng cố bản sắc dân tộc trước nguy cơ bị hòa tan trong thế giới phẳng. Để hiểu được những vấn đề phức tạp này, chúng ta cần hỗ trợ của các lý thuyết nhân loại học văn hóa.
Văn hóa, dù được định nghĩa theo cách nào đi nữa, cũng được quy về ba thành tố chính, bao gồm: (1) các hiện vật văn hóa do con người làm ra để đáp ứng các nhu cầu cho cuộc sống của mình, ví dụ như nhà cửa, trang phục, công cụ sản xuất, v.v.; (2) các hành vi và hành động của con người khi ứng xử với nhau và ứng xử với tự nhiên, ví dụ như cách người ta chào hỏi nhau, tức giận, vui sướng, tôn thờ, v.v.; (3) các tri thức văn hóa là những hiểu biết, quan điểm, kỹ năng mà con người có được thông qua trải nghiệm hoặc giáo dục. Tri thức có thể bao gồm cả những hiểu biết có tính lý thuyết hoặc kỹ năng thực hành. Nếu như ở hai thành tố đầu tiên, chúng ta có thể quan sát và cầm nắm được vì nó hữu hình thì ở thành tố thứ ba, tri thức là cái gì đó khó nắm bắt vì nó vô hình. Tuy nhiên tri thức lại là yếu tố quyết định hai thành tố trước. Nó quyết định cái cách người ta làm ra các hiện vật như thế nào và sử dụng vào mục đích gì, hoặc trong hoàn cảnh nào thì phải ứng xử ra sao. Các nhà nhân học thường nghiên cứu và mô tả hai thành tố hữu hình để hiểu được tri thức văn hóa.
Bản sắc văn hóa của một dân tộc không phải là một cái gì đó “tự nhiên thành”, cũng không hoàn toàn được tạo ra từ sự tương tác và tiếp xúc giữa các nền văn hóa. Bản sắc của một dân tộc thực ra là một cấu trúc nhân tạo (artificial construction), được tạo dựng, bồi đắp và cố kết trên cơ sở một nền tảng chung về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, lịch sử và một hệ thống chính trị - xã hội thống nhất.
Khi nói đến bản sắc văn hóa, chúng ta thường nghĩ đến bản sắc của một cá nhân, một cộng đồng, như tộc người (ethnic group), tôn giáo, và dân tộc (nation-state). Bản sắc là sự khác biệt được tạo nên bởi các yếu tố hữu hình và vô hình của văn hóa, và người ta thường chỉ nhận ra sự khác biệt ấy thông qua tương tác với các văn hóa khác để từ đó cảm nhận được mình thuộc về một cộng đồng tộc người, dân tộc, tôn giáo hay giai tầng xã hội nào đó.
Đã có nhiều nghiên cứu về bản sắc văn hóa, và được thảo luận sôi nổi cả trên bình diện lý thuyết và thực tế trong nhiều thập kỷ qua. Nhận xét về bản sắc tộc người, trường phái Bản thể luận (Primodialism) cho rằng tộc người là một cộng đồng văn hóa có bản sắc riêng, cùng chia sẻ những đặc điểm chung như tên gọi, ngôn ngữ, lãnh thổ, những đặc điểm về tinh thần, lối sống cũng như một số hình thái đặc biệt về tổ chức lãnh thổ-xã hội hay một định hướng để tạo nên những nét đặc trưng. Trái ngược với bản thế luận, các nhà nghiên cứu theo thuyết Tình thế luận (Circumstantialism) lại cho rằng dù các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa được hình thành từ một cộng đồng có chung tổ tiên đi chăng nữa thì nó vẫn có tính chất tình thế và điều này thường xảy ra trong đời sống hằng ngày. Vấn đề không phải là những chỉ dấu riêng của bản sắc văn hóa mà là mối quan hệ và tương tác giữa các cộng đồng văn hóa. Các thành viên của một nhóm, tùy thuộc vào tương tác hằng ngày với nhóm khác mà tự cảm thấy mình không xa lạ với nhóm khác và có thể chấp nhận làm thành viên của nhóm ấy.
Nếu như bản thể luận cho rằng bản sắc được tạo nên từ những yếu tố gốc, và do đó có tính bền vững, thì tình thế luận, ngược lại, tin rằng bản sắc văn hóa chứa đựng nhiều yếu tố đạo đức, xã hội, và cảm xúc. Nó có thể thay đổi tùy thuộc vào từng hoàn cảnh nhất định.
Trong khi vấn đề bản sắc của tộc người được nhận diện chủ yếu thông qua những khác biệt về văn hóa thì ở quy mô dân tộc (quốc gia), bản sắc lại dường như được cảm nhận và xây dựng trên cơ sở của cố kết chính trị. Dân tộc (nation) do đó là một cộng đồng người có tính tưởng tượng, được phát triển trên cơ sở một lãnh thổ chung, một hệ thống kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và một vận mệnh lịch sử chung, được quản trị bởi một nhà nước và một hệ thống chính trị thống nhất. Một quốc gia-dân tộc thời hiện đại thường bao gồm nhiều tộc người, do đó thường có đặc tính “thống nhất trong đa dạng”, tức thống nhất về kinh tế, chính trị và xã hội nhưng đa dạng với nhiều sắc thái văn hoá tộc người và vùng miền. Bản sắc văn hóa của một dân tộc do đó không phải là một cái gì đó “tự nhiên thành”, cũng không hoàn toàn được tạo ra từ sự tương tác và tiếp xúc giữa các nền văn hóa. Bản sắc của một dân tộc thực ra là một cấu trúc nhân tạo (artificial construction), được tạo dựng, bồi đắp và cố kết trên cơ sở một nền tảng chung về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, lịch sử và một hệ thống chính trị - xã hội thống nhất. Những đặc điểm của bản sắc dân tộc được nhận diện tùy vào nhận thức chủ quan của mỗi nhà nghiên cứu và tác động của bối cảnh chính trị xã hội cụ thể. Bản sắc dân tộc có thể trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác văn học, nghệ thuật và chính trị, một động lực lớn lao cho phát triển nhưng cũng là nguồn cơn của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt và bạo lực.
Như đã nói ở trên, bản sắc văn hóa được tạo dựng lên bởi các biểu tượng. Các biểu tượng này không phải là cái gì đó vĩnh hằng, bất biến mà sẽ biến đổi cùng thời gian, hoàn cảnh và tiếp xúc với các văn hóa khác. Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy khái niệm bản sắc dân tộc đã được cấu trúc và tái cấu trúc nhiều lần để phù hợp với thời đại và hoàn cảnh chính trị-xã hội cụ thể. Khi cha ông chúng ta đương đầu với làn sóng thực dân, tầng lớp tinh hoa và các chí sỹ có xu hướng nhấn mạnh tính “đồng văn đồng chủng” với các nền văn hóa Á Đông trên cơ sở tư tưởng Khổng giáo và sử dụng khái niệm về bản sắc này như một công cụ chính trị khích lệ tinh thần dân tộc, kêu gọi lòng trung với nước và tìm kiếm đồng minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khi chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, một lần nữa, vấn đề bản sắc văn hóa được đặt ra, trong đó những giá trị mới như “truyền thống chống ngoại xâm” và “tinh thần quốc tế vô sản” được khái quát thành những biểu tượng mới của bản sắc Việt Nam. Trong thời kỳ chống chủ nghĩa bành trướng phương Bắc, biểu tượng của bản sắc dân tộc đã lại một lần nữa được cấu trúc lại, trong đó xu hướng “bản địa hóa” bản sắc dân tộc được đề cao, xem văn hóa dân gian và lối sống làng xã là “linh hồn của văn hóa dân tộc” nhằm chống lại quan điểm cho rằng bản sắc văn hóa Việt Nam “chỉ là một bản sao của văn hóa Trung Hoa”.
Ngày nay, trước làn sóng hội nhập kinh tế và toàn cầu hoá, những thách thức mới về bản sắc văn hoá dân tộc lại được đặt ra một cách gay gắt. Trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã và học thuyết về quốc tế vô sản chỉ còn là những giá trị lịch sử, Việt Nam có khuynh hướng quay trở lại với chủ nghĩa dân tộc, xem việc trở lại với cội nguồn, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống và cố kết dân tộc như một chiến lược văn hoá trong thời đại hội nhập toàn cầu.1 Trong chiến lược này, chúng ta một mặt tôn trọng quá trình tiếp biến văn hóa, tiếp nhận và chuyển hóa các yếu tố văn hóa quốc tế vào kho tàng văn hóa của ta, mặt khác, tìm kiếm những biểu tượng mới của bản sắc văn hoá Việt Nam đặng có thể giúp cố kết dân tộc nhằm cạnh tranh thắng lợi trong một thế giới được tổ chức bởi các quốc gia – dân tộc. Cũng trong bối cảnh này mà đạo thờ cúng tổ tiên và tôn vinh Quốc tổ - Vua Hùng đã được nhìn nhận lại như một “quốc đạo” và một biểu tượng mới đại diện cho bản sắc văn hoá và đạo lý “uống nước- nhớ nguồn” của người Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đang được cấu trúc lại, trong đó bản sắc văn hóa nổi lên như một chiến lược sinh tồn trước làn sóng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bởi “hội nhập mà không còn bản sắc thì cũng không khác gì bán linh hồn cho quỷ sứ.”2
----
1 Nguyễn Khoa Điềm (Cb.) 2001. Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
2 Nguyễn Huỳnh Mai, 2013. “Hội nhập toàn cầu và bản sắc dân tộc”. Văn hóa Nghệ An, ngày 2/12/2013.