VNHNO - Quốc hội đang công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh theo thứ tự các khối: Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội đánh giá những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng lá phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN.
Danh sách lấy phiếu tín nhiệm năm 2018 có 50 chức danh, tuy nhiên hai trường hợp không lấy phiếu do chưa đủ thời gian công tác 9 tháng gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (mới được bầu, phê chuẩn cách thời điểm lấy phiếu vài ngày).
Sáng 25/10, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đầu giờ sáng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu sẽ được thực hiện toàn bộ bằng máy.
Phiếu tín nhiệm dành cho 4 khối là Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và TANDTC, VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ có màu sắc khác nhau để thuận tiện cho việc kiểm phiếu.
Theo chương trình, đầu giờ chiều, sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tiếp đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trước đó, chiều 24/10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành.
Theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước vào năm 2013, 2014, chưa có trường hợp nào có kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định. Đồng thời, cũng chưa có trường hợp nào có kết quả từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
Đánh giá công tâm, toàn diện
Chia sẻ với báo chí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, khi chọn mức tín nhiệm với một người phải đối chiếu lại sự hoàn thành trách nhiệm đối với lĩnh vực được giao, phụ trách để xem biện pháp chỉ đạo quản lý có đạt yêu cầu không, đem lại chuyển biến gì, mặt nào cải thiện hơn. Ngoài trách nhiệm với ngành, lĩnh vực thì mỗi chính sách, hành động, thậm chí lời phát biểu, nhận xét, đánh giá của người đó phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân và chủ quyền quốc gia.
Cũng theo ông Nghĩa, một số sự việc cá biệt cần lưu ý, đánh giá công tâm. Đại biểu có trách nhiệm cao thì phải tự tìm hiểu để đánh giá toàn diện cả một quá trình, thấy những góc độ khác nhau, phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình.
VOV dẫn lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết phần lớn các báo cáo mà 48 vị gửi đại biểu Quốc hội đã nêu rất cụ thể những việc họ đã làm được và chưa làm được. Tuy nhiên ông cũng băn khoăn, có một số người chỉ nêu thành tích hoạt động của mình nhưng không nêu hạn chế và các giải pháp khắc phục.
“Trong 48 người được lấy phiếu lần này, tôi đã định hình được ai là người phiếu tín nhiệm cao nhất nhưng cũng có những người tôi phải suy nghĩ, xem xét và có thể chấm tín nhiệm thấp”, ông Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.
Ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, ông ghi nhận sự sát sao của các lãnh đạo, bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Nhưng một số vị chỉ đánh giá mặt đã làm, còn hạn chế, thiếu sót thì ít đề cập.
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp đánh giá cao một số vị đã mạnh dạn nhận những hạn chế yếu kém trong ngành, lĩnh vực mình quản lý và đưa ra những lời hứa, lời cam kết khắc phục từ đây đến cuối nhiệm kỳ.
“Tôi sẽ chấm tín nhiệm cao đối với những vị có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch. Kế đến, tôi sẽ xem xét tinh thần, thái độ làm việc của các vị này từ đầu nhiệm kỳ đến nay như thế nào”, ông Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Ông Hoà cho rằng, việc xác định mức tín nhiệm phải tìm hiểu kỹ trong cả quá trình chứ không vì một số vụ việc nổi cộm mà đánh giá tín nhiệm thấp. Bản thân ông sẽ đánh giá một cách công tâm, trung thực, khách quan để không “chấm điểm” oan bất cứ ai./.