09/01/2025 lúc 23:42 (GMT+7)
Breaking News

Cơ sở khoa học và thực tiễn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là những khẳng định có giá trị và ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn cho phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Ảnh minh họa - TL

Bài viết góp phần luận giải cơ sở khoa học và thực tiễn những quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các nội dung: Quan niệm về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ thể trong nền kinh tế; phân phối và giải quyết các vấn đề xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là những khẳng định có giá trị và ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn cho phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN là sự sáng tạo trong tư duy lý luận của Đảng ta, là lựa chọn tất yếu khách quan, khoa học và thực tiễn. Đó là sự lựa chọn kết hợp giá trị, tinh hoa nhân loại với đặc điểm và bản chất ưu việt riêng có của chế độ chính trị.

KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam, được hình thành từ quá trình đổi mới tư duy lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước. Đây là kiểu tổ chức nền kinh tế dựa trên những nhận thức sâu sắc về tính quy luật khách quan với phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của chủ thể là chính Đảng, Nhà nước XHCN và nhân dân lao động. Quá trình hình thành tư duy toàn diện về nền KTTT định hướng XHCN là quá trình tìm tòi, nghiên cứu để phát triển nhận thức, đồng thời là quá trình đúc rút kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của đất nước. Đó là quá trình phát triển nhận thức từ thấp đến cao, từ chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện tới ngày càng đầy đủ, sâu sắc và hoàn thiện.

Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần làm sáng tỏ những nét đặc thù của nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam.

1. Quan niệm về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam

Tổng Bí thư nêu rõ: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(1). Đây là nhận định bao quát và đầy đủ về nền KTTT định hướng XHCN mà nước ta đang xây dựng. Mô hình là kết quả của sự tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn minh nhân loại phù hợp với thực tiễn, đặc điểm phát triển của Việt Nam.

Một là, nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam trước hết là một nền kinh tế vận hành theo quy luật của thị trường. Kinh tế thị trường là sản phẩm của lịch sử phát triển các hình thức tổ chức, vận hành nền kinh tế theo các quy luật khách quan như cung cầu, cạnh tranh, dựa trên mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của người sản xuất và mục tiêu tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng. Chính vì thế, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường được dẫn dắt bởi các lợi ích tư nhân của các chủ thể.

Trong cơ chế cạnh tranh lành mạnh, nhà sản xuất không thể đạt được mục tiêu lợi nhuận nếu không đáp ứng lợi ích của người tiêu dùng, thậm chí không thể tồn tại trên thị trường do bị cạnh tranh lựa chọn và đào thải. Càng nhiều chủ thể tham gia thị trường, thị trường càng bảo đảm tính cạnh tranh, người tiêu dùng càng có nhiều lựa chọn. Quá trình lựa chọn của người tiêu dùng sẽ buộc những nhà sản xuất muốn tồn tại phải đáp ứng một cách tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng thông qua liên tục đổi mới, sáng tạo để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Vì thế, KTTT có vai trò tích cực, có nhiều ưu điểm trong việc thúc đẩy sản xuất, cải tiến kỹ thuật - công nghệ, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động xã hội, tạo ra nhiều của cải, làm giàu cho xã hội, từ đó nâng cao đời sống nhân dân.

Những ưu việt của mô hình KTTT, đặc biệt dưới góc độ hiệu quả kinh tế là cơ sở khoa học quan trọng để phần lớn các quốc gia trên thế giới lựa chọn và áp dụng. Thực tiễn phát triển của các quốc gia cũng cho thấy, mô hình này mang lại nhiều thịnh vượng, giàu có hơn so với các mô hình khác. Điều đó càng khẳng định sự lựa chọn của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp, có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Hai là, nền KTTT định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập quốc tế. Ưu điểm của KTTT chỉ được phát huy trên cơ sở hình thành đầy đủ các thị trường, bao gồm thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Sự phát triển của thị trường các yếu tố sản xuất như lao động, đất đai, vốn, khoa học - công nghệ giúp các chủ thể trong nền kinh tế dễ dàng tiếp cận các nguồn lực một cách tối ưu cho sản xuất. Sự phát triển của các thị trường tiêu thụ sản phẩm, các kênh phân phối tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất bán sản phẩm ra thị trường và người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn. Bên cạnh đó, sự phát triển, hoàn thiện của các yếu tố trên từng thị trường như cung, cầu, giá cả, trung gian trên thị trường và các quy định điều tiết hoạt động trên các thị trường... sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển.

Ở Việt Nam, các thị trường và các yếu tố của thị trường được hình thành và ngày càng phát triển hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Quy mô thị trường vốn liên tục mở rộng với nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế. Với lực lượng lao động dồi dào, Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng trong cung cấp lao động với chi phí thấp cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Việt Nam là điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài do sự thuận lợi, dễ dàng trong tuyển dụng lao động với chi phí cạnh tranh.

Thị trường đất đai mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng cũng được xem là lợi thế thu hút đầu tư khi doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi trong tiếp cận mặt bằng với chi phí thấp. Một số thị trường hiện đại đã được hình thành và từng bước phát triển như thị trường khoa học - công nghệ, thị trường chứng khoán…

Tính hiện đại của thị trường còn thể hiện ở phương thức giao dịch, kết nối giữa các chủ thể tham gia thị trường đang bắt kịp rất nhanh với xu hướng công nghệ. Việt Nam có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình vào khoảng 30% và thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN (theo Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google). Các giao dịch trên thị trường được pháp luật bảo đảm, lợi ích các chủ thể trên thị trường được chú trọng, bảo đảm cạnh tranh thị trường lành mạnh, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, hàng hóa sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu quốc tế.

Khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động kinh tế mới hình thành trên nền tảng tiến bộ công nghệ đang được bổ sung, hoàn thiện. Nhà nước khuyến khích và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các mô hình, các hình thức kinh doanh mới, ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Nền KTTT định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, sự phát triển được đặt trong mối liên hệ, gắn kết với thị trường quốc tế để vừa phát huy được tiềm năng, thế mạnh nội tại của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại.

Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam có bước tiến lớn trong việc đổi mới tư duy chính sách, hoàn thiện chuẩn mực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, định hình khung khổ pháp lý và phát triển các thể chế kinh tế - thương mại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đất nước từng bước mở cửa, nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế theo các thỏa thuận đa phương và song phương đã cam kết. Đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ.

Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao (200% GDP); cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu từ năm 2016 đến nay. 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia (15 hiệp định đã ký kết, có hiệu lực và 2 hiệp định đang đàm phán) là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển KTTT và hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng, đầy đủ, hiệu quả hơn.

Ba là, nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mặc dù có nhiều ưu điểm, KTTT không phải là liều thuốc vạn năng, lời giải hoàn mỹ cho phát triển. Kinh tế thị trường có những thất bại, như: thiếu cạnh tranh trên thị trường; thiếu hàng hóa, dịch vụ ở một số lĩnh vực kinh doanh không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp mà tư nhân không muốn đầu tư; động lực tối đa hóa lợi nhuận dễ dẫn tới các hành vi sản xuất, kinh doanh phi đạo đức, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an toàn, ổn định xã hội… Ngoài ra, tự thị trường không thể giải quyết được các vấn đề như bảo đảm công bằng xã hội hoặc ứng phó với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc kinh tế.

Chính vì vậy, một mặt, cần thừa nhận những ưu điểm của KTTT để sử dụng như phương thức tạo ra của cải, làm giàu cho xã hội, đồng thời chủ động hướng nền kinh tế tới mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, đem lại sự phồn vinh và hạnh phúc. Để làm được điều đó, nền kinh tế cần được đặt dưới sự điều hành của “bàn tay nhà nước” mà cụ thể là “sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(2). Chỉ có như vậy, những thất bại của thị trường mới có thể được hạn chế.

Khác với nền KTTT tự do, KTTT định hướng XHCN mà Đảng ta xây dựng là nền KTTT đặc thù, có tổ chức, có kế hoạch, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là điểm sáng tạo của Đảng, vừa nhận thức đầy đủ tính tất yếu khách quan, đồng thời phát huy vai trò năng động, sáng tạo của chủ thể nhằm tận dụng ưu thế của kinh tế thị trường và hạn chế những mặt tiêu cực. Mục tiêu của Đảng ta là đem lại sự giàu mạnh và phồn vinh cho đất nước; thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH, đưa nước ta hội nhập, nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển trong thế kỷ XXI.

2. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Khẳng định “quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta”(3), Tổng Bí thư muốn nhấn mạnh đến đặc thù của mô hình KTTT của Việt Nam - một nền kinh tế được xây dựng “xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(4). Cần nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ, quá trình chuyển biến cách mạng từ chất cũ sang chất mới. Do vậy, nền kinh tế vận động theo những quy luật của KTTT, đồng thời được định hướng bởi những nguyên tắc khác để khắc phục hạn chế, khiếm khuyết của KTTT.

Để thực hiện mục tiêu ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một nhân tố không thể thiếu, đó là “sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Chỉ như vậy, nền kinh tế mới có thể thực hiện được những mục tiêu XHCN “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hơn 35 năm đổi mới với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, là minh chứng cho sự đúng đắn về nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng ta trong quá trình xây dựng nền KTTT định hướng XHCN nói riêng và công cuộc xây dựng CNXH nói chung. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân nên “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(5).

3. Chủ thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Tổng Bí thư nêu rõ, nền kinh tế nước ta cùng tồn tại “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(6).

Đây là nhận định xác đáng, phát triển từ cơ sở lý luận hình thái kinh tế - xã hội của Mác - Lênin. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội được đặc trưng bởi một hình thức sở hữu giữ vai trò thống trị. Sở hữu tư nhân đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản, sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội là hình thức sở hữu thống trị trong chủ nghĩa cộng sản tương lai. Tính định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta được thể hiện qua việc bảo đảm vị trí thống trị của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, cụ thể là vai trò chủ đạo của sở hữu nhà nước và kinh tế nhà nước. Mô hình ấy không dựa trên mong muốn chủ quan của giai cấp cầm quyền mà được quy định bởi yêu cầu khách quan của quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, Đảng ta xác định kinh tế nhà nước, với vai trò chủ đạo, là kênh quan trọng để Nhà nước có thể điều tiết nền kinh tế. Dù doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm về số lượng, cùng với sự mở rộng của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng vai trò của các doanh nghiệp nhà nước không vì thế mà giảm đi. Trong nền KTTT, khu vực kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện phát triển trong khả năng của nền kinh tế và trong khuôn khổ luật pháp. Đảng và Nhà nước vẫn bảo đảm định hướng XHCN khi nắm trong tay các công cụ quản lý vĩ mô và các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Trong điều kiện ấy, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển một cách lành mạnh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tạo tiền đề vật chất để tiến lên CNXH.

4. Phân phối và giải quyết các vấn đề xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Tổng Bí thư nhấn mạnh “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(7).

Để hiểu rõ hơn luận giải của Tổng Bí thư, cần nhận thức rõ, trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta, quan hệ phân phối bao gồm ba đặc điểm: (1) Chế độ đa sở hữu mà biểu hiện là sự tồn tại của đa dạng chủ thể sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy không chỉ có một chủ thể phân phối là nhà nước như trong nền kinh tế tập trung mà thu nhập được phân phối bởi nhiều chủ thể khác nhau; (2) Nền kinh tế vận động theo các quy luật thị trường nên quá trình phân phối thu nhập cũng không nằm ngoài sự chi phối của các yếu tố thị trường; (3) Tính đa dạng thức trong phân phối. Chế độ phân phối được thực hiện chủ yếu theo kết quả lao động, đồng thời dựa trên mức độ đóng góp các yếu tố sản xuất khác như đất đai, nhà xưởng, thiết bị, vốn,… dưới sự điều tiết, định hướng của Nhà nước.

Có thể thấy, khác với phân phối theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, phân phối thu nhập trong nền KTTT được thực hiện chủ yếu bởi cơ chế thị trường. Trong đó, phân phối thu nhập quốc dân được thực hiện bằng hệ thống giá cả theo nguyên tắc trao đổi tương đương. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia, đồng thời bảo đảm công bằng kinh tế theo chiều ngang: mức hưởng thụ dựa trên mức đóng góp. Nhưng, do sự khác biệt về trình độ, năng lực và điều kiện vật chất được thừa hưởng giữa các chủ thể, xã hội vẫn tồn tại sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân. Đây là vấn đề mà cơ chế thị trường không tự giải quyết được, cần có sự quản lý, điều tiết của chủ thể Nhà nước thông qua hệ thống an sinh xã hội và các chính sách xã hội. 

Tổng Bí thư quán triệt “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”(8).

KTTT của chúng ta là KTTT định hướng XHCN, khác với các nền KTTT thuần túy ở tính nhân văn. Định hướng KTTT phát triển một cách tích cực, lành mạnh là một vấn đề căn cốt, bảo đảm đồng thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là một điểm ưu việt thể hiện tính chất định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta.

Để hoàn thiện và phát triển nền KTTT cần tăng cường thực thi công bằng xã hội. Đây là một nội dung xuyên suốt trong quá trình phát triển, ngay cả trong những giai đoạn kinh tế - xã hội khó khăn nhất. Bởi khi ấy, khuynh hướng tự phát của một nền KTTT càng rõ rệt sẽ càng làm phân hóa giàu nghèo. Nếu không có sự điều tiết của nhà nước, những chủ thể kinh doanh, những khu vực có ưu thế, điều kiện sản xuất thuận lợi sẽ tập trung và sở hữu các nguồn lực vượt trội để phát triển, trái ngược sự tụt hậu của các cá nhân, khu vực yếu thế hơn; dẫn tới gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế vẫn tồn tại nạn quan liêu, tham nhũng; tình trạng độc quyền, cạnh tranh thiếu lành mạnh… Thực tế ấy đòi hỏi các giải pháp, chính sách điều tiết của Nhà nước nhằm bảo đảm công bằng xã hội, hướng tới những đối tượng yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cần nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa công bằng xã hội và các yếu tố tạo nên xã hội: (1) chính trị, biểu hiện thông qua sự quản lý của Nhà nước, luật pháp, Đảng lãnh đạo, dân chủ… (2) kinh tế, biểu hiện trong quá trình sản xuất, các quan hệ kinh tế; và (3) văn hóa - xã hội, là các vấn đề liên quan tới đạo đức, phong tục, tập quán, giáo dục, sức khỏe…  Vì vậy, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải chú ý tới tính toàn diện của nó, phải được thực hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội

Về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”(9). Như vậy, việc hoạch định chính sách kinh tế và xã hội cần được tiến hành đồng thời - xây dựng chính sách kinh tế gắn với các mục tiêu xã hội; các chính sách an sinh xã hội cần được xây dựng dựa trên các tiền đề vật chất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đây là quan hệ thống nhất và thúc đẩy giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội, xuất phát từ những yêu cầu nội tại của nền KTTT định hướng XHCN của nước ta.

Trong suốt 35 năm đổi mới, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005, 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và còn 2,23% năm 2021 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Giai đoạn 2016-2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng từ 0,682 (nhóm trung bình) lên 0,706 (nhóm cao). Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, không địa phương nào có HDI thuộc nhóm rất cao (≥0,800); đồng thời cũng không địa phương nào có HDI rơi vào nhóm thấp (<0,550).

Về quá trình thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong 8 mục tiêu đã ký cam kết với Liên hợp quốc, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận các mục tiêu còn lại. Trên thực tế, rất ít quốc gia đã đạt được kết quả như Việt Nam. Khoảng hơn 43 triệu người (45% dân số Việt Nam) đã thoát khỏi nghèo đói.

Tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đạt 99% trẻ em đúng độ tuổi đến trường, tỷ lệ đến trường của trẻ em gái và trẻ em trai nhìn chung đã ngang bằng nhau. Điều này cho thấy sự phân biệt đối xử về giới tính đang được từng bước loại bỏ trong hệ thống giáo dục. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm ba phần tư.

Mô hình KTTT định hướng XHCN là lựa chọn tất yếu khách quan, khoa học và thực tiễn. Đó là sự lựa chọn kết hợp giá trị, tinh hoa nhân loại với đặc điểm và bản chất ưu việt riêng có của chế độ chính trị, là sự sáng tạo trong tư duy lý luận của Đảng ta. Những quan điểm của Tổng Bí thư về KTTT định hướng XHCN của Việt Nam là những khẳng định có giá trị và ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn cho phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

_________________

(1), (2), (3), (4), (6), (7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.25-26, 25-26, 25, 25, 26, 26, 27, 26-27.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104.

PGS, TS ĐINH THỊ NGA

ThS NGUYỄN VIẾT DŨNG

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh