Tham dự Tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Trung tâm Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo AI Viettel…
Phát biểu đề dẫn, GS. TS. Tạ Ngọc Tấn xác định rõ nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tư vấn “Trí tuệ nhân tạo (AI): Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung trên. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng đối với Nhóm biên soạn tiếp thu thông tin, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Báo cáo tư vấn với những luận cứ về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh trong thời đại CMCN 4.0, AI được xem là một trong những công nghệ đột phá, mở ra kỷ nguyên mới của thế giới với khả năng thu thập, phân tích dữ liệu lớn, giúp tăng năng xuất, giảm chi phí, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Trong kỷ nguyên số, việc phát triển kho dữ liệu, làm chủ dữ liệu, khai thác hiệu quả dữ liệu có ý nghĩa quan trọng, quyết định ai là người chiến thắng. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn do AI mang lại để phát triển nhanh, bền vững đất nước, hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030 và năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.
Tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề: nhận thức về AI, vai trò, vị trí của AI trong thế giới hiện nay; đánh giá tình hình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI tại một số quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Israel, Singapore, Thái Lan…) và Việt Nam; cơ hội, thách thức và đề xuất chủ trương, chính sách nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI tại Việt Nam.
Các ý kiến tham luận thống nhất đánh giá AI đang phát triển với tốc độ cấp số nhân; phát triển, ứng dụng AI là xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và lợi ích mang lại, AI cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, rủi ro tác động đến công tác quản trị quốc gia, xã hội, doanh nghiệp: nguy cơ gây mất việc làm trên diện rộng, nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh con người…Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành chiến lược, cơ chế chính sách, luật pháp… để quản trị AI, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, nâng cao vị thế quốc gia, năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Các đại biểu khuyến nghị cần tăng đầu tư nguồn lực để phát triển AI tại Việt Nam, nhấn mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ (R&D), tăng cường hợp tác với các quốc gia có lợi thế cạnh tranh về AI…
Lục Tuấn - hdll.vn