VNHN - Mỗi cơn bão đi qua thường để lại sự tan hoang, đổ nát, nhưng cũng có những nơi sau phong ba bão táp là sự bình yên trong lành đến kỳ lạ. Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) giờ đây sau những ngày “bão tố”, những hoạt động cứu đời tiếp tăng độ chúng, phổ độ chúng sinh nương theo Phật pháp vẫn tiếp tục như từ thời sư Tổ Tuệ Bích Phổ Giác, người khai sinh ngôi chùa hướng đến. Dường như “cơn bão” đã cuốn đi những hạt bụi trần len lỏi, giúp làm sáng bừng hơn những giá trị cao quý vốn có của nhà chùa.
Hướng con người đến chân thiện mỹ
Các em khóa sinh được tham dự nghi lễ Sớt Bát
Hôm chúng tôi tới chùa Ba Vàng, gần 3.000 em khóa sinh từ khắp mọi miền tổ quốc, những mầm non tương lai của đất nước, đang bước vào ngày cuối của Khóa tu mùa Hè lần thứ 1 năm 2019, nhìn các em, ai cũng ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời.
Sư thầy Thích Trúc Bảo Giác, Trưởng ban Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng chùa Ba Vàng chia sẻ, để hình thành nên nhân cách một con người, giáo dục là yếu tố quan trọng nhất, thành công hay thất bại trong xã hội, mọi việc đều do con người. Chính vì vậy sư thầy trụ trì và nhà chùa luôn chú trọng đến công tác giáo dục con người hướng đến chân thiện mỹ. Trong tâm niệm của thầy trụ trì, có hai tầng lớp trong xã hội cần được đặc biệt coi trọng, thương yêu, đó là người già và thế hệ trẻ. Tuổi già cần được quan tâm vì tuổi già thường bị xem nhẹ lúc giá trị đã ít đi, không còn cống hiến được nhiều, nếu không có phúc lợi xã hội, không được chăm sóc thì người già sẽ rất khổ nên hàng năm, nhà chùa tổ chức nhiều khóa tu hoằng pháp cho người cao tuổi, cùng nhiều hoạt động từ thiện tặng quà, chúc thọ đầu năm. Còn với những người trẻ, chùa Ba Vàng thành lập Ban Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, một Ban chuyên chăm lo cho thế hệ trẻ mà không nhiều chùa trong cả nước làm được. Thế hệ trẻ trong mọi lứa tuổi, khi tham dự các Khóa tu được vui chơi, ca hát, được dạy dỗ chỉ bảo mọi điều hiếu nghĩa.
Để Khóa tu mang lại ý nghĩa giá trị sâu sắc thực tế hơn, nhà chùa thường xuyên mời những diễn giả nổi tiếng đến nói chuyện về những tấm gương anh hùng hay gương vượt khó vươn lên, như Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Anh hùng - Trung tướng Phạm Tuân, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên, doanh nhân diễn giả Nguyễn Sơn Lâm...
Các em khóa sinh thực hiện nghi lễ "rửa chân cho cha mẹ"
Cùng đó, toàn thể Tăng ni, Phật tử của chùa đều chung một tâm nguyện mong muốn đem những điều tốt đẹp nhất đến cho các khóa sinh. Thông qua từng bữa ăn, giấc ngủ, những chương trình hoạt động bổ ích... các khóa sinh sẽ hiểu và lan tỏa được tình yêu thương vô bờ bến đối với cha mẹ, quê hương đất nước và tất cả mọi người.
Tâm nguyện của các sư thầy và chư Tăng ni Phật tử dành cho các con khóa sinh là vô cùng lớn, tuy nhiên sư thầy trụ trì Thích Trúc Thái Minh cũng nhắc nhở, cái cây muốn mạnh khỏe phải có thời gian, phải sâu rễ bền gốc, với thời lượng một tuần mà để các con chuyển biến hoàn toàn thì không thể. Nhưng với tinh thần giáo dục nhà Phật, với tình thương yêu của cộng đồng sẽ giúp các con tham dự Khóa tu có thể nhận thức những điều tốt đẹp nhanh hơn so với môi trường nhà trường thông thường, đọng lại lâu dài trong tâm thức của các con những bài học quý báu, giúp các con tự ý thức được cần tránh xa những điều xấu ác, hướng đến những điều tốt đẹp chân thiện mỹ trong cuộc sống hàng ngày.
Theo sư thầy trụ trì, “Phật pháp vững như biển, trăm sông đổ về biển, về với biển thì hòa chung một vị mặn. Rất nhiều cha mẹ thấy lợi ích của khóa tu nên cho con lên chùa, trong số những con về chùa cũng có những con ngỗ nghịch, con cái của những gia đình thiếu điều kiện giáo dục, nhưng khi đến khóa tu, theo kỷ luật của khóa tu, được các Thầy chỉ bảo, được các bạn giúp đỡ, về sau đã dần chuyển hóa trở nên ngoan ngoãn hơn, biết nghe lời hơn. Nhiều bố mẹ đến đón con đã bất ngờ không kìm được nước mắt khi thấy con mình biết ôm bố mẹ, biết xin lỗi, biết cảm ơn…”.
Những người âm thầm...
Các cô bác Phật tử chuẩn bị bữa ăn cho các em khóa sinh
Để nhà chùa có thể thực hiện được những hoạt động Phật sự nhân văn quy mô lớn như hiện tại, chắc chắn cần sự đóng góp công sức của rất nhiều người, trong đó có những cô bác Phật tử, cư sĩ, những tình nguyện viên và các cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm... Xuất phát từ trái tim chân thành, tất cả đều tự nguyện đóng góp công sứcvới tinh thần hoan hỉ, vô tư.
Đào Thị Hiền, một giáo viên tiểu học đến từ Bắc Ninh là tình nguyện viên, giúp đỡ các em khóa sinh ngay từ những ngày đầu bỡ ngỡ tham dự Khóa tu. Hiền kể em đến chùa làm công quả, đúng dịp nhà chùa mở lớp tập huấn tình nguyện viên Khóa tu, nên em đã đăng ký tham gia, được các quý thầy tin tưởng giao làm chủ nhiệm nhóm Gấu Trúc, một trong những nhóm Khóa sinh được Ban tổ chức chia ra và đặt tên. Công việc của chủ nhiệm nhóm là điều phối các bạn tình nguyện viên lo cho các em khóa sinh bữa ăn, giấc ngủ và tham dự các thời khóa. Thông qua những hoạt động vui chơi, giúp các em khóa sinh gắn kết với nhau hơn, khiến các em cảm thấy nơi đây tràn ngập tình yêu thương. Tham dự Khóa tu, có những em thích ứng rất nhanh nhưng có em do không quen thức ăn hay nhớ nhà nên các tình nguyện viên phải bao quát, động viên, giúp đỡ để các bạn cảm thấy như đang ở nhà.
“Tất cả các tình nguyện viên đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với công việc tại chùa, dù thân thể có mệt mỏi nhưng trong tâm luôn cảm thấy hoan hỉ khi được tiếp xúc với các bạn nhỏ, nhìn thấy ở các em sự vô tư, hồn nhiên và tiến bộ hàng ngày. Qua Phật pháp, các quý thầy đã truyền cho chúng em một cái tâm biết yêu thương, biết cho đi và khi mình cho đi mình sẽ nhận lại được sự hạnh phúc. Đấy mới là hạnh phúc bền vững chứ không phải là hạnh phúc vật chất thế gian bên ngoài”, Hiền chia sẻ về niềm vui khi làm tình nguyện viên tại chùa.
Các em khóa sinh trong bữa ăn
Tại khu bếp khang trang, sạch sẽ, mấy chục cư sĩ đang luôn tay với rau củ quả, chuẩn bị chế biến các món ăn chay cho bữa tối, tiếng cười nói râm ran. Trò chuyện với chúng tôi là bác Nguyễn Thị Phượng đến từ Quảng Ninh, Trưởng ban ẩm thực, người đã làm công quả tại chùa Ba Vàng từ năm 2007. Bác chia sẻ, chúng tôi một lòng tin tưởng vào sư Thầy, tin vào nhà chùa, toàn bộ những người tham gia phục vụ đều tự nguyện, ai sắp xếp được thời gian thì qua nhà chùa đăng ký để làm việc. Chúng tôi chia ra từng nhóm riêng, nhóm phụ trách sơ chế, nhóm nấu, nhóm sắp xếp đồ ăn... ai vào việc nấy rất quy củ, rõ ràng. Thực phẩm đưa về chùa đều phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phải lấy mẫu đi kiểm nghiệm sau đó mới đưa vào chế biến. Ban ẩm thực thường xuyên thay đổi món và tìm những thực phẩm giàu dinh dưỡng, để các cháu có bữa ăn sinh động, hấp dẫn chứ không chỉ ăn rau với lạc. Để phục vụ ăn uống cho các khóa sinh, bác Phượng đưa ra những con số kỷ lục, mỗi ngày các bác phục vụ 4 bữa, mỗi bữa gần 3.500 người, với hơn 13.000 suất ăn mỗi ngày. Một bữa sáng dùng hết 640kg bánh phở, một ngày cần 600-700kg gạo, một bữa tráng miệng cần tới 350kg dưa hấu...
“Bình thường, với khối lượng công việc hàng ngày lớn như vậy, những thành viên trong Ban ẩm thực sẽ rất mệt, nhưng thấy các cháu về chùa đông vui, được học hành đạo đức, thay đổi ngoan lên từng ngày... khiến chúng tôi cảm thấy hoan hỉ, mọi mệt mỏi dường như tan biến”, bác Phượng chia sẻ thêm.
Đến phòng y tế, đúng lúc bác Đỗ Văn Chăm, một lương y đến từ Bắc Giang, năm nay đã 73 tuổi, đang hướng dẫn cho các sư thầy trong chùa phương pháp tác động cột sống, mà theo sự giới thiệu của bác, đây là phương pháp khám chữa bệnh đặc biệt, kết hợp giữa y học cổ truyền và hiện đại nhằm điều trị hiệu quả rất nhiều bệnh đau mãn tính, mang lại sự khỏe khoắn cho người bệnh. Bác Chăm chia sẻ, trong gần 3.000 cháu khóa sinh, có tới hơn 1.000 cháu bị gù lưng, do trong quá trình học tập ngồi không đúng tư thế và bàn ghế thiết kế trong nhà trường không phù hợp với độ tuổi. Với mỗi cháu, sau 3 phút được bác điều trị, chứng gù lưng gần như không còn nữa, ngày đông nhất bác điều trị cho 200 cháu.
“Các cháu tham dự Khóa tu hầu hết đều khỏe mạnh, chỉ trừ một số cháu bị hội chứng dạ dày từ trước, khi vào chùa sẽ được các cô bác phát thuốc cho uống. Do hiếu động nên khi tham gia các hoạt động vui chơi, một số cháu bị sai khớp, hoặc bị phản ứng tiêu hóa do chưa quen với đồ ăn nhà chùa, đều được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình, không có cháu nào phải dời Khóa tu do lý do sức khỏe”, bác Chăm cho biết.
Doanh nhân cần biết chia sẻ với xã hội
Để chùa Ba Vàng có điều kiện, cơ sở vật chất thực hiện các hoạt động hoằng pháp, từ thiện và tổ chức các khóa tư trong các dịp hè, cùng với tâm nguyện của các quý thầy, các tăng ni, phật tử, còn có tấm lòng tâm đức, sự hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nhân. Thông qua Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, sư thầy Thích Trúc Thái Minh bày tỏ lòng tri ân với những tấm lòng đã đồng hành với các hoạt động của nhà chùa trong những năm qua, kể cả lúc sóng gió nhất. Theo sư thầy trụ trì, trong đạo Phật mục tiêu hạnh phúc luôn là mục tiêu cao nhất, hạnh phúc không chỉ bằng vật chất mà hạnh phúc đến từ chính trong tâm mỗi người, cái tâm biết chia sẻ khổ đau với người khác một cách vô tư không vụ lợi. Nếu các doanh nghiệp, doanh nhân chỉ quan tâm đến lợi nhuận và coi đây là mục đích, là mục tiêu hạnh phúc của mình thì đó sẽ là sai lầm, là cái nhìn chưa toàn diện. Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận bằng mọi giá thì sẽ mang lại nguy hiểm và sẽ bị trả giá vì quy luật nhân quả ứng với tất cả mọi người, ứng với mỗi cá nhân, mỗi tập thể và mỗi doanhnghiệp. Vì vậy, nếu một doanh nghiệp mà không hướng tới những giá trị rất nhân bản, vì mục tiêu lợi ích phúc lợi cho con người, cộng đồng, không biết gieo trồng những nhân lành, thậm chí gieo trồng những nhân xấu thì doanh nghiệp đó sẽ không được bền vững và có thể gặp phải những hậu quả đáng tiếc về sau.
“Mục tiêu đạt được lợi nhuận là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, giúp cho doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, tuy nhiên lợi nhuận phải đạt được một cách chính đáng, chứ không phải đạt được bằng mưu mô thủ đoạn, chà đạp lên lợi ích của người khác. Và khi đã đạt được lợi ích chính đáng các doanh nghiệp cần biết chia sẻ với cộng đồng với xã hội, vì ngoài xã hội còn rất nhiều người phải sống trong khó khăn, thiếu thốn cần được giúp đỡ. Chúng ta không thể nào hạnh phúc được khi xung quanh mình mọi người còn đang khổ. Đó là cái nhìn rất nhân văn của đạo Phật, đó cũng là những nhân lành mà mỗi doanh nghiệp, doanh nhân nên thực hiện để đạt được thành công hạnh phúc thật sự. Tiêu chí hạnh phúc là điều mà xã hội nào cũng hướng đến, và nếu đi theo tiêu chí đó, doanh nghiệp sẽ phát triển”, sư thầy trụ trì lý giải.
Thay lời kết
Sau một ngày ở chùa Ba Vàng, được sống trong không gian thanh tịnh, được trò chuyện với sư thầy trụ trì, các quý thầy, các chư Tăng ni, Phật tử, các cô bác cư sĩ, các tình nguyện viên, những vị phụ huynh và các em khóa sinh, chúng tôi thấy trong tâm thanh thản diệu kỳ. Khi màn đêm xuống, khung cảnh chùa tĩnh lặng, lung linh huyền ảo, thấy mình như đang được sống trong cõi tịnh độ, xa rời cảnh trần gian xô bồ, náo nhiệt. Bão tố qua đi, tình yêu thương, hiếu nghĩa còn mãi như một sức sống mãnh liệt...
Xin được mượn lời của chị Nguyễn Thị Yên, quê ở Hải Phòng, có con gái tham dự Khóa tu để thay lời kết cho bài viết này: “Gia đình đã được nghe nhiều về Khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng và luôn đặt trọn niềm tin vào nhà chùa vào sư thầy nên đã đăng ký cho con tham dự. Sau một tuần gặp lại con, tôi đã thực sự xúc động và ngỡ ngàng. Con được sống trong môi trường Phật pháp, được các thầy chỉ bảo, trông khỏe mạnh hồng hào, biết quan tâm tới bố mẹ hơn, quạt cho mẹ khi trời nóng, lấy nước dâng hai tay mời mẹ... Thực sự, tôi không nghĩ con lại trưởng thành và sống tình cảm như vậy chỉ sau một tuần... Hạnh phúc của cha mẹ chính là tương lai của con cái. Tôi xin được gửi lời tri ân tới sư thầy trụ trì, các quý thầy, chư Tăng ni, Phật tử nhà chùa, các anh chị tình nguyện viên... đã giúp đỡ cho các khóa sinh có một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng hữu ích”.
Khóa sinh Phạm Lê Anh, 12 tuổi đến từ Lào Cai chia sẻ: “Sau những buổi được nghe sư phụ và các quý thầy giảng pháp, con rất xúc động và rất buồn vì đã làm những điều sai, làm những điều chưa phải, chưa trọn hiếu đạo của một người con với bố mẹ. Con sẽ cố gắng vượt qua những thói quen không tốt, sẽ yêu thương cha mẹ, anh em nhiều hơn, cử xử với bạn bè hiền lành, không nóng nảy. Con sẽ khắc ghi những kỉ niệm và thời gian trải nghiệm trong môi trường Phật pháp trên hành trang vào đời của mình”.