23/01/2025 lúc 02:24 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số tạo kết quả tích cực tại các tỉnh Nam Trung Bộ -Tây Nguyên

Tại Phiên họp thứ ba Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số để đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới, các thành viên Ủy ban đã thảo luận, phân tích về những kết quả đạt được, cũng như các khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số ngày 8/8, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo đánh giá năm 2021 là năm thứ 2 triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh chưa từng có tại Việt Nam. Việt Nam tiên phong triển khai nhiều ứng dụng số, nền tảng số có chục triệu người dùng. Nhưng năm 2021 cũng chứng kiến nhiều ý kiến chỉ trích, phê bình sự yếu kém của các sản phẩm công nghệ số phòng chống dịch. Qua thử thách, các doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, về đảm bảo an toàn dữ liệu người dân, về triển khai các nền tảng số toàn quốc. Vì vậy, chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số từng bước trưởng thành qua việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh”.

Giá trị trung bình DTI 2020 và 2021.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng qua cho thấy công tác chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Qua đánh giá Giá trị trung bình DTI năm 2021 (gọi tắt là giá trị DTI 2021), cấp bộ cung cấp dịch vụ công (DVC) là 0,4595; giá trị DT 2021 cấp bộ không cung cấp DVC là 0,2151 giá trị DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014. Như vậy, giá trị DTV 2021 của cấp bộ cung cấp DVC là cao nhất, sau đến DTI 2021 cấp tỉnh và DTL2021 của cấp bộ không cung cấp DVC.

Theo báo cáo vừa được công bố, có 12/89 bộ, tỉnh tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này phản ánh quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.

Đối với cấp tỉnh, khác với năm 2020, điểm DTI 2021 không phải là tổng điểm của 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.

Qua bảng Công bố DTI cấp tỉnh năm 2021, nổi bật là TP. Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị 0,6419.

Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị 0,6419.

Đà Nẵng là một trong số ít các địa phương đã triển khai nhiều nền tảng số để phục vụ quản lý nhà nước, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số trên địa bàn. Một số các nền tảng số quan trọng như: Nền tảng LGSP thành phố; Nền tảng - Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh (IQC); Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung; Nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến; Nền tảng quản trị tổng thể cấp tỉnh; Nền tảng họp trực tuyển; Nền tảng trợ lý ảo.

Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả đáng mong đợi về triển khai nền tảng số như sau: Có 47 dịch vụ API được triển khai trên Nền tảng LGSP thành phố, 115 đơn vị đăng ký sử dụng API, gần 2,5 triệu lượt giao dịch qua Nền tảng. Đồng thời, Nền tảng LGSP thành phố tích hợp thêm chức năng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phát hiện, cảnh báo sớm các yêu cầu (request), giao dịch, truy cập bất thường nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định…; Nền tảng Cổng Dịch vụ công thành phố giám sát tình trạng xử lý hồ sơ dịch vụ công. Đến nay đã triển khai 100% DVCTT mức 4 (đủ điều kiện); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 60%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 78,92%...; Đến nay đã tích hợp dữ liệu của 50 trạm quan trắc môi trường nước, không khí và 03 công trình cầu (cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý) trên địa bàn thành phố để giám sát tập trung.

Về xếp hạng 03 trụ cột, TP. Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu về Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Đắk Nông vươn mình đứng thứ 41 với giá trị 0,3509, tăng 13 bậc so với 2020 (0,2557).

Bên cạnh đó phải kể đến những nỗ lực, sự quyết tâm và cách làm việc nghiêm túc của tỉnh Đắk Nông khi vươn mình đứng thứ 41 với giá trị 0,3509, tăng 13 bậc so với 2020 (0,2557).

So với năm 2020, tất cả 3 chỉ số trụ cột đánh giá về chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông đều có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 46, kinh tế số thứ 45 và xã hội số thứ 37. Ngoài 3 chỉ số đánh giá duy trì của năm 2020, năm 2021 Bộ TT và TT bổ sung đánh giá thêm 5 chỉ số khác là: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số và an toàn thông tin mạng.

Với việc chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh được xếp thứ 41 toàn quốc, Đắk Nông được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng DTI nhanh, mạnh nhất nước. Đây là kết quả sau quá trình nỗ lực điều hành, thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông.

Cùng với đó, kết quả đáng khen ngợi dành cho tỉnh Kon Tum khi chỉ số DTI cấp tỉnh năm 2020 (0,2411) xếp gần cuối nhưng năm 2021 đã tăng 12 bậc với giá trị 0,3398.

Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%)…

Bên cạnh đó, hạ tầng số tiếp tục được cải thiện, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79Mbps, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29Mbps, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng viễn thông.

Một số mục tiêu cơ bản của Chuyển đổi số đến năm 2025.

Kết quả đánh giá chuyển đổi số hằng năm chỉ ra những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho bộ, tỉnh và các cơ quan chức năng áp dụng giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu.

Chuyển đổi số sẽ giúp tăng cường liên kết giữa các bộ phận trong tổ chức, các phòng ban có các công việc, mục tiêu liên quan tới nhau và họ có thể dễ dàng nắm bắt được nhờ thông tin trên hệ thống. Điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch trong tổ chức và tối ưu hiệu suất làm việc của tất cả các thành viên trong tổ chức.

Công tác chuyển đổi số phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, nhất là hợp tác công tư, song không theo cách "trăm hoa đua nở"; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Võ Hà