06/12/2024 lúc 11:15 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số tạo điều kiện cho dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn

Chuyển đổi số sẽ phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế được rõ ràng, minh bạch, đáp ứng được nhu cầu nhanh chóng và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.

                                                                 Ảnh minh họa.


Vai trò của chuyển đổi số với ngành y tế

Đối với người dân

Chuyển đổi số y tế đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tương tác dễ dàng với các nhân viên y tế để phản ánh và nhận hướng dẫn, cũng như quản lý sức khỏe cá nhân thông qua kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mỗi người dân đều sở hữu hồ sơ sức khỏe điện tử.

Công nghệ 4.0 đã và đang mang lại nhiều cơ hội và lợi ích trong việc chuyển đổi số y tế. Thực tế, việc chuyển đổi giúp cải thiện tính cá nhân hóa trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp cần sự can thiệp ngay lập tức. Các công nghệ mới như hồ sơ điện tử, hệ thống thông tin y tế liên kết giúp tăng cường khả năng chia sẻ thông tin y tế giữa các cơ sở chăm sóc, từ đó cung cấp thông tin quan trọng, chính xác cho việc chẩn đoán và điều trị.

Đối với nhân viên y tế

Thông qua việc áp dụng công nghệ, các bác sĩ dễ dàng tiếp cận các kiến thức và kỹ thuật y học mới nhất, giúp nâng cao chất lượng, sự an toàn cho bệnh nhân. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giảm thiểu nguy cơ sai sót trong các quy trình y tế, đảm bảo sự chính xác và đáng tin cậy trong quản lý thông tin y tế.

Thông qua hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống quản lý thông tin y tế, giờ đây thông tin của bệnh nhân trở nên dễ dàng truy cập và chia sẻ giữa các bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh. Điều này cho phép sự kết nối, tương tác dễ dàng giữa các chuyên gia y tế, tạo điều kiện cho việc hội chẩn và tư vấn hiệu quả.

Hơn nữa, mục tiêu của chuyển đổi số y tế là đảm bảo mỗi bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh đều có hồ sơ bệnh án điện tử. Điều này đảm bảo rằng dữ liệu bệnh án, thông tin y tế liên quan được kết nối với nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về bệnh nhân và dễ dàng chia sẻ thông tin quan trọng giữa các cấp bậc y tế.

Đối với nhà quản lý

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế mang đến nhiều cải tiến cho việc quản lý sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc. Nhờ sự ứng dụng của công nghệ, nhà quản lý y tế có thể triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo và dự báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân. Giúp tăng cường khả năng phát hiện và đối phó với các vấn đề sức khỏe cộng đồng một cách nhanh chóng, chính xác.

Chuyển đổi số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Việc áp dụng các ứng dụng và hệ thống trực tuyến giúp giảm bớt thủ tục phức tạp, thời gian xếp hàng, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn cho người dân. Điều này cũng giúp tăng cường sự tiếp cận và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ y tế.

Hơn nữa, chuyển đổi số cung cấp nhiều ứng dụng hữu ích cho nhà quản lý bệnh viện và cơ sở y tế. Các ứng dụng này giúp quản lý việc tuân thủ quy trình, phác đồ điều trị của nhân viên y tế, đồng thời triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho người bệnh và nhân viên y tế.
Chuyển đổi số y tế tại Việt Nam
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và Kế hoạch hoạt động năm 2024.

Với thông điệp “Kết nối-Chia sẻ-Đồng hành," hội nghị thể hiện sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ Y tế trong việc kết nối giữa Trung ương và địa phương trong công tác chuyển đổi số y tế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, là yêu cầu bắt buộc của các quốc gia muốn tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ xã hội và phát triển thịnh vượng. Y tế là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên để chuyển đổi số. Đây là động lực phát triển của ngành y tế phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định trong chuyển đổi số, vấn đề từ nhận thức chuyển sang hành động rất quan trọng, quyết định việc ưu tiên nguồn lực, con người và tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ Y tế xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu và đáp ứng tình hình hiện nay. Mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế được rõ ràng, minh bạch, đáp ứng được nhu cầu nhanh chóng và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế điểm qua những kết quả chuyển đổi số mà ngành y tế đạt được trong thời gian qua đã góp phần mang lại nhiều đổi mới cho ngành y tế như giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân và doanh nghiệp; giảm chi phí thời gian trong việc đi lại; quản lý hồ sơ, khám, xét nghiệm điều trị thông qua bệnh án điện tử… Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của Chính phủ về việc triển khai Đề án 06 về chuyển đổi số y tế thì kết quả ngành Y tế đạt được vẫn còn hạn chế.

Nguyên nhân là do những vướng mắc về cơ sở pháp lý để thúc đẩy vấn đề chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng trong ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu ngành y tế quản lý; nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số cho y tế còn rời rạc, chưa liên thông; vấn đề về đảm bảo an ninh mạng và định hướng lớn về công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.

Để thực hiện chuyển đổi số y tế, trong tương lai gần, Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao theo quy định của pháp luật để triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ cũng sẽ xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề cấp đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và thực hiện các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật; tạo lập kho dữ liệu số ngành y tế đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế của địa phương; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược) phù hợp định hướng phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương để phát triển.

Các đơn vị hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ số để khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ chuyển đổi số y tế trên cơ sở lấy người dân là làm trung tâm, lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là cốt lõi để tập trung số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân. Đồng thời, các đơn vị chú trọng triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.

Trong chương trình hội nghị, đại diện các đơn vị cũng giới thiệu các Nền tảng số y tế như: Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử; Đánh giá kết quả triển khai các nền tảng, các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu trong công tác chuyển đổi số y tế; Giới thiệu về tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware), khóa tập huấn an toàn thông tin ngành y tế.

Vũ Nhật