18/04/2024 lúc 19:31 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số báo chí là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu, mỗi cơ quan báo chí cũng cần thay đổi cách nhìn về chính mình...

Đó là ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện – xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhật Quang

Chuyển đổi số - không phải việc của riêng ai

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - VUSTA cho rằng, bùng nổ thông tin vừa tạo cơ hội nhưng cũng gây ra không ít khó khăn, thách thức cho báo chí.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất đến các công nghệ số. Chuyển đổi số không phải việc của riêng ai. Chuyển đổi số là xây dựng một quy định mới, xây dựng một cách làm mới. Xã hội cũng đang thực hiện là xã hội số, mỗi con người đều gắn với y tế số, hộ khẩu số, thuế số… như vậy báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển.

TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - VUSTA phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Nhật Quang 

"Tôi thấy nhiều nơi, nhiều tờ báo đã thực sự đổi mới. Sự lồng ghép, sự thay đổi quy định từ làm báo, đưa tin, quảng cáo cũng đã diễn ra mạnh mẽ. Điều đó khẳng định những đơn vị nào, báo nào, tạp chí nào mà ứng dụng được công nghệ thông tin, bắt tay sớm vào chuyển đổi số thành công thì tòa soạn đó sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển. Chúng ta biết rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã có những chủ trương, văn bản để tạo điều kiện cho báo chí bắt tay vào chuyển đổi số", TS. Lê Công Lương nhấn mạnh.

Trong tham luận của mình, ông Phạm Bích San (Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Đại học Thăng Long) chia sẻ, viết gì và viết như thế nào để có thể cung cấp kiến thức mới mẻ cho bạn đọc, để đóng góp ý kiến, phản biện xã hội mới là quan trọng.

Chuyển đổi là một quá trình hài hòa cân đối nhiều yếu tố. Nếu cố tình đột phá thật nhanh không tính tới đủ những yếu tố liên đới thì quá trình chuyển đổi có thể còn chậm hơn. Do vậy, để chuyển đổi thành công và nhanh cần tính tới những yếu tố cần tác động tới, thay vì chỉ kêu gọi đơn thuần cần chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện.

Theo ông Phạm Bích San, để phát triển được mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện, báo chí cần tới một số điều kiện đủ nữa.

Thứ nhất, đầu tư cho chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện là cao. Do vậy, cần có sự ổn định về thương hiệu và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí.

Thứ hai, tốc độ của truyền thông số, truyền thông đa phương tiện rất nhanh, do đó những luận điểm đưa ra trong nhiều trường hợp chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, sự tương tác, sức mạnh của truyền thông số, có thể có những kết quả bất định. Do vậy, cần phải có khung pháp lý rõ ràng để truyền thông số và đa phương tiện có thể hoạt động được trong những điều kiện biến động như vậy. Đặc biệt, cần có một hệ thống tư pháp hiệu quả theo tiêu chuẩn hiện đại.

Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó TBT Tạp chí Việt Nam hội nhập tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Lê Hồng

Báo chí cần thay đổi cách nhìn về chính mình trong chuyển đổi số

Nhà báo Đặng Đình Chấn, Tạp chí Việt Nam hội nhập, nêu quan điểm, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, thậm chí rất khó, do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu.

Thực tế hiện nay, trong môi trường thông tin cạnh tranh, có nội dung hay chưa đủ, các cơ quan báo chí rất cần phải đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi số nếu thực hiện thành công, sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với độc giả.

Trong công cuộc chuyển đổi số nói chung, báo chí truyền thông có vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, chuyển đổi số báo chí là một yêu cầu không thể không làm, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng thông tin truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. Mà độc giả đã như vậy thì các cơ quan báo chí phải đuổi theo và thậm chí đón đầu họ ở các nền tảng mới. Nếu làm được điều này, báo chí sẽ tồn tại, có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo nhà báo Đặng Đình Chấn, mỗi cơ quan báo chí cần thay đổi cách nhìn về chính mình trong chuyển đổi số. Cụ thể, trong thời đại 4.0, báo chí không còn là một tờ báo đơn thuần mà phải hướng tới là một tổ hợp, một công ty tin tức đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, cho dù về quy mô có sự khác nhau đối với mỗi đơn vị báo chí. Bên cạnh đó, báo chí thực hiện chuyển đổi số phải đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng tòa soạn hội tụ thực chất để không còn có sự giằng co giữa cũ và mới. Đó cũng chính là vấn đề tư duy.

Khi đã có tư duy đúng và thực sự muốn thực hiện chuyển đổi số thì người lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ tìm tòi và biết cách tạo ra một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, gắn với đội ngũ làm chuyển đổi số được đào tạo, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Đây là nội lực quan trọng của cơ quan báo chí.

Cũng từ tư duy và nội lực này và từ góc nhìn chuyển đổi số, việc triển khai xây dựng cơ quan báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông số là việc làm cần thiết. Qua đó, để độc giả, người dân được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý... Tất nhiên để làm được việc này, cơ quan báo chí phải nỗ lực và đầu tư rất nhiều, cũng không dễ gì hoàn thành được trong một sớm một chiều.

Đưa ra giải pháp, nhà báo Đặng Đình Chấn cho rằng: Thứ nhất, cơ quan báo chí phải coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc; chọn cho mình đối tượng công chúng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tránh trùng lặp thông tin. Đồng thời, phải xây dựng được nội dung có tính thu hút và thuyết phục thông qua những bài viết có chiều sâu, trung thực, khách quan đối với vấn đề đặt ra.

Thứ hai, cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm xây dựng tiềm lực con người – đó là đội ngũ những người làm báo vừa có tâm, có tầm và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Đây là vấn đề quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhất trong điều kiện hiện nay, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí nhỏ, tiềm lực hạn chế… Khó nhưng không thể không thực hiện, phải làm dần dần, từng bước chắc chắn.

Thứ ba, cần đầu tư xây dựng tòa soạn theo hướng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, linh hoạt, thích ứng với xu hướng phát triển của ngành báo chí, truyền thông. Coi trọng các nền tảng công nghệ, quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, coi trọng nhân tài gắn với sự điều hành hiệu quả của bộ máy lãnh đạo tòa soạn. Đây là lĩnh vực cần đến nguồn lực tài chính không nhỏ. Có thể đầu tư trên cơ sở khả năng, nhu cầu thực tế của cơ quan báo chí, theo hướng hoàn thiện dần, làm đâu được đó.

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức (VUSTA) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nhật Quang

Chia sẻ quan điểm của mình, nhà báo Lê Hồng, Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức (VUSTA) cho rằng, nhà báo sẽ là những nhà chuyên nghiệp đa kỹ năng. Lao động sáng tạo của người làm báo không còn gói gọn trong cây bút, máy quay, trang giấy, màn hình… mà trong một thế giới truyền thông phức tạp, đa phương tiện, đa nền tảng. Chúng ta không chỉ thẩm định thông tin và kể chuyện báo chí giỏi theo từng môi trường mà phải được đào luyện để am tường công chúng, nắm vững xu hướng công nghệ để liên tục cách tân.

Bà Phạm Bích Hồng - Giám đốc Nhà Xuất bản Tri thức (VUSTA) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nhật Quang

Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Hồng, người làm báo cũng đừng quên cái làm nên giá trị báo chí ở bất kỳ thời nào chính là đạo đức nghề. “Nếu chúng ta không lấy lợi ích công chúng làm đầu, không trung thành với sự thật, không minh bạch, không trung thực trong nghiệp vụ và nội dung, thì đa năng hay cách tân đến mức nào cũng khó thành công”, ông Lê Hồng nhấn mạnh.

Đồng thời, nhà báo Lê Hồng khẳng định, báo chí là thị trường nhưng cũng là một thiết chế xã hội mà tầm ảnh hưởng chỉ có thể phát huy tích cực khi dựa trên các chuẩn mực đạo đức. Chỉ có như vậy báo chí mới tạo dấu ấn riêng trong thế giới thông tin ngày nay.

Phi Khanh

...