24/04/2024 lúc 17:30 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá)

Với mục tiêu xây dựng chuyển đổi số cần được áp dụng trong mọi mặt của xã hội. Một xã hội gắn liền với công nghệ số đồng thời dựa trên thông tin, dữ liệu để xử lý mọi việc một cách nhanh chóng, giúp thay đổi các hoạt động trong đời sống xã hội từ chính phủ, kinh tế đến mọi người dân.
Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức.

Xác định quan điểm, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, từ cuối tháng 3/2022, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thành lập và triển khai hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi khu phố, thôn, bản nhằm mục tiêu tuyên truyền để người dân nhận thức rõ, đúng, về chuyển đổi số, đồng thời đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân.

Trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh và các kế hoạch liên quan về chuyển đổi số. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch về công tác chuyển đổi số như Quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; Tổ giúp việc ban chỉ đạo chuyển đổi số; phân công nhiệm vụ… Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, Tổ công nghệ số cộng đồng, đến thời điểm hiện tại đã có 23/23 xã, thị trấn thành lập được Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và 153 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố với 492 thành viên.

Huyện Hậu Lộc chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống Internet, mạng nội bộ các xã, thị trấn.

Là địa phương trong tỉnh đã và đang tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Hiện nay huyện Hậu Lộc đã tổ chức được 01 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cấp huyện và 04 lớp cấp xã đến tận tổ viên tổ công nghệ cộng đồng. 01 lớp tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ văn phòng, cán bộ 1 cửa về quy trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng thông tin điện tử của huyện đã tạo lập banner chuyên mục về chuyển đổi số, trong đó liên kết các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, Đài Truyền thanh huyện đã tạo lập chuyên mục về chuyển đổi số với tần suất tuyên truyền các nội dung chuyển đổi số 03 lượt/tháng và phát lại vào các khung giờ quy định. Trong 9 tháng năm 2022 đã đăng 06 lượt tin, bài liên quan đến chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử của huyện và 10 tin bài truyền truyên trên hệ thống truyền thanh cấp huyện và cấp xã với thời lượng phát lại 02 lần/ tuần.

Đồng thời, huyện chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống Internet, mạng nội bộ các xã, thị trấn. Duy trì, hoạt động hiệu quả 02 phòng họp trực tuyến tại huyện tới các xã, thị trấn phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành từ huyện đến xã; tần suất trung bình 02 cuộc họp trực tuyến/tuần. 23/23 xã, thị trấn có điểm cầu họp trực tuyến đảm bảo kết nối liên thông từ huyện đến tỉnh, Sở, ban, ngành, đến điểm cầu Trung ương và từ huyện đến cấp xã, giảm chi phí di chuyển và tiết kiệm về thời gian, kinh phí so với hình thức họp trực tiếp tập trung. Hạ tầng viễn thông được các nhà cung cấp dịch vụ phổ cập đến tất cả các thôn, khu trên địa bàn huyện. Các trạm BTS được xây dựng theo thẩm định kỹ thuật của Sở Thông tin – Truyền thông, đảm bảo Internet được kết nối tất cả các thôn, khu phố trên địa bàn huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện Hậu Lộc có 95 cột BTS: 5 cột trụ đứng, 90 cột dây co, 08 cột thu truyền thanh không dây. Các nhà cung cấp dịch vụ phổ cập đến tất cả các thôn, khu, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Đảm bảo Internet được kết nối rộng rãi cơ bản đến tất cả các thôn, khu trên địa bàn huyện. Hệ thống camera an ninh được triển khai tại các vị trí quan trọng, cần thiết trên địa bàn huyện phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND huyện về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, an toàn xã hội đặt tại Công an huyện; 13/23 xã, thị trấn đã triển khai hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường trục chính, tuyến đường trọng điểm được kết nối tập trung và giám sát tại trụ sở Công an xã, số xã còn lại đang đầu tư lắp đặt đồng bộ.

Hiện nay, toàn huyện có 01 hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT viễn thông (Đài Truyền thanh huyện) có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển đổi từ dạng text sang giọng nói; 08/23 xã, thị trấn đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động hệ thống đài truyền thanh không dây FM. Hướng tới xây dựng và lắp đặt truyền thanh thông minh tại xã Hoa Lộc (xã xây dựng NTM kiểu mẫu).

Trên lĩnh vực chính quyền số, huyện Hậu Lộc đã ứng dụng tốt chuyển đổi số vào phục vụ chỉ đạo và điều hành. Thực hiện có hiệu quả các ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện đặc biệt là phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TDoffice, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thư điện tử công vụ, 100% cán bộ, công chức khối chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn trên địa bàn huyện được cấp chữ ký số cá nhân chuyên dùng. Bước đầu đã mang lại hiệu quả (tính đến ngày 15/9/2022) tại UBND huyện số văn bản gửi đi có ký số lãnh đạo/tổng số văn bản gửi đi là 10.305/10.310 đạt 99,95%, số văn bản gửi đi có ký số của cơ quan/tổng số văn bản gửi đi là 10.307/10.310 đạt 99,97%; Cấp xã, thị trấn số văn bản gửi đi có ký số lãnh đạo/tổng số văn bản gửi đi là 13.372/13.413 đạt 99,69%, số văn bản gửi đi có ký số cơ quan/tổng số văn bản gửi đi là 13.178/13.413 đạt 99,74%. UBND huyện đã thực hiện cấp 264 chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo, công chức, viên chức các phòng, ban, ngành, cơ quan trực thuộc UBND huyện, lãnh đạo HĐND-UBND cấp xã và 40 chữ ký số của tổ chức cho cơ quan, đơn vị. Triển khai đăng ký lại tài khoản công vụ cho lãnh đạo, cán bộ 1 cửa của UBND các xã, thị trấn trong việc giải quyết thủ tục hành chính 03 dịch vụ công trong nhóm 25 dịch vụ công thiết yếu Đề án 06 (phiên bản 1.0) thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, UBND cấp xã. Các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND các xã, thị trấn được cấp 100% hộp thư điện tử công vụ, đồng bộ với hệ thống đăng nhập tập trung của tỉnh. UBND huyện thực hiện theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ trên hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh. Tại cấp xã, giao bộ phận văn phòng UBND theo dõi nhắc việc thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hạn xử lý và chất lượng giải quyết các công việc.

Đối với việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn huyện tính đến ngày 15/9/2022 như sau: cấp UBND huyện tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 là 1.113 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100% (vượt chỉ tiêu huyện giao 10%, tỉnh giao 13%); cấp xã, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 4.612 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến là 4.599 hồ sơ đạt tỷ lệ 99,72% (vượt chỉ tiêu huyện giao 9,72%, tỉnh giao 14,72%). Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 4, cấp huyện tổng số hồ sơ tiếp nhận là 119 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến là 117 hồ sơ đạt tỷ lệ 98,32% (vượt chỉ tiêu huyện giao 8,32%, tỉnh giao 13,32%); Cấp xã, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 2.269 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến là 2.251 hồ sơ đạt tỷ lệ 99,21% (vượt chỉ tiêu huyện giao 14,21%, tỉnh giao 39,21%).

Trong lĩnh vực kinh tế số, phối hợp với VNPT khu vực Nga Sơn – Hậu Lộc, Bưu điện huyện Hậu Lộc, Viettel Hậu Lộc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa; Voso, Posmart… UBND huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành hỗ trợ đăng ký và cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho 03 sản phẩm OCOP của huyện và hỗ trợ đưa lên sàn nông sản Thanh Hóa (Đông trùng hạ thảo Sukha; Sản phẩm tổ yến trưng và tổ yến sào Xứ Thanh; mắm tôm Hòa Hải).

Đối với lĩnh vực xã hội số, giúp người dân được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ và các tiến bộ khoa học xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, tổ chức đoàn thể chính trị tuyên truyền, hướng dẫn để người dân dần thay đổi thói quen trong thanh toán và thấy được sự tiện ích của thanh toán điện tử. Phối hợp với VNPT khu vực Hậu Lộc – Nga Sơn triển khai sử dụng biên lai điện tử, thanh toán điện tử trong thực hiện giải quyết TTHC trên 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử,..để thực hiện thanh toán điện tử các dịch vụ như học phí, dịch vụ y tế, hóa đơn điện, nước, điện thoại…UBND huyện đã và đang chỉ đạo thực hiện việc phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông tư vấn triển khai bổ sung các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như: Phần mềm tuyển sinh đầu cấp; thanh toán không dùng tiền mặt ngành giáo dục; cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Phần mềm quản lý cán bộ công chức, thi đua khen thưởng của ngành nội vụ. Quản lý người có công của ngành lao động thương binh xã hội; quản lý tài chính của ngành tài chính…Tiếp tục triển khai hệ thống giải pháp camera giám sát ANTT trên địa bàn 10/23 xã còn lại trên địa bàn huyện; tuyên truyền, hướng dẫn và cài đặt sử dụng ví điện tử VNPT PAY, Mobile Money cho nhân dân trong huyện phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt và độ bảo mật cao. UBND huyện lựa chọn nội dung tạo lập hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa và hiện đang phối hợp với Chi nhánh Viettel Hậu Lộc khảo sát để triển khai ứng dụng phần mềm Viettel Tele heath cho Trung tâm Y tế huyện và 23 trạm y tế xã, thị trấn.

Có thể thấy được, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị của huyện Hậu Lộc đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 99%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 98%; họp trực tuyến ngày càng mở rộng. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện từng bước ứng dụng công nghệ số đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Hạ tầng viễn thông được phủ sóng rộng trên địa bàn huyện đạt trên 95%.

Với những kết quả tích cực bước đầu trong công tác chuyển đổi số của huyện Hậu Lộc, gần đây đã thực hiện theo hình thức cuộc họp không giấy tờ, văn bản được số hóa, đại biểu tiếp nhận thông qua môi trường mạng. Tiết kiệm nhanh được thời gian, kinh phí, giấy tờ, hồ sơ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hải Nam - Hoàng Trang