VNHN - Năm Tý với biểu tượng con chuột, là năm đầu của một chu kỳ 60 năm. Chuột xuất hiện trên Trái Đất đã 50 triệu năm trong khi con người chỉ mới 2 triệu năm. Không chỉ gắn bó với đời sống con người, dưới góc nhìn văn hóa, trong một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, chuột đã trở thành hình tượng đi vào thơ ca, văn học và nhiều loại hình nghệ thuật…
Ảnh minh họa
"Chỗ đứng trang trọng" trong 12 con giáp
Trong đời sống của người Việt, chuột tồn tại sóng đôi trên những cánh đồng lúa bạt ngàn, cùng kiếm ăn và sinh sôi nảy nở. Mặc dù có những biểu tượng tiêu cực nhưng trong 12 con giáp, chuột chiếm vị trí đầu tiên. Điều này cho thấy người dân Việt Nam vẫn dành cho sự hiện diện của linh vật này một chỗ đứng trang trọng.
Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia văn hoá cho rằng loài chuột gắn liền với sự sinh sôi nảy nở khi mùa màng bội thu. Đêm giao thừa miền Tây Nam Bộ – vựa lúa của cả nước, khi nghe thấy tiếng chuột kêu lít chít, không ít người mừng rỡ, bởi lẽ họ tin rằng đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc. Chuột gắn với điềm báo mùa màng bội thu chính là vậy.
Theo TS Văn học Mai Bá Ấn, đi sâu vào chi tiết, việc sắp xếp thứ tự các con Giáp cũng minh chứng thêm nguồn gốc nông nghiệp của chúng. Đứng đầu là Tý (Chuột), rồi đến Sửu (Trâu), sau đó mới đến Dần (Cọp), rồi lại đến Mão (Mèo), mới đến Thìn (Rồng)... Tại sao không chọn linh vật đầu tiên (Rồng) hoặc Chúa tể sơn lâm (Cọp) đứng đầu mà lại là Chuột? Có thể dễ dàng lý giải đơn giản như sau: Sản phẩm mùa màng nông nghiệp đối với cư dân Đông Nam Á là vô cùng trọng đại. Nó quyết định đến sự sống chết của cả một làng, một bộ tộc.
"Trong thời kỳ sơ khai ấy, sự hủy diệt mùa màng không gì bằng loài Chuột. Cũng chính vì lẽ đó mà Chuột còn khủng khiếp hơn cả Cọp (đây là 2 con vật duy nhất trong 12 con giáp được người Việt gọi bằng ông: ôngTý và ông Ba mươi). Cọp thì hung dữ với người và vật nói chung, nhưng với mùa màng nông nghiệp thì sức tàn phá dữ dội hơn vẫn là Chuột. Vì lẽ đó, Chuột nghiễm nhiên đứng đầu bảng trong 12 con giáp, biểu tượng của 12 giờ trong ngày và 12 tháng trong năm. Còn Trâu xếp thứ hai thì hoàn toàn hợp lý với cư dân nông nghiệp vì ''con trâu là đầu cơ nghiệp'', là vật hiến tế các thần linh..." - TS Mai Bá Ấn cho biết.
Cũng chính vì vị trí quan trọng của Chuột đối với đời sống nông nghiệp Việt Nam mà người Việt cổ rất sợ Chuột. Khi bị Chuột tàn phá mùa màng họ sắm lễ ra đồng cúng bái để cầu ông Tý đừng tàn phá nữa, chứ hoàn toàn không đám dùng bất cứ hình thức đe dọa nào. Vì mùa màng mất trắng thì xem như cả làng chết đói. Lòng tôn kính này được thể hiện rất nhiều qua những câu chuyện ''Chuột thành Tinh'' trong dân gian, mà đặc biệt là truyện ''Tinh chuột'' của vua Lê Thánh Tông xuất hiện vào thế kỷ XV còn lưu lại trong tác phẩm ''Thánh Tông di thảo''.
Càng về sau, khi nền sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, cái đói không còn đeo đẳng, thì sự sùng bái đối với loài Chuột càng giảm dần. Từ đức tính khôn ngoan, lanh lợi, Chuột bị gán dần sang biểu trưng cho sự tinh ranh cùng những thói xấu khác như: Lười lao động, chỉ chuyên moi móc, thụ hưởng: ''Chuột sa chĩnh gạo", hoặc được ví cho sự cùng đường, mạt vận: ''Chuột chạy cùng sào''; Sự luồn lọt, bội tín: ''Chuột chạy ống tre''; Sự dơ dáy: ''Đồ chuột chũi''; Sự vô hậu: ''Đầu voi đuôi chuột'' hay những hình ảnh tội nghiệp, thảm hại trong ví von: ''Vờn như mèo vờn chuột'' hoặc ''Ướt như chuột lội'', ''Hôi như chuột chù''... Và cho đến ngày nay thì thật sự loài Chuột đã không còn được sùng bái, tôn trọng, chỉ còn để biểu trưng cho những thói hư tật xấu; đặc biệt là sự đục khoét, moi móc của công của những tên tham quan, ô lại.
"Nhân vật lớn" trong thơ ca, hội họa, phim ảnh…
Chung sống với người từ bao đời nay nên chuột có một "chỗ đứng" không thể thay thế trong kho tàng văn học Việt Nam. Lúc nhỏ tuổi, hầu như ai cũng thuộc bài đồng dao: "Chú mèo mà trèo cây cau, Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…" , ai cũng chơi trò mèo đuổi chuột quanh những gốc cây hay ngắm hình ảnh chú chuột trên những bức tranh dân gian ngộ nghĩnh.
Những ai đã từng biết đến dòng tranh dân gian Đông Hồ, hẳn không thể quên bức tranh Đám cưới chuột. Bức tranh mô tả một đám cưới xưa, có cả cờ, quạt, kèn, trống và các loại lễ vật. Đây là đám cưới khá quy mô của "nàng" chuột và "chàng" chuột - những "nhân vật" đại diện cho kẻ yếu thế trong xã hội. Hình ảnh trong bức tranh cho thấy, giữa đoàn rước là hai nhân vật chính, "chàng" chuột đội mũ, cưỡi ngựa đi trước, "nàng" chuột ngồi kiệu theo sau. Cả đàn chuột đi trên con đường chẳng lấy gì là bằng phẳng. Đã vậy, giữa đường lại có một "lão" mèo già hung dữ cản lối. "Lão" mèo giơ vuốt dọa nạt và tỏ ra rất quyền uy trái ngược với hình ảnh những chú chuột trong đám rước đầy sợ hãi, mặt mày lấm la lấm lét, nhìn trước, ngó sau. Hóa ra, để làm đám cưới "trót lọt", chuột phải lo lễ vật (chim, cá) cống nạp cho mèo. Và, khi lễ vật cống nạp đầy đủ, mèo già mới hả hê cho qua. Bức tranh Đám cưới chuột là minh chứng sống động cho quan hệ kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến. Người ta mượn hình ảnh chuột để châm biếm chua cay, hài hước về một tệ nạn mà xã hội cần lên án và loại bỏ. Chính vì vậy, bức tranh có một vị trí khá đặc biệt trong dòng tranh dân gian và tồn tại qua nhiều thế hệ. Hình ảnh những chú chuột trong bức tranh, vô hình trung được người ta thương cảm, yêu mến.
Hay trong truyện dân gian khuyết danh của ta xưa kia có Trinh thử, kể về một nàng chuột góa chồng một lòng một dạ giữ trinh tiết, kiên quyết chối từ sự ve vãn của những lão chuột đực, trải bao gian truân, nàng đã thắng… là câu chuyện mà chuột được nhân cách hóa đầu tiên, sau này còn rất nhiều tác phẩm tương tự như truyện ngắn O chuột của Tô Hoài.
Đặc biệt, trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, hình ảnh chú chuột xuất hiện tương đối nhiều. Người dân quá am hiểu về loài chuột, kể cả đặc tính giống nòi của nó, nên khi nói đến một điều nào đấy họ lại mượn… chuột. Khi nói về quan hệ nam nữ bất chính, người ta dùng 2 từ chim chuột; nói về hiện tượng cha chung không ai khóc, người này ỷ lại người kia, người ta dùng thành ngữ Chuột bầy đào không nên lỗ ! Không chỉ có vậy, người đời còn mượn hình ảnh chuột để chỉ những đức tính không hay của con người: Chuột chù đeo đạc (đua đòi, không tự biết mình); Chuột chù lại có xạ hương - không có tài đức, lại hợm hĩnh kiêu kỳ; bản chất xấu nhưng làm ra vẻ tốt đẹp; Chuột đội vỏ trứng - mượn hình thức của kẻ khác để che giấu bản chất của mình; chuột chù nếm giấm - chỉ thái độ nhăn nhó, hay khi nói đến người lù đù, ngờ nghệch, người ta lại dùng thành ngữ: Lù đù như chuột chù phải khói.
Trong các mối quan hệ của loài vật thì mối quan hệ giữa chuột và mèo được người đời nhắc đến khá nhiều. "Mèo ra cửa, chuột xướng ca" - câu thành ngữ đơn giản hàm chứa ý nghĩa: Không người cai quản sẽ dễ làm bậy, tha hồ tự do, thoải mái; không người cầm trịch, quản lý thì mọi việc sẽ lộn xộn, lung tung. Đối với loài chuột, mèo là kẻ quyền uy tối thượng. Giỡn với mèo, tất yếu chuột sẽ bị mất mạng. Chính vì vậy, đừng bao giờ làm những việc liều lĩnh, dại dột như: "Chuột gặm chân mèo". Muốn ám chỉ kẻ không thấy cái dở của chính mình lại đi chê bai người khác người ta lại liên tưởng đến câu ca dao có nội dung tương tự, nhưng thật ngộ nghĩnh: "Chuột chù chê khỉ rằng hôi/Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm!"
Và cuối cùng, chuột đã trở thành một "nhân vật lớn" trong phim hoạt hình được trẻ em trên toàn thế giới rất ưa thích. Từ đầu thế kỷ 20, bộ phim hoạt hình xoay quanh cuộc đuổi bắt và đấu trí căng thẳng và thú vị giữa hai kẻ thù truyền kiếp mèo giữa mèo Tom và chuột Jerry không những trẻ em mà cả người lớn cũng say mê. Tôm và Jerrry đã 7 lần được giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar. Bên cạnh đó, một chú chuột cũng rất nổi tiếng ở mảng phim hoạt hình là chuột Mickey. Từ khi xuất hiện đến nay đã có 128 bộ phim về chuột Mickey được sản xuất, kèm theo rất nhiều truyện tranh về chú chuột huyền thoại này. Mickey còn là biểu tượng của nhiều công viên và tạo ra một thế giới đồ chơi phong phú. Cựu Tổng thống Mỹ Jim Carter từng nói, "Chuột Mickey là một đại sứ thiện chí, một nhà kiến tạo hòa bình, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ"…