30/04/2024 lúc 18:55 (GMT+7)
Breaking News

Chương trình OCOP - Những giá trị nâng tầm nông thôn Hà Tĩnh

VNHN - Sau khi có chủ trương của Trung ương về triển khai chương trình OCOP, tỉnh Hà Tĩnh đã khảo sát, xây dựng và ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030”. Sau gần 2 năm thực hiện, Chương trình OCOP ở Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

VNHN - Sau khi có chủ trương của Trung ương về triển khai chương trình OCOP, tỉnh Hà Tĩnh đã khảo sát, xây dựng và ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030”.  Sau gần 2 năm thực hiện, Chương trình OCOP ở Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Hội nghị sơ kết chương trình NTM 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Trong thời gian qua, để nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Hà Tĩnh đã tổ chức những buổi tập huấn kiến thức chung về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); giới thiệu bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; hướng dẫn lập phương án sản xuất kinh doanh... Đồng thời ban hành bộ câu hỏi để cho người dân, cộng đồng nghiên cứu và tham gia kế hoạch phổ biến kiến thức OCOP trên truyền hình và trên mạng Internet. Tổ chức, hỗ trợ các chủ cơ sở tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm theo Chương trình OCOP tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội... Tổ chức thực hiện gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối NTM tổ chức ở Quảng Trị, được Trung ương và các tỉnh bạn đánh giá cao.

Hà Tĩnh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thông qua phần mềm chấm điểm hoạt động trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, rất dễ sử dụng và bảo đảm độ chính xác cao. Cơ sở dữ liệu số về OCOP của Hà Tĩnh cũng được xây dựng khá đồ sộ. Đối với tất cả các dự án OCOP được chọn làm điểm của tỉnh này đều bố trí hệ thống camera giám sát toàn bộ khâu sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm an toàn, minh bạch về nguồn gốc. Các cơ sở vi phạm về sử dụng tem mác, chất lượng sản phẩm sẽ bị xử lý nghiêm. Qua thực tế triển khai cho thấy, các sản phẩm từ sau khi tham gia Chương trình OCOP phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu.  Hiện ở Hà Tĩnh có 14 điểm trưng bày, kinh doanh các sản phẩm OCOP, phân bổ đều khắp các huyện, thành thị, với rất nhiều sản phẩm nổi bật.

Sản xuất kẹo Cu đơ 

Đáng mừng là trong Chương trình OCOP, những sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn năm 2019 đều có sự tăng trưởng cao, nhất là nâng cao về chất lượng và xúc tiến thương mại. Trong đó, nhiều sản phẩm đạt doanh thu gấp 2-5 lần trước khi tham gia, thị trường được mở rộng ra nhiều tỉnh; việc quản lý chất lượng sản phẩm được tăng cường, 100% cơ sở đã được UBND cấp huyện xác nhận quy trình sản xuất. Tổng doanh thu của các sản phẩm tham gia Chương trình trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 114.352 triệu đồng, lợi nhuận 22.440 triệu đồng; trong đó doanh thu của các sản phẩm đạt chuẩn OCOP là 86.753 triệu đồng, lợi nhuận đạt 16.977 triệu đồng; các sản phẩm đạt chuẩn đều có doanh số bán hàng tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình.

Ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Hiện đã có 159 ý tưởng đăng ký tham gia chương trình OCOP đợt 1 năm 2020. Qua kiểm tra, thẩm định của đơn vị, có 120 ý tưởng sản phẩm đủ điều kiện lập phương án sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình. Đợt 2 đã có thêm 80 ý tưởng đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đã có 66 quy trình sản xuất được niêm yết tại các cơ sở có sản phẩm OCOP đạt chuẩn để thực hiện và giám sát. … Để đạt kết quả cao, Hà Tĩnh phải đặt mục tiêu, quyết tâm rõ ràng và luôn nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện theo đúng quỹ đạo đã đặt ra.Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP đối với các cơ sở sản xuất cũng vẫn còn, nhất là việc quy hoạch, bố trí mặt bằng cho cơ sở sản xuất mở rộng kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho việc triển khai chương trình kịp tiến độ, vừa qua Văn phòng NTM tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã kết nối cùng đơn vị tư vấn để hỗ trợ chủ cơ sở phát triển sản phẩm theo các nội dung, phương án được phê duyệt;. Đặc biệt, đối với các chủ thể đăng ký tham gia OCOP phải chịu trách nhiệm về quyết định phương án sản xuất kinh doanh của mình. Mặt khác, các chủ thể cần xác định chiến lược kinh doanh đảm bảo thiết thực, khả thi, hiệu quả và đủ năng lực để thực hiện; Cân nhắc kỹ việc đầu tư để mang lại hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, tránh tư tưởng vì có ngân sách hỗ trợ nên đầu tư để… hưởng lợi.

Hưởng ứng Chương trình OCOP,  cùng với các  cấp, ngành, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cũng tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia Chương trình; phối hợp mở các lớp tập huấn cho thanh niên, với những nội dung thiết thực, như: Sự cần thiết, nguyên tắc của chương trình OCOP; nội dung chương trình OCOP, các chính sách hỗ trợ về OCOP; quá trình thực hiện và kết quả triển khai chương trình OCOP tại Hà Tĩnh… Những kiến thức về chương trình OCOP và phát triển kinh tế tập thể có ý nghĩa quan trọng, giúp các cán bộ, đoàn viên, thanh niên nông thôn Hà Tĩnh tích cực ứng dụng, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, phong trào thanh niên khởi nghiệp theo chương trình OCOP. Qua đó, tạo ra những sản phẩm tốt, có thương hiệu, , tạo thị trường bền vững cho sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh nói chung và các mô hình kinh tế thanh niên nói riêng.

Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định về việc phân bổ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (đợt 1 năm 2019). Theo đó, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP năm 2020, dự kiến kinh phí hỗ trợ chính sách cho Chương trình OCOP của Hà Tĩnh là khoảng trên 40 tỷ đồng.

Lễ ra mắt Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh

Tại huyện Kỳ Anh, những năm gần đây, nghề chế biến thủy sản nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và đạt được kết quả đáng phấn khởi. Đặc biệt, Hội quán chế biến Thủy Sản Kỳ Anh ra đời đã giúp hội viên  cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kinh tế, tạo nên một diện mạo mới. Hiện Kỳ Anh đã có 8 HTX và cơ sở chế biến thủy sản có 11 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao năm 2019. Sau khi được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, các cơ sở tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng, mở rộng thị trường, hứa hẹn tương lai rất tốt đẹp cho nghề chế biến Thủy sản Kỳ Anh.

Trong thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình quan trọng này. Quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn cơ cấu lại các tổ chức sản xuất tham gia Chương trình, nhất là các Hợp tác xã. Tổ chức kết nối với các đối tác, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, công tác xúc tiến thương mại; thường xuyên kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, nhất là các vấn đề về quy hoạch, bố trí mặt bằng, đất đai. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở OCOP. Trong 6 tháng cuối năm 2020, Hà Tĩnh phấn đấu có ít nhất 50 - 70 sản phẩm đạt chuẩn OCOP… Để đạt kết quả cao, Chương trình OCOP phải coi phát huy giá trị nội sinh, phát triển cộng đồng là cốt lõi; Phải từ sự đặc trưng, tính khác biệt mà tạo ra ưu thế của Chương trình. Đó là một trong những  tiềm năng, thế mạnh của Hà Tĩnh trong phát triển Chương trình OCOP.