20/01/2025 lúc 04:54 (GMT+7)
Breaking News

Chung sức, chung lòng và an dân

Thấu hiểu và tận lực hỗ trợ các địa phương chống đỡ với đại dịch, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất kịp thời về an sinh - xã hội, với nguyên tắc trao quyền cho các địa phương và yêu cầu là không để ai thiếu ăn. Tuy nhiên, sự lúng túng trong phối hợp thực hiện những giải pháp chống dịch của các ngành...

Thấu hiểu và tận lực hỗ trợ các địa phương chống đỡ với đại dịch, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất kịp thời về an sinh - xã hội, với nguyên tắc trao quyền cho các địa phương và yêu cầu là không để ai thiếu ăn. Tuy nhiên, sự lúng túng trong phối hợp thực hiện những giải pháp chống dịch của các ngành, các cấp chính quyền địa phương đã ảnh hưởng đến hiệu quả các chính sách an sinh - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang rốt ráo thúc đẩy.

Ảnh minh họa

Thế giới đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai do đại dịch COVID-19 gây ra. Không là ngoại lệ, Việt Nam cũng đang trong tình cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành kịp thời nhiều giải pháp bảo đảm tính mạng, an toàn, an sinh - xã hội cho người dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Thực tế, tác động của đại dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế. Tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường không chỉ xuất hiện ở nhóm các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, vận tải… Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiêp có quy mô lớn hơn, các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất chế biến tại các khu công nghiệp trọng điểm tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc ở phía Bắc và lan rộng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Về nguyên tắc, chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường là chấp nhận sự khốc liệt của thể chế này, đó là doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp thiếu năng lực, không đủ sự linh hoạt, nhạy bén sẽ phải phá sản, người lao động sẽ thất nghiệp. Nhưng không thể để doanh nghiệp bị dừng hoạt động vì sự thiếu thống nhất trong điều hành chính sách của chính quyền địa phương, sự phối hợp chưa thống nhất của các bộ, ngành… Doanh nghiệp nào còn có thể hoạt động, còn có thể sản xuất được, đang có thị trường thì cần được hỗ trợ hết sức.

Thấu hiểu và tận lực hỗ trợ các địa phương chống đỡ với đại dịch, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất kịp thời về an sinh - xã hội, với nguyên tắc trao quyền cho các địa phương và yêu cầu là không để ai thiếu ăn. Đầu tháng 8/2021 là Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, mới đây là Công điện 1680/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tinh thần rất rõ là Chính phủ tin tưởng trao quyền cho các địa phương, cho phép các địa phương sử dụng các nguồn lực, kể cả ngân sách địa phương, để cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó khăn, bảo đảm không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là những người lao động ngoại tỉnh ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội rất cần nhận hỗ trợ gấp. Giãn cách kéo dài khiến họ mất việc, không có thu nhập, không có hỗ trợ từ gia đình...

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề là triển khai thế nào cho nhanh, vì nhiều người không khó lắm trong đợt giãn cách trước, thì lần này đã rơi vào tình thế khó khăn rồi. Chúng ta cần chấp nhận là có thể có trùng lặp, sai sót nhất định trong thực thi, vì thời gian triển khai gấp, số lượng người đông, không thể đòi hỏi làm đâu đúng đó. Có được 80-90% người dân cần hỗ trợ nhận được hỗ trợ kịp thời là thành công.

Mặt khác, phải thẳng thắn thừa nhận là chúng ta chưa lường hết được khó khăn của người dân khi kéo dài giãn cách xã hội, người dân không được đi làm. Tình hình đặc biệt khó khăn ở khu vực miền Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh vì tỷ lệ lao động ngoại tỉnh đông, tách xa khỏi gia đình, nên khi thu nhập đứt gãy, nảy sinh các vấn đề về thu nhập ngay lập tức. Thực tế, người dân có nhu cầu về quê khi thời hạn giãn cách kéo dài. Một số địa phương đã có kế hoạch tổ chức đón người về quê.

Người dân muốn về quê là dễ hiểu. Nhưng nếu không thực hiện thật nghiêm túc yêu cầu ai ở đâu ở yên đó, thì việc kiểm soát dịch bệnh sẽ càng phức tạp. Việc một số địa phương công bố đón người về quê đang gây sức ép lên chính quyền địa phương các tỉnh đang có dịch, gây áp lực lên việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, nếu có sự hợp tác, liên kết giữa các chính quyền địa phương, có nhiều cách phù hợp hơn để hỗ trợ người dân trong thời gian này.

Cùng với chính sách mà các địa phương đang thực hiện giãn cách triển khai, như TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động khó khăn, hỗ trợ chỗ ở 0 đồng, giảm giá tiền điện, nước, vận động người cho thuê nhà giảm giá tiền thuê... sẽ khiến người dân an tâm ở tại chỗ. Nghĩa là, khi dịch bệnh vẫn đang ở giai đoạn phức tạp, các tỉnh không tổ chức đón người về, mà dành khoản tiền đó hỗ trợ người dân địa phương đang ở tâm dịch.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh tiếp tục các giải pháp hỗ trợ đã công bố, đồng thời thúc đẩy chương trình người dân hỗ trợ người dân ở từng khu phố. Cũng phải nhắc đến trách nhiệm của chính quyền phường, xã mà người dân đang tạm trú, nếu có sự sát sao, hỗ trợ kịp thời thì nhiều người dân sẽ vượt khó để ở lại, đợi giãn cách kết thúc.

Thực tế, Chính phủ đang gấp rút chỉ đạo các bộ, ngành hoàn tất các giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Có nhiều giải pháp mà doanh nghiệp đã kiến nghị trước đó, như tiêm vaccine cho người lao động, tổ chức “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa... Thậm chí, đã triển khai những giải pháp mạnh mẽ hơn, chưa từng có tiền lệ.

Đây là những giải pháp cấp bách, giải quyết những vướng mắc phát sinh của các địa phương thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh. Việc này cần phải được thực hiện nhanh và quan trọng với tinh thần phối hợp sát sao của cả cấp Trung ương và các bộ, ngành.

Lúc này, hơn lúc nào hết, chính quyền các địa phương cần phải tiếp tục tăng cường, chung sức, chung lòng cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thực hiện các chính sách thì mới an được dân, an được doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp để tránh tình trạng đứt gãy lao động.

Và để làm được điều này, thiết nghĩ cũng đã đến thời điểm cần có thông điệp rõ ràng của Chính phủ về chấp nhận giảm nguồn thu, chấp nhận bội chi ngân sách và tập trung dành nguồn lực cho an sinh - xã hội, phúc lợi xã hội, dành nguồn lực lớn nhất, mạnh mẽ nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân./.