18/01/2025 lúc 12:59 (GMT+7)
Breaking News

Chuẩn mực nào cho ngôn ngữ thời kỹ thuật số?

VNHN - Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Tiếng Việt với vai trò ngôn ngữ văn hóa dân tộc, cũng đã có những thay đổi nhanh chóng xét trên nhiều phương diện. Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là ngôn ngữ sử dụng trên các mạng xã hội, sử dụng trong việc giao tiếp hàng ngày của giới trẻ. Vấn đề này càng trở nên nóng hổi hơn khi nhiều ý kiến các bậc phụ huynh, ý kiến chuyên gia phản đối, phê phán cách sử dụng thứ ngôn ngữ được xem là “đặc sản

VNHN - Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Tiếng Việt với vai trò ngôn ngữ văn hóa dân tộc, cũng đã có những thay đổi nhanh chóng xét trên nhiều phương diện. Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là ngôn ngữ sử dụng trên các mạng xã hội, sử dụng trong việc giao tiếp hàng ngày của giới trẻ. Vấn đề này càng trở nên nóng hổi hơn khi nhiều ý kiến các bậc phụ huynh, ý kiến chuyên gia phản đối, phê phán cách sử dụng thứ ngôn ngữ được xem là “đặc sản” của giới trẻ. Người già lo lắng về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, còn người trẻ thì cho rằng đó là sự đổi mới ngôn ngữ trong thời kỳ hội nhập. Vậy làm thế nào để vẫn có thể phát triển ngôn ngữ, nhưng vẫn giữ gìn được chuẩn mực và sự trong sáng của tiếng Việt ?

Chưa bao giờ tốc độ phát triển toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Toàn cầu hóa tác động đến mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, chính trị, khoa học cho đến văn hóa. Và, đương nhiên văn hóa bị tác động thì một khía cạnh của văn hóa cũng bị tác động theo, đó là ngôn ngữ. Bởi, với tư cách vừa là công cụ giao tiếp vừa là một phần của văn hoá, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, có chức năng phản ánh mọi đổi thay của xã hội, như nhiệt kế đo sự phát triển của xã hội, đồng thời có chức năng tác động vào xã hội, góp phần làm thay đổi xã hội như một xung lực.

Toàn cầu hóa còn mang tới cho chúng ta một kênh giao tiếp mới, đó là internet. Ngày nay chúng ta có thể ngồi ở nhà, ngồi tại văn phòng, hay bất cứ một nơi nào có nối mạng đều có thể nói chuyện với cả thế giới. Và đương nhiên sự phát triển kênh giao tiếp này cũng kéo theo sự phát triển về mặt ngôn ngữ giao tiếp. Ngôn ngữ này phát triển trên nền tảng là tiếng mẹ đẻ, tuy nhiên lại mang một diện mạo hoàn toàn mới đó là ngắn, rút gọn tới mức tối đa, bỏ qua các chuẩn mực chính tả - dấu câu, sử dụng nhiều ký hiệu biểu trưng, chen lẫn tiếng nước ngoài… Ngay lập tức “thứ” ngôn ngữ đó không chỉ được dùng trên internet mà còn được đưa cả vào trong đời sống hàng ngày. Vấn đề đưa ra là những từ đó có được chấp nhận và đưa vào kho tàng từ vựng tiếng Việt hay không?

Nhiều bậc phụ huynh khi đọc một đoạn chat, một đoạn tin nhắn của con mình với những ký tự, những con số thay cho chữ cái thì không thể hiểu được con mình đang viết gì, nói gì. Tuổi trẻ thường thích phô trương, thích thể hiện cái tôi, cái riêng biệt của mình. Tuổi trẻ cũng thích những cái mới, thích bắt chước, tìm tòi, khiến thứ ngôn ngữ khác biệt đó như một trào lưu thời thượng, được lan truyền rất nhanh. Nhiều bạn trẻ thích trưng nhật ký cho nhiều người xem, thích trình diễn nhiều cách dùng ký hiệu mới lạ, càng nhiều người không hiểu càng tốt. Nhưng, nếu càng nhiều người không hiểu càng tốt thì giao tiếp để làm gì? Tôi đã từng gặp trường hợp một bạn vào thử việc tại cơ quan nơi tôi đang làm việc, mặc dù bằng tuổi tôi nhưng mỗi khi bạn đó nhắn tin, tôi phải đọc đi đọc lại vài lần thì mới hiểu người bạn đó đang truyền tải thông điệp gì cho mình, bởi lẽ trong tin nhắn, bạn đó dùng quá nhiều số và ký tự. Hậu quả là trong những bài viết chính thống, trong cả ngôn ngữ khi cậu ta giao tiếp với người lớn tuổi, cũng “kém chuẩn” luôn. Việc hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với những ngôn ngữ “lệch chuẩn” dễ dẫn đến việc không đáp ứng nổi những yêu cầu sơ đẳng như Viết đúng chính tả, đặt câu đúng ngữ pháp, sử dụng từ ngữ phù hợp, đúng ngữ nghĩa. Điều này còn gây khó khăn rất nhiều trong ứng xử, giao tiếp ở nơi công cộng, nơi tôn nghiêm…

Không chỉ là bộ phận thanh thiếu niên sử dụng ngôn ngữ đó mà nhiều tờ báo mạng, là một kênh truyền thông, mà nhiều khi thông tin vẫn thường dùng câu theo văn phong khẩu ngữ, nghĩ sao viết vậy, có nhiều lỗi chính tả; rồi ngay cả những bài hát cũng có nhịp điệu nhanh, ca từ ngắn, cả bài hát chỉ nghe hơi thở ra thở vào của người hát mà không hiểu đang hát gì; ngay cả sách, truyện cho lứa tuổi thanh thiếu niên cũng thiếu chuẩn mực về ngôn ngữ… Những điều này vô tình cổ súy, tác động đến lớp trẻ. Những ngôn ngữ giao tiếp trên mạng hay qua nhắn tin là ngôn ngữ cá nhân. Mỗi con người phải phân biệt rõ và có cách ứng xử với gia đình, nhà trường, xã hội khác với ứng xử trên mạng. Mỗi một người làm truyền thông, làm văn hóa cũng nên ý thức được vai trò truyền bá văn hóa của mình trong xã hội là “viết cho ai? Viết để làm gì?...” mà cân nhắc hơn mỗi khi viết từng câu, từng chữ.

Bất cứ sự thay đổi nào cũng mang tính hai mặt. GS.TS Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học cho rằng, từ xa xưa đã có nhiều nhóm xã hội có phong cách ngôn ngữ riêng. Những người lái trâu có tiếng lóng của lái trâu, ngôn ngữ của người lao động khác người trí thức, ngôn ngữ người trẻ khác hẳn ngôn ngữ người già…Các ngôn ngữ này phù hợp với cuộc sống, công việc của người sử dụng và được xã hội chấp nhận. Ở Mỹ, trong những năm gần đây khi mà các thiết bị điện thoại thông minh cho phép sử dụng cả camera trước và sau, thì từ điển Oxford đã cập nhật thêm từ mới “selfile” có nghĩa là bức ảnh một người nào đó tự chụp họ bằng chiếc camera trước; hay như nhiều năm trước đây họ đã đưa từ “Pho”, “Banh chung” của Việt Nam chúng ta vào trong kho tàng từ vựng của họ. Đó là một cách của hội nhập và phát triển. Ở các nước khác (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Pháp, Nga…) ngôn ngữ mạng đang tồn tại song hành với ngôn ngữ chính thống với nhiều “cung bậc” biểu hiện khác nhau. Philippines cũng từng tuyên chiến với vấn nạn của ngôn ngữ mạng nhưng dần dần, chính các nhà khoa học cũng phải thừa nhận “khó có thể phủ nhận dòng ngôn ngữ của xu hướng công nghệ này”.

Tuy nhiên, để hòa nhập mà không hòa tan, bất cứ sự phát triển, sự biến tấu nào cũng nên có chuẩn mực, giới hạn riêng của nó. Để ngôn ngữ internet không ảnh hưởng xấu đến sự chuẩn mực của ngôn ngữ chính thống, cần sự chung tay không chỉ của mỗi cá nhân mà là của cả xã hội. Người làm truyền thông thì nên giữ gìn sự chuẩn mực của mình qua mỗi bài viết, trong lối hành văn; người biên tập sách thì nên biết đâu là chuẩn mực để cho phép xuất bản một cuốn sách cho giới trẻ giữ được ngôn ngữ Việt trong sáng; và trong gia đình thì sự gương mẫu của cha mẹ, người thân chắc chắn là tấm gương tốt giúp mỗi bạn trẻ hình thành thói quen lành mạnh, biết sử dụng ngôn ngữ chuẩn, lành mạnh, đúng nơi, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh...