26/11/2024 lúc 16:59 (GMT+7)
Breaking News

Chuẩn bị gì cho du lịch bứt tốc hậu Covid-19?

Chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì khi hết dịch, phải phục hồi ngay. Trong đó, lấp chỗ trống lực lượng lao động (LĐ) trở nên cấp thiết. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần 40% lực lượng ngành du lịch không còn việc làm. Không thể cầm cự được với nghề, một lượng lớn lao động tìm việc khác, nhân lực của ngành du lịch đang bị bào mòn. 

Chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì khi hết dịch, phải phục hồi ngay. Trong đó, lấp chỗ trống lực lượng lao động (LĐ) trở nên cấp thiết. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần 40% lực lượng ngành du lịch không còn việc làm. Không thể cầm cự được với nghề, một lượng lớn lao động tìm việc khác, nhân lực của ngành du lịch đang bị bào mòn. 

Sau dịch, du lịch Việt Nam sẽ phải cố gắng nhiều lần để có một tương lai tươi sáng. Ảnh: TCDL

Lao động… “ra đường”

Tháng 6 - 7 như mọi năm là cao điểm của mùa du lịch hè. Nhưng năm nay..., lượng khách hoãn, hủy tour đến 80 - 90% từ các tháng 5 - 6. Tình trạng này không còn lạ với các doanh nghiệp (DN) du lịch sau khi phải hứng chịu liên tiếp các đợt dịch Covid-19 vào mùa cao điểm du lịch. Thậm chí, rất nhiều trong số đó còn chẳng mấy bận tâm đến nữa vì họ và cả những người lao động (NLĐ) đã rời khỏi thị trường. 

Đã gần hai năm nay, không cầm cự được trong một thời gian dài do không có nguồn thu, nhiều chủ kinh doanh du lịch trên khu vực phố cổ Hà Nội cực chẳng đã phải “giải nghệ”. Dọc những con phố vốn sầm uất của Thủ đô, thật buồn khi nhiều cửa hàng bán đồ cho khách du lịch nước ngoài, đại lý các công ty lữ hành, khách sạn… đều cửa đóng then cài, treo biển chuyển nhượng hoặc tìm người thuê. Theo khảo sát của phóng viên, tại các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm như Hàng Trống - Bảo Khánh, 98% khách sạn đóng cửa. Trong khi đó, khu vực phố Hàng Gai vốn có các cửa hàng bán đồ tơ tằm, lưu niệm cũng không khá hơn khi có tới 95% cơ sở dừng hoạt động. Truy cập trên mạng, với từ khóa “sang nhượng nhà nghỉ, quán ăn, khách sạn tại Trung tâm Hà Nội”, chưa đầy một giây đã có tới 7.000.000 kết quả. Lực lượng LĐ vì thế cũng phải… “ra đường”. Theo thống kê của Sở Du lịch, thì tại Hà Nội, số lượng DN đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động khoảng 95%, trong đó 90% LĐ phải nghỉ việc. 

Sau 5 tháng đầu năm không còn khách du lịch quốc tế. Lượng khách du lịch quốc tế giảm gần 98%, dẫn đến vị trí dẫn tour hay hướng dẫn viên du lịch xin nghỉ đến 90%. Khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch - Tổng cục Du lịch cho thấy, tính chung trên cả nước, 18% DN cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc. Hơn 50% DN cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc. Hết quý I năm nay, chỉ còn 50% lực lượng LĐ ngành du lịch có việc làm so trước dịch.

Hạ Long (Quảng Ninh) vốn được ví là thiên đường du lịch, việc kinh doanh tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh chủ yếu phục vụ khách quốc tế chiếm 92% tổng lượng khách, còn lại 8% là khách nội địa trong nước. Gần hai năm qua lượng khách quốc tế không có, khách nội địa không nhiều nên nhìn chung khách lưu trú trên vịnh Hạ Long giảm mạnh. Công suất khai thác tàu chỉ đạt 10%. Theo thống kê, hiện có hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long với hàng nghìn nhân viên trực tiếp làm việc. Chỉ tính riêng 173 tàu lưu trú đã có gần 2.000 nhân viên cũng vì thế mà “nằm bờ”.

Cùng với các chủ tàu du lịch, các DN lữ hành, khách sạn cũng gặp không ít khó khăn. Bởi ngoài kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long, các DN cung cấp dịch vụ nhà hàng, xe điện, trải nghiệm làng quê, vận chuyển khách Hạ Long - Hà Nội, lữ hành… cũng bị ảnh hưởng nặng. Nhiều công ty phải giảm đến 90% số lượng cán bộ, nhân viên.

Phố Tạ Hiện (Hà Nội) vắng lặng, cửa đóng then cài. Ảnh: TTXVN

Giữ chân người lao động - bài toán khó

Ông Trần Ngọc Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát từ cuối năm ngoái đến tháng 5/2021 thì ước tính hơn 40% số công ăn việc làm trong ngành du lịch đã bị mất so cùng kỳ năm 2019. Có nghĩa là khoảng 80 nghìn công ăn việc làm trong ngành du lịch từ khách sạn tới các công ty du lịch lữ hành, nhà hàng đã mất trong thời gian 16 tháng và thu nhập của những người còn đang làm trong ngành du lịch giảm rất nhiều. Trung bình 40% lực lượng du lịch đã giảm thu nhập so mức thu nhập có trước dịch Covid. Vì vậy, việc giữ chân người lao động (NLĐ) thật sự là rất khó trong thời điểm này!”.

Hội đồng Tư vấn cũng chỉ ra, trước khi có Covid-19, có một số mảng vốn luôn thiếu nhân sự và ngành du lịch Việt Nam buộc phải sử dụng LĐ nước ngoài. Thí dụ, quản lý cao cấp của các khách sạn, các hướng dẫn viên du lịch của một số thứ tiếng, ngôn ngữ hiếm như tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Nhật hoặc một số thứ tiếng khác cộng với một số vị trí khác như bếp trưởng… Nay, nhiều vị trí như kế toán, công nghệ thông tin đã chuyển sang ngành khác có mức thu nhập cao hơn như bất động sản, ngân hàng…

Đáng lưu ý, số người làm việc trong ngành du lịch khó khăn nhưng cũng khó nhận trợ cấp từ gói hỗ trợ của Chính phủ. Nhiều LĐ sau nghỉ việc đã tìm được công việc thích hợp, có thu nhập tương đương với trước. Đam mê với du lịch đã mai một khiến họ không có nhu cầu quay trở lại ngành và rõ ràng nhân lực du lịch đang bị chảy máu gần như hết trong đại dịch Covid-19. Vậy làm thế nào để giữ chân nhân lực du lịch đang là bài toán khó.

Với việc khai thác dịch vụ hỗ trợ trọn gói dịch vụ nhập cảnh và cách ly tại Việt Nam  dành cho các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, người Việt về nước và du học sinh, Công ty cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend Travel & M (Hà Nội) vẫn bảo đảm khối lượng công việc cho toàn bộ công nhân viên. Mùa dịch trước, khi du lịch quốc tế và nội địa đóng băng, họ nhanh chóng chuyển sang khai thác dịch vụ chuyên cơ, thuê bao nguyên chuyến đưa người Việt về nước. Bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: “Tại thời điểm này, giúp các bạn nhân viên có được thời gian nâng cao nghiệp vụ bản thân cũng như có công ăn việc làm để đến khi mà dịch bệnh được kiểm soát thì nguồn nhân lực của chúng tôi không bị đứt gãy”.

Chuẩn bị các bước phục hồi nhân lực 

Để giảm bớt khó khăn cho nhân lực ngành du lịch và cũng là cách để giữ chân họ, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, gần 30 nghìn hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ trên toàn quốc được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong ba tháng và được chi trả một lần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giữ chân nhân sự theo các gói hỗ trợ là chưa đủ, NLĐ sẽ thật sự gắn bó với nghề nếu DN của họ có thể cầm cự qua dịch bệnh. Tuy nhiên, thống kê của Hội đồng tư vấn du lịch cho thấy: “Chi phí quản lý và trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc là những phát sinh lớn nhất, gần 70% đối với các DN. Vậy phải hỗ trợ các DN như thế nào để giảm các áp lực chi phí cho họ để ít nhất họ có thể cầm cự được?”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi chúng ta chọn ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì khi hết dịch phải phục hồi ngay nguồn nhân lực. Dự kiến, chúng ta sẽ thiếu vài trăm nghìn LĐ cấp cao để có thể phục vụ khách. Khi họ đã chuyển sang vị trí khác, chúng ta sẽ thiếu trầm trọng và cần phải có 3 - 5 năm đào tạo lại. 

Ông Trần Trọng Kiên nhấn mạnh: “Vì đào tạo lâu và quay trở lại nghề du lịch khó nên việc giữ chân NLĐ chất lượng cao là cực kỳ quan trọng. Thứ hai, đối với lượng LĐ phổ thông, cũng hy vọng rằng cũng phải chuẩn bị 6 - 12 tháng để quay trở lại thị trường. Do vậy, cần chuẩn bị từ việc tuyển lựa, đào tạo lại, có cơ chế đưa họ vào để phục vụ được ngay. Có như vậy, chúng ta mới  có thể cạnh tranh bền vững khi chúng ta mở cửa. Bên cạnh đó, quan trọng nhất đối với các DN là đầu tư một cách hiệu quả: Đầu tư vào nền tảng hệ thống công nghệ, chuyển đổi số”.