Chùa Vạn Diệp có tên chữ là Trùng Khánh tự, thuộc thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, TP Nam Định. Ngôi chùa là một di tích lịch sử gắn liền với Hoàng đế Trần Minh Tông (1330-1357) – Vị Hoàng đế thứ 5 của Vương triều Trần. Ông là một con người tài năng, nhân hậu và đức độ, làm rạng rỡ Vương triều Trần vào giai đoạn giữa thế kỷ XIV.
Tam quan chùa Vạn Diệp.
Theo các tài liệu sử học, vào niên hiệu Thiệu Phong thứ 16 (1356), vua Dụ Tông cùng Thượng hoàng Minh Tông đem quân đi tuần ở vùng biên giới Nghệ An. Tháng 5 mùa hạ, hai vua trở về Cung. Tháng 8 năm đó, Thượng hoàng mắc bệnh về tĩnh dưỡng ở Cung Bảo Nguyên, hương Tức Mặc. Tháng 10, Hiển Từ Thái hậu lập Đàn chay cầu đảo cho Thượng hoàng ở Chùa Trùng Khánh (ngôi chùa được Thượng hoàng Minh Tông xây dựng sau khi ngài nhường ngôi cho vua Dụ Tông - Nên tại Chùa có vế đối: “Đông A đế mao lưu phương chúc”, nghĩa là: “Gót chân vua Trần còn lưu dấu ở đây”). Mùa Xuân năm Đinh Dậu (1357), ngày 12 tháng 2 Thượng hoàng băng hà ở Cung Bảo Nguyên, được quàn ở khu rừng nhỏ bên cạnh Chùa Trùng Khánh (Chùa Trùng Khánh xây dựng ngay trên nền Cung Bảo Nguyên). Như vậy, ngôi chùa gắn liền với vua Trần Minh Tông và Vương triều Trần trong giai đoạn giữa Thế kỷ XIV.
Tượng thờ vua Trần Minh Tông tại chùa Vạn Diệp.
Trải qua thời gian, Chùa Trùng Khánh bị tàn phá, công trình kiến trúc của Chùa ngày nay chỉ còn lại Tòa Tam bảo, nhưng Tam Bảo cũng đã được trùng tu vào năm Thành Thái thứ 4 (1839). Tòa Tiền đường của Chùa vẫn còn lại nền móng xưa. Nhà tổ 5 gian mới được xây dựng năm 2002.
Tên Chùa Vạn Diệp là gọi theo tên làng Vạn Diệp nơi chùa tọa lạc. Xã Tức Mặc chính là hương Tức Mặc ở thời Trần, đến thời nhà Nguyễn đổi là xã Tức Mặc, thuộc Tổng Đông Triều, huyện Mỹ Lộc. Khi sông Đào chảy qua Tức Mặc trở thành con sông lớn, nửa phía Bắc Tức Mặc thuộc Vị Hoàng, nửa phía Nam thuộc làng Vạn Diệp và ngôi chùa nằm ở đây.
Chùa Trùng Khánh ngoài thờ Phật còn thờ Tượng vua Trần Minh Tông. Trong Văn tế Hội đồng ở Chùa có những câu rất đáng lưu tâm: “Cửu trùng thiên tử di tích y tồn… Phật chỉ thành thực tự thánh công tiên khải lưu quang tử cực diệu kinh luân, thập ngũ tải tiền công phu bí. Thứu lĩnh kỳ viên tân sảng khải, chấp bát niên tổn vị trụ trì…”. Nghĩa là: “Cửu trùng thiên tử di tích hãy còn… Nền móng thờ phật mới xây, thực nhờ công đức nhà vua mở trước. Ngôi Tử cực kinh luân khéo léo sáng soi 15 năm trị nước sáng ngời. Dựng mới cảnh kỳ viên Thứu lĩnh đẹp cao, 28 năm nhường ngôi tu đạo…”.
Tượng đài Đức bổn sư bằng đá trắng.
Năm 2000, Thượng toạ Thích Thanh Phúc về trụ trì tại chùa. Năm 2002 khởi công xây dựng tổ đường 5 gian bằng gỗ lim, thờ các Vị Tổ - Thờ đức vua Trần Minh Tông - Cung thờ Mẫu. Hiện đang khởi công xây mới Tam bảo chính điện bằng gỗ lim, dự kiến cuối 2021 hoàn thành. Trong quá trình này, các công trình được xây dựng gồm: Tam bảo và giảng đường, Tượng Quan âm bồ tát bằng đá trắng, Cổng Tam quan, Tượng đài Đức bổn sư bằng đá trắng, Tháp Tổ bằng đá xanh; Nguyên bản các họa tiết cổ xưa được giữ nguyên…
Tượng Quan Âm bồ tát bằng đá trắng.
Chùa Vạn Diệp - Trùng Khánh tự là một danh lam ở làng Vạn Diệp, phủ Thiên Trường xưa. Nay Ngôi chùa nằm trong Khu Di chỉ Trần - Vạn Diệp. Nên có câu đối rằng: “Trí thủy uông hàm vinh Vạn Diệp/Từ đăng huy hoán chiếu Thiên Trường”. Nghĩa là: “Nước trí rộng sâu vẻ vang làng Vạn Diệp/ Đèn từ rực rỡ soi sáng phủ Thiên Trường”.