VNHN - Ngày 21.3 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo TP về phòng, chống dịch COVID-19 làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó, phòng chống dịch trên địa bàn quận 11 và quận 8.
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP nổi nóng về việc thiếu khẩu trang ở quận 8
Tại quận 8, chủ tịch UBND quận ông Trần Quang Thảo cho biết trên địa bàn có 2 trường hợp dương tính, 23 ca nghi nhiễm, đang giám sát 913 người cách ly tại nhà. Hiện còn 34 trường hợp đang cách ly tập trung, trong đó có 16 người có tham gia hành lễ tại Malaysia, 5 người về từ vùng dịch, 13 người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm.
Trước tình hình này, quận 8 đã khoanh vùng cách ly, kiểm tra dịch tễ học, phối hợp triển khai công tác hậu cần để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Ông Trần Quang Thảo – Chủ tịch UBND báo cáo công tác phòng, chóng dịch Covid – 19 với Ban chỉ đạo.
Tuy nhiên theo ông Thảo, quận đang gặp khó khăn về vấn đề khẩu trang y tế, nhất là khẩu trang cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, quận cũng khó khăn trong việc cung ứng thực phẩm cho người dân tộc Chăm dco có chế độ ăn uống, phong tục tập quán riêng và đề xuất UBND TP có chính sách hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19 cho địa phương.
Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại các khu cách ly tập trung, người dân được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người, tuy nhiên TP.HCM sẽ đề xuất tăng mức hỗ trợ này cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ cho người lao động, hộ nghèo... bị ảnh hưởng.
Về các khu dân cư bị phong tỏa, ông Phong nói cần xem xét nguồn lực TP có đủ để cung cấp thức ăn, nhu yếu phẩm cho mọi người hay không. "Đừng khiến những người dân bị cách ly tại khu dân cư nghĩ mình đang bị cô lập. Do người dân không thể tự đi mua thức ăn nên chính quyền mới chủ động cung ứng giúp họ" - ông Phong nói.
Về vấn đề cung ứng thực phẩm cho cộng đồng người Chăm đang bị khoanh vùng cách ly, ông Phong cho rằng TP.HCM hiện có 11 cửa hàng quy mô lớn chuyên cung cấp thức ăn cho người Hồi giáo. Quận 8 nên chủ động giúp người Chăm đang bị cách ly tại các khu dân cư liên hệ đặt hàng.
Về vấn đề khẩu trang, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Sở Y tế đã cam kết không để đội ngũ y tế lây nhiễm chéo. Mà để làm được việc này, đầu tiên phải cung cấp đủ vật tư y tế cho tuyến đầu.
Theo báo cáo của Sở Công thương, khẩu trang không thiếu, chỉ có khẩu trang y tế là hạn chế, vì dành ưu tiên cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ trực tiếp phòng, chống dịch COVID-19. Riêng khẩu trang vải, trong tháng 3, Sài Gòn Co.opmart đã nhập về 17 triệu cái, đã bán ra thị trường 8 triệu; phần còn lại dành cho HSSV khi trở lại trường và phân phối cho cán bộ, người dân theo nhiều kênh khác nhau.
Đơn vị này còn cho biết, trong thời gian tới sẽ nhập tiếp 25 triệu cái, các hệ thống bán lẻ, siêu thị khác cũng đã có khoảng 10 triệu cái để phân phối ra thị trường. Theo ông Phong, vậy là rõ việc thiếu khẩu trang là không có, có chăng là do hệ thống phân phối chưa đồng bộ, khiến một bộ phận người dân phản ánh không mua được khẩu trang. Việc này, Sở Công thương cùng với các sở, ngành khác cần xem xét lại. "Không để xảy ra tình trạng TP nói đủ khẩu trang nhưng người dân đi mua thì không có" - ông Phong nói.
Mặc dù chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP không thiếu khẩu trang, nhưng trước đó có đơn vị Báo tại TP đặt mua khẩu trang từ ngày 11/3 để anh em Báo chí đi tác nghiệp, song đến nay Công ty CP Bông Bạch Tuyết báo vẫn chưa có hàng. Vậy thì liệu điều này có đi ngược lại những lời khẳng định của chính quyền TP. Đơn vị Báo chí này mong sẽ sớm nhận được câu trả lời từ doanh nghiệp trên./.