10/11/2024 lúc 00:06 (GMT+7)
Breaking News

Chủ tịch Tập Cận Bình biện hộ ‘Vành đai và Con đường’ không phải sân chơi riêng của Trung Quốc

VNHNO – Tại hội nghị sáng kiến Vành đai và Con đường, diễn ra hôm 27/08 chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình biện hộ sáng kiến này không phải là sân chơi riêng của Trung Quốc.

VNHNO – Tại hội nghị sáng kiến Vành đai và Con đường, diễn ra hôm 27/08 chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình biện hộ sáng kiến này không phải là sân chơi riêng của Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ 5 từ trái sang) phát biểu tại hội nghị đánh dấu 5 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường

Tân Hoa Xã ngày 27 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ và vững chắc của Trung Quốc đối với những nước tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), phát biểu được đưa ra tại hội nghị được tổ chức tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 5 năm ra đời Sáng kiến này.

Ông cũng khẳng định BRI đã đạt được những kết quả tích cực mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Trung Quốc và các nước tham gia. Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại với các nước dọc tuyến BRI đã vượt trên 5.000 tỉ USD, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã lên đến hơn 60 tỷ đô la Mỹ, tạo ra hơn 200.000 nghìn công việc mới. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước tham gia BRI đã tăng ở mức kỷ lục là 14,2%, trong đó Trung Quốc đã nhập khẩu trên 666 tỷ USD hàng hóa từ các nước này, chiếm 25% tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc.

Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh rằng: “Sáng kiến này là sáng kiến về hợp tác kinh tế, chứ không phải liên minh địa chính trị hay liên minh quân sự. Đây là một sáng kiến mở, với sự tham gia của nhiều nước chứ không chỉ riêng là một sân chơi dành riêng cho Trung Quốc.”

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi các bên liên quan cùng nhau nỗ lực duy trì đối thoại và đàm phán, chia sẻ lợi ích chung, hợp tác cả hai bên đều có lợi nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia tham gia, cũng như thúc đẩy toàn cầu hóa.

Đây được cho là một động thái “xoa dịu” những mối lo ngại ngày càng gia tăng của các nước về mục đích thực sự của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh, cũng như tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Ông Pang Zhongying, chuyên gia về các vấn đề đối ngoại tại Đại học Hải dương Trung Quốc, nhận định  phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra sau khi tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố hủy một dự án đường sắt lớn do Trung Quốc hỗ trợ vào tuần trước.  Ngoài ra, sự thay đổi gần đây trong ban lãnh đạo của Pakistan cũng cho thấy khả năng nước này sẽ rút khỏi các thỏa thuận trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD giữa hai quốc gia châu Á, cũng như những căng thằng thương mại ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua.

Chính những yếu tố này đã khiến cho Trung Quốc phải tìm cách thay đổi chiến thuật của mình và giải quyết những mối lo ngại đang ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế.

Trong chuyến thăm Trung Á tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên đề cập sáng kiến “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa”, sau đó được đổi thành “Vành đai và Con đường”. Năm 2018 là năm đánh dấu sự ra đời 5 năm của sáng kiến này.

Đến nay, BRI đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và tham gia sâu rộng hơn của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, kể cả các nước lớn như Nga và các nền kinh tế phát triển của phương Tây như Pháp, Đức và Anh. Tính đến tháng 4/2018, Trung Quốc đã cùng với 86 quốc gia và tổ chức quốc tế ký kết 101 thỏa thuận triển khai các dự án hợp tác trên nhiều lĩnh vực thuộc khuôn khổ BRI.

Trung Quốc cũng đã cùng với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Pakistan, ASEAN, Peru, Chile… ký 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Tuy nhiên, gần đây, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc ngày càng trở thành mối lo ngại lớn đối với các quốc gia khác, các dự án Vành đai và Con đường đang thiếu hụt về chia sẻ các giá trị cũng như hòa hợp giữa các nước láng giềng. Như vậy, động thái mới này của Trung Quốc được cho là cần thiết để Bắc Kinh có thể gây dựng lại “thiện cảm” với nước láng giềng.