27/12/2024 lúc 03:33 (GMT+7)
Breaking News

Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân và những quyền đặc thù theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành

Bài viết tập trung phân tích về đặc điểm pháp lý đặc thù về quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành. Từ đó sẽ chỉ ra điểm khác biệt về quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân so với chủ sở hữu của các loại hình doanh nghiệp khác.

Đặt vấn đề

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một loại hình doanh nghiệp quen thuộc và phổ biến tại Việt Nam, có thể nói đây là loại hình doanh nghiệp có hình thức tổ chức đơn giản nhất trong các loại hình doanh nghiệp hiện tại. Nhiều nhà đầu tư kinh doanh ưa chuộng và lựa chọn loại hình doanh nghiệp này bởi nhiều ưu điểm đặc biệt phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam. Trong một khoảng thời gian dài, kể từ sau thời kỳ đổi mới, từ thời điểm Việt Nam cho phép và thừa nhận nền kinh tế tư nhân, thì khái niệm DNTN thường bị đồng hóa hoặc hiểu nhầm với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tư nhân, theo đó khái niệm này được dùng để phân biệt với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Theo Báo cáo năm 2023 của Viện Chiến lược phát triển (VIDS) về 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: “Tính đến thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong nước (VPE), chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp”1, có thể thấy nội dung này cũng đang đồng hóa khái niệm DNTN với các doanh nghiệp có vốn dân doanh. Cách nhìn nhận và hiểu khái niệm DNTN như trên là chưa chính xác, vì đây chỉ đơn giản là một loại hình doanh nghiệp mà các thương nhân là cá nhân có thể lựa chọn để tự doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Các đặc điểm pháp lý quan trọng của loại hình DNTN

DNTN là loại hình doanh nghiệp duy nhất trong các loại hình doanh nghiệp hiện tại không có tư cách pháp nhân, bởi lẽ đây là loại hình doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ sở hữu và trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, thì cá nhân làm chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của cá nhân đó[1]. Chính vì vậy, DNTN không có tài sản độc lập, và không thỏa mãn các điều kiện để được công nhận tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự Viêt Nam. Có thể thấy đặc điểm này đã làm cho loại hình DNTN bị phụ thuộc hoàn toàn vào chủ sở hữu doanh nghiệp về sự tồn tại cũng như phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ có toàn quyền trong việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp đó, kể cả quyền xây dựng cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp mà các loại hình doanh nghiệp khác không có. Nếu như các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần người đại diện theo pháp luật không nhất thiết là chủ sở hữu mà có thể là các chức danh quản lý như Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị… là những người đi thuê theo Hợp đồng lao động, thì chủ sở hữu doanh nghiệp phải luôn là người đại diện pháp luật duy nhất của DNTN, với tư cách là người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, bị đơn, nguyên đơn và các nghĩa vụ liên quan trước Tòa án để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, đây là đặc điểm riêng biệt của loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm lớn nhất của loại hình doanh nghiệp này, khi rủi ro mang lại cho chủ sở hữu là rất lớn với chế độ trách nhiệm vô hạn nên loại hình doanh nghiệp này sẽ không phù hợp với những ngành nghề kinh doanh mang tính rủi ro cao.

Đồng thời, với đặc điểm chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động của DNTN đã làm hạn chế quyền thành lập thêm các DNTN tiếp theo hoặc các loại hình chủ thể kinh doanh có chế độ chịu trách nhiệm vô hạn khác như loại hình hộ kinh doanh hay loại hình doanh nghiệp công ty hợp danh của chủ sở hữu[2]. Rõ ràng, đặc điểm này rất khác biệt với loại hình doanh nghiệp mà các chủ doanh nghiệp có chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn như công ty TNHH và công ty cổ phần, các chủ doanh nghiệp của hai loại hình doanh nghiêp này có thể tự do thành lập nhiều công ty TNHH hoặc công ty cổ phần khác.

Đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại, thì có những loại hình doanh nghiệp mà ngoài cá nhân ra, các tổ chức có tư cách pháp nhân cũng có thể trở thành chủ sở hữu như công ty TNHH, công ty cổ phần, hoặc có loại hình doanh nghiệp, chủ sở hữu phải ít nhất từ hai cá nhân thành lập ra như công ty hợp danh, duy chỉ có loại hình DNTN này, chủ sở hữu chỉ có thể là một cá nhân mà không thể là một tổ chức. Đặc điểm về chủ sở hữu là cá nhân và có chế độ chịu trách nhiệm vô hạn dường như có vẻ tương đồng với loại hình chủ thể kinh doanh Hộ kinh doanh, tuy nhiên khi phân tích đặc điểm pháp lý về chủ sở hữu của Hộ kinh doanh thì có thể thấy, các cá nhân trở thành chủ sở hữu hộ kinh doanh chỉ có thể là công dân Việt Nam, trong khi đó cá nhân là chủ sở hữu của DNTN không thấy sự hạn chế này, được hiểu mọi cá nhân Việt Nam và nước ngoài đều có thể trở thành chủ sở hữu của DNTN. Hơn nữa, Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp nên hai loại chủ thể kinh doanh này có đặc điểm pháp lý rất khác biệt mà không thể có sự nhầm lẫn về mặt thực tiễn cũng như về mặt lý luận.

DNTN có khả năng huy động vốn rất hạn chế. Trong các loại hình doanh nghiệp hiện tại, thì hai loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh và DNTN là hai loại hình doanh nghiệp không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào[3], điều đó cho thấy rõ tính hạn chế về việc huy động vốn của loại hình doanh nghiệp này. Theo đó, vốn DNTN chỉ có thể dựa hoàn toàn vào vốn của chủ sở hữu, vì vậy, loại hình doanh nghiệp này khó có thể phù hợp với những ngành nghề đầu tư cần có vốn đầu tư lớn và dường như cũng vì đặc điểm này mà loại hình DNTN thường được chọn cho loại hình kinh doanh nhỏ.

2. Các quyền đặc thù dành riêng cho chủ sở hữu DNTN

Như những nội dung đã phân tích ở trên, có thể thấy loại hình DNTN, mặc dù mang lại sự linh hoạt và quản lý đơn giản do chỉ có một chủ sở hữu, nhưng cũng gặp phải nhiều hạn chế đáng lưu ý. Đầu tiên, do không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm vô hạn trước pháp luật, khiến chủ sở hữu đối mặt với rủi ro tài chính cao. Thêm vào đó, vì không có sự liên kết góp vốn, việc thu hút vốn đầu tư lớn để mở rộng kinh doanh trở nên khó khăn. DNTN cũng không thể phát hành chứng khoán hay tham gia vào các hình thức doanh nghiệp khác như công ty TNHH, công ty cổ phần. Hạn chế này khiến chủ sở hữu không có nhiều cơ hội mở rộng quy mô hoặc đầu tư vào các lĩnh vực mang tính rủi ro khác. Tuy nhiên, đối với loại hình doanh nghiệp này, chủ sở hữu lại có những đặc quyền rất riêng, mà các chủ sở hữu của các loại hình doanh nghiệp khác không có được. Có lẽ vì vậy, mà rất nhiều các nhà đầu tư vẫn ưa thích và lựa chọn mô hình doanh nghiệp này cho hoạt động kinh doanh của họ.

Thứ nhất, có thể thấy chủ sở hữu DNTN là người duy nhất đầu tư vốn và thành lập doanh nghiệp, nên họ sẽ sở hữu quyền lực tuyệt đối trong việc quyết định mọi khía cạnh của cơ cấu tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này có nghĩa là, chỉ một mình chủ DNTN có thẩm quyền quyết định về các quyết sách quản lý, tổ chức công việc, và các hoạt động chiến lược của doanh nghiệp mà không cần phải tham gia vào các cuộc thảo luận hay đàm phán với bất kỳ ai khác. Điều này tạo ra sự linh hoạt và tính nhất quán trong quản lý doanh nghiệp của chủ sở hữu DNTN. Quyền đặc biệt của chủ sở hữu loại hình doanh nghiệp trong hoạt động tổ chức doanh nghiệp mà pháp luật cho phép chính là toàn quyền tự xây dựng cơ cấu tổ chức như doanh nghiệp đó có bao nhiêu phòng ban, bao nhiêu chức danh quản lý… theo đúng ý chí và mong muốn của chủ sở hữu. Trong khi đó, các loại hình doanh nghiệp còn lại các chủ sở hữu sẽ cần phải xây dựng cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật ở mức cơ bản như: (i) Cơ cấu tổ chức quản lý của các loại công ty TNHH một thành viên thì pháp luật đang ấn định mô hình cơ cấu tổ chức, và có sự khác biệt tùy thuộc vào chủ sở hữu là tổ chức hoặc cá nhân. Nếu công ty TNHH do một tổ chức làm chủ sở hữu thì công ty này có thể tổ chức quản lý và hoạt động dưới các mô hình như Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, hoặc Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong trường hợp công ty có chủ sở hữu là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định pháp luật, cần phải thành lập Ban kiểm soát[4]. Nếu công ty TNHH do một cá nhân làm chủ sở hữu thì công ty thường có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc[5]; (ii) cơ cấu tổ chức quản lý của công ty TNHH hai thành viên trở lên thì cần có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Nếu công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định phải thành lập Ban kiểm soát[6]; (iii) đối với công ty cổ phần thì pháp luật đang ấn định hai mô hình quản lý để các cổ đông có thể lựa chọn, mô hình một là Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; mô hình hai là Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành[7]; (iv) và cuối cùng đối với cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh được hiểu sẽ có Hội đồng thành viên và các thành viên hợp danh sẽ thực hiện quản lý công ty này[8]. Như vậy có thể thấy rằng, chỉ duy nhất DNTN, pháp luật doanh nghiệp hoàn toàn không có quy định về cơ cấu tổ chức như các loại hình doanh nghiệp còn lại.

Thứ hai, khi đánh giá về quyền của chủ sở hữu DNTN trong lĩnh vực tài chính của doanh nghiệp, vì DNTN không có tư cách pháp nhân, nên vấn đề tách bạch tài sản giữa DNTN và chủ sở hữu không được đặt ra, chính vì vậy, khi đầu tư vốn vào DNTN, chủ sở hữu không cần thực hiện nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu vốn qua cho doanh nghiệp. Đối chiếu với công ty hợp danh, cũng là loại hình mà các chủ sở hữu có chế độ chịu trách nhiệm vô hạn, thì các thành viên hợp danh và thành viên góp vốn của loại hình doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu vốn góp/tài sản góp vốn qua cho công ty hợp danh. Chính vì không phải chuyển quyền sở hữu vốn qua cho DNTN, mà chủ doanh nghiệp sẽ được toàn quyền tự chủ trong việc quyết định, định đoạt toàn bộ vốn, tài sản trong doanh nghiệp đó một cách linh hoạt theo yêu cầu kinh doanh và nhu cầu bản thân của chủ sở hữu. Có thể thấy đặc quyền rõ ràng nhất trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp của chủ sở hữu DNTN chính là quyền rút lại một phần vốn đã đầu tư cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà hầu như không bị ràng buộc bất kỳ điều kiện nào ngoài nghĩa vụ phải ghi chép lại đầy đủ trong sổ sách kế toán và đăng ký lại với với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, các loại hình doanh nghiệp khác, để rút lại vốn góp/vốn đầu tư một cách trực tiếp là điều không thể, như (i) thành viên của Công ty TNHH hai thành viên không được rút vốn dưới bất kì hình thức nào, trừ trường hợp yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp và chuyển nhượng vốn góp của mình cho người khác và một số trường hợp đặc biệt[9] hoặc (ii) các cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức[10]...

Một quyền đặc biệt tiếp theo mà chỉ duy nhất chủ sở hữu DNTN được pháp luật hiện hành cho phép, đó chính là quyền cho thuê doanh nghiệp[11]. Có thể thấy đây là một quyền khá thú vị mà pháp luật chỉ dành riêng cho chủ sở hữu DNTN. Bản chất của hoạt động cho thuê doanh nghiệp, cũng tương đồng với việc cho thuê tài sản trong hoạt động dân sự, thương mại khác, đó là chủ sở hữu DNTN sẽ chuyển giao quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp cho người khác trong một khoản thời gian và nhận lại một khoản tiền thuê. Qua đặc quyền này, có thể thấy DNTN đang được hiểu như một loại tài sản đặc biệt của chủ sở hữu. Việc có cho thuê doanh nghiệp của mình hay không, quyết định đối tác cho thuê cũng như thỏa thuận về trách nhiệm, quyền lợi cụ thể giữa chủ sở hữu và người đi thuê thuộc toàn quyền của chủ sở hữu và được ghi nhận trong Hợp đồng cho thuê doanh nghiệp. Và đương nhiên, việc cho thuê không chuyển giao quyền sở hữu DNTN của chủ sở hữu, nên chế độ chịu trách nhiệm vô hạn vẫn thuộc về chủ sở hữu, vì vậy việc thỏa thuận hợp đồng cho thuê doanh nghiệp cần kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro một cách tối đa cho chủ sở hữu trong thời gian người thuê doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh là hết sức cần thiết.

Cũng dựa trên quan điểm pháp lý DNTN là một loại tài sản đặc biệt thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu, mà chủ sở hữu còn có thêm đặc quyền nữa mà các chủ sở hữu của các loại hình doanh nghiệp khác không có được, đó chính là quyền bán, tặng cho DNTN[12]. Khi quyết định bán, tặng cho DNTN tức là chủ sở hữu quyết định chuyển giao toàn bộ các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt doanh nghiệp cho người khác, hay nói một cách khác là DNTN sẽ thay đổi chủ sở hữu. Đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại, thì rõ ràng các chủ sở hữu, cổ đông, thành viên không có được đặc quyền này, bởi lẽ các doanh nghiệp còn lại đều có tư cách pháp nhân, được hiểu các doanh nghiệp này là các chủ thể độc lập, các chủ sở hữu, cổ đông hay thành viên chỉ có thể bán, tặng cho phần vốn góp, cổ phần của mình tại các doanh nghiệp này mà không có quyền bán, tặng cho doanh nghiệp cho người khác.

Kết luận

Tóm lại, DNTN là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt ở Việt Nam, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn vì tính đơn giản và linh hoạt trong quản lý. Tuy nhiên, loại hình này cũng mang lại nhiều hạn chế, nhất là về mặt tài chính và trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu. Chủ sở hữu của DNTN phải chịu trách nhiệm vô hạn và không có sự tách bạch giữa tài sản cá nhân và tài sản của doanh nghiệp. Mặc dù có những hạn chế đó, chủ sở hữu DNTN lại được hưởng những đặc quyền riêng biệt mà các loại hình doanh nghiệp khác không có. Trong tổng thể, DNTN mang lại sự linh hoạt và quyền lực tuyệt đối cho chủ sở hữu trong quản lý kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng đi đôi với rủi ro tài chính và trách nhiệm pháp lý cao. Do đó, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với những ngành nghề kinh doanh mang tính rủi ro cao.

Bài viết đã tập trung phân tích một cách khái quát nhất về các vấn đề pháp lý liên quan đến loại hình DNTN nói chung và các quyền đặc thù của Chủ sở hữu DNTN nói riêng. Từ những phân tích trên, có thể thấy sư đặc biệt của loại hình doanh nghiệp này và lý giải được lý do vì sao DNTN lại là loại hình doanh nghiệp phổ biến và được các nhà đầu tư cá nhân lựa chọn để triển khai hoạt động kinh doanh trên thị trường.

ThS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG THẢO

Khoa Luật - Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM

1 Báo cáo năm 2023 của Viện Chiến lược phát triển (VIDS), 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Mục 4, tr.8.

[1] Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020: “1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân”.

[2] Khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh”.

[3] Khoản 2 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào” và khoản 3 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020: “Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào”.

[4] Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020.

[5] Điều 85 Luật Doanh nghiệp 2020.

[6] Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020.

[7] Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020.

[8] Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020

[9] Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2020.

[10] Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020.

[11] Điều 191 Luật Doanh nghiệp 2020.

[12] Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Doanh Nghiệp năm 2020.

2. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

3. Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh Nghiệp.

4. Trường ĐH Luật TPHCM, Giáo trình Pháp luật về Chủ thể kinh doanh, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật Gia Việt Nam, 2023, Chương II.

5. Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương Mại Việt Nam, tập 1, Nxb. Tư Pháp, 2020, Chương III.

6. Đỗ Mạnh Phương, Bàn về tư cách chủ thể của Hộ Kinh Doanh do một cá nhân làm chủ và Doanh Nghiệp Tư Nhân, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 5/2022, tr.41-46.

7. Cao Thanh Huyền, Những điểm mới về Doanh Nghiệp Tư Nhân trong Luật Doanh Nghiệp 2020 và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Luật học số 02/2022, tr.66-79.

8. Trần Thị Lệ Thu, Phân tích những quy định về Người đại diện của Doanh Nghiệp Tư Nhân, Tạp chí Công Thương, số 3, tháng 02/2022, tr.28-33.

9. Bùi Ngọc Tuyền, Xác lập điều kiện pháp lý để Doanh Nghiệp Tư Nhân bình đẳng với các loại hình Doanh Nghiệp khác trong hoạt động kinh doanh, Tạp chí Công Thương, số 9, tháng 5/2022, tr.13-17.

10. Nguyễn Thành Trân - Huỳnh Thị Lâm Phương, Bàn về một số quy định về Doanh Nghiệp Tư Nhân trong Luật Doanh Nghiệp 2020, Tạp chí Công Thương, số 16, tháng 6/2022, tr.27-33.

11. Lê Quốc Hội, Đỗ Vũ Phương Anh, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thanh Hằng, Vai trò của kiểm soát nội bộ đến hoạt động đổi mới sáng tạo của Doanh Nghiệp Tư Nhân nhỏ và vừa tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 297 tháng 3/2022, tr.22-30

12. Viện chiến lược phát triển (VIDS), Báo cáo năm 2023 - 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Báo cáo do nhóm nghiên cứu của VIDS thực hiện dưới sự chỉ đạo của TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng, và nhóm nghiên cứu do TS. Trần Toàn Thắng (trưởng nhóm) và các thành viên gồm TS. Phạm Thị Thu Trang, ThS. Phí Thị Hương Nga và ThS. Nguyễn Thùy Dương (GSO) cùng các thành viên khác trong Ban Quốc tế thuộc VIDS.