30/04/2024 lúc 16:51 (GMT+7)
Breaking News

Chữ ký số, tăng tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động quản lý và giao dịch là một trong những loại hình ứng dụng kỹ thuật, công nghệ đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao trong giao dịch điện tử. Thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong các hoạt động giao dịch được xem là yếu tố quan trọng nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

 

  Ảnh minh họa.

Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra trên công nghệ mã hóa công khai. Chữ ký số đóng vai trò như chữ ký tay cá nhân, được thừa nhận về mặt pháp lý khi giao dịch trên môi trường điện tử. Ðối với doanh nghiệp, chữ ký số có vai trò tương đương với chữ ký tay và con dấu. Ðối với cá nhân, chữ ký số có vai trò tương đương chữ ký của mỗi cá nhân được dùng với mục đích xác thực danh tính của người ký.
Thay vì phải in ra giấy và ký tay các hợp đồng, TTHC rồi gửi cho đối tác, sau đó đi nộp cho cơ quan chức năng,  có thể ở nhà làm nhanh gọn qua mạng các thủ tục này. Qua sử dụng chữ ký số, thấy rõ sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống.
Cùng với định danh điện tử, chữ ký số sẽ giúp người dân thực hiện các giao dịch mà không cần gặp mặt, thúc đẩy kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới một xã hội không giấy tờ. Việc cấp miễn phí chữ ký số mới chỉ là bước đầu, còn để người dân sử dụng nhiều hơn thì chính quyền, các tổ chức cần cung cấp thêm các tiện ích để việc giải quyết hồ sơ, TTHC trên môi trường điện tử nhanh chóng, thuận tiện hơn. Một trong những giải pháp cần làm ngay đó là các nhà mạng, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều cách thức để người dân biết đến sự thuận lợi, tiện ích của chữ ký số, qua đó nâng tối đa tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 3/2024, thành phố đã hoàn thành thực hiện đưa thủ tục hành chính (TTHC) dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình với 1.797 DVCTT, chiếm 93,54% tổng số TTHC (tỷ lệ trung bình toàn quốc là 43,67%). Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ đạt 96% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 80%, vượt chỉ tiêu thành phố năm 2023 là 95%), tỷ lệ hồ sơ DVCTT đạt 80% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 60%; đạt chỉ tiêu thành phố năm 2023 là 80%).

Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn trong thực hiện các giao dịch, TTHC trên môi trường điện tử, thành phố triển khai cấp hơn 1.000 tài khoản chữ số ký số cho bác sĩ, giáo viên, người lao động tại các bệnh viện, trường học. Trước đó, vào tháng 7/2023, Sở TT&TT, CLB chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng 8 doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực ký số công cộng trên địa bàn thành phố ký biên bản ghi nhớ triển khai cấp miễn phí chữ ký số cho người dân.

Như vậy, biên bản này đánh dấu Đà Nẵng là địa phương thứ 8 trong cả nước cấp miễn phí chứng thư số rộng rãi để cá nhân, người dân sử dụng chữ ký số khi thực hiện TTHC và các giao dịch khác trên môi trường điện tử.

Ngoài các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai chữ ký số, nhiều ngân hàng đã ứng dụng nền tảng này trong quá trình ký, gửi, xử lý các công việc liên quan. Anh Nguyễn Ngọc Hướng, Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Bản Việt (BVBank) chi nhánh Hải Châu cho hay, riêng từ năm 2023 đến nay, tại phòng giao dịch có lượng hồ sơ, giao dịch sử dụng chữ ký số chiếm khoảng 20%, dự kiến tăng lên 30-40% trong năm 2024. Qua quá trình sử dụng, ngân hàng đánh giá cao tính xác thực và bảo mật chữ ký số trên thiết bị thông minh.

Theo đánh giá của Sở TT&TT, thành phố đang gặp khó khăn trong việc triển khai cấp miễn phí (phổ cập) chữ ký số cho người dân khi tiến độ thực hiện còn chậm vì ít có dịch vụ/tiện ích ký số (ngoài hợp đồng điện tử, sử dụng dịch vụ công).

Tiếp đó, việc người dân không mặn mà nhận, sử dụng chữ ký số hoặc nhận thì mất, thất lạc; nhận thức người dân trong sử dụng chữ ký số chưa cao, vẫn còn sự lo ngại về tính bảo mật, chi phí phát sinh ảnh hưởng đến quá trình áp dụng chữ ký điện tử vào xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch. Vừa qua, Bộ TT&TT dự thảo nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trong đó yêu cầu chữ ký điện tử chuyên dùng phải bảo đảm an toàn và được bộ cấp chứng nhận và kèm theo đầy đủ hồ sơ, thông tin theo quy định.

Trên thực tế, việc cấp miễn phí chữ ký số mới chỉ là bước đầu, còn để người dân sử dụng nhiều hơn thì chính quyền, các tổ chức cần cung cấp thêm các tiện ích để việc giải quyết hồ sơ, TTHC trên môi trường điện tử nhanh chóng, thuận tiện hơn. Về lâu dài, chính quyền thành phố đang hướng đến phát triển chữ ký số thành một nền tảng tiện ích có doanh thu, tạo ra giá trị lợi ích cho nền kinh tế - xã hội. Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ cấp thành phố, quận, huyện đến cấp phường, xã trong việc ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến, phổ cập chữ ký số cho người dân.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Ngọc Thạch cho hay, thành phố nỗ lực triển khai để mỗi người dân trưởng thành có một danh tính số, tài khoản số, có một chữ ký số cá nhân để sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ/tiện ích số. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 40% tỷ lệ người dân có chữ ký số, tới năm 2025 sẽ nâng lên 50%.

Để làm được điều đó, Sở TT&TT đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức; đồng thời huy động nguồn lực truyền thông của các doanh nghiệp, đơn vị viễn thông nhằm tạo ra sự đa dạng thông tin giúp người dân tiếp cận chữ ký số một cách an toàn, hiệu quả.

Vũ Nhật