16/09/2024 lúc 19:59 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng

Trong điều kiện hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cần tiếp tục điều hành hiệu quả, linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Cùng với đó là quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư, tăng cường hợp tác.

Đồng thời, đẩy nhanh số hóa, sử dụng dữ liệu, tăng cường tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, tạo chuyển biến rõ nét trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân...

Ảnh minh họa - TL

Nói về chính sách tài khóa, TS. Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đánh giá rằng: Điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng. Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt đã hỗ trợ tích cực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Việc áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chính sách này đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Tương tự như vậy, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 cần nhấn vào chính sách tài khóa, trong đó trọng điểm là đầu tư công.

Có thể thấy, trong năm 2023 - năm cuối của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm, giãn, miễn nhiều loại phí, lệ phí… và nhiều giải pháp tài khóa khác đã có sự đóng góp tích cực cho sự phục hồi kinh tế, là bệ đỡ để tăng trưởng GDP đạt 5,05% trong năm 2023. Năm 2024, một số biện pháp tài khóa vẫn còn có hiệu lực và tiếp tục mang lại nhiều tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế; trong đó có chính sách giảm 2% thuế GTGT trong nửa đầu năm 2024 giúp kích thích tiêu dùng nội địa…

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 01 tháng 6 năm 2024, trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%; đồng thời yêu cầu sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược. Thủ tướng khẳng định: Có nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết ngay. Chính phủ quyết không lùi bước trước khó khăn, đồng thời kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả cao hơn; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả… Cùng với đó, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, về đầu tư cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân và thu hút vốn FDI có chọn lọc. Về xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh. Các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… Bộ Tài Chính tiếp tục nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền một số giải pháp thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí. Cụ thể năm 2024 tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng trong năm 2023. Cùng với đó, Bộ Tài Chính tiếp tục thực hiện cải cách về nhiều mặt, bao gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, cải cách thủ tục hành chính… góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế đang đối mặt với thách thức ngày càng lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát có thể tăng do nhiều nguyên nhân. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, kịp thời, hiệu quả. Quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc triển khai chính sách tài khóa phải cân đối giữa kích thích cầu nội địa với việc cân đối tài chính công, vì nếu để giảm thu ngân sách có nghĩa là thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ ưu tiên cho phát triển, cần đảm bảo tính tương tác hiệu quả giữa 2 chính sách đó. Cơ chế trao đổi thông tin và hỗ trợ trong công tác điều hành CSTT và CSTK cũng cần có sự phối hợp kịp thời và nhịp nhàng, khai thác triệt để những đặc tính riêng có của từng chính sách. Chú trọng công tác phối hợp trong việc tài trợ thâm hụt ngân sách và quản lý nợ công nhằm đảm bảo tính tương tác hiệu quả của cả hai chính sách.

Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách đồng bộ, có tính dự báo, linh hoạt, chủ động nhằm kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện những giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ theo tinh thần nâng cao hiệu quả, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

Cũng với tinh thần đó, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng…
Xét ở tầm vĩ mô, tăng trưởng kinh tế vẫn cần có sự hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trên thực tế, chính sách tiền tệ đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua. Nhưng đến nay, không gian cho chính sách tiền tệ gần như không có vì dư địa để giảm lãi suất không còn. Do đó, Chính phủ có thể tập trung vào chính sách tài khóa để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Vì  khi chính sách tài khóa được thực hiện tốt hơn, nền kinh tế được kích thích hơn nữa thì sẽ tạo động lực để tín dụng cũng như hoạt động ngân hàng sôi động hơn. Mặt khác, để CSTK vẫn đảm bảo hỗ trợ CSTT, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, cần phải có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thiết thực hơn… Đó cũng là những điều kiện để có thể tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn.

Ths. Nguyễn Thanh Cường

...