24/11/2024 lúc 05:49 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả của Singapore: Kinh nghiệm và giải pháp tham khảo cho Việt Nam

Môi trường chính trị và pháp luật ổn định; Cơ chế thương mại mở; Chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng; Bộ máy hành chính giải quyết việc cực kì nhanh chóng; Môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài ; Chính sách thuế đơn giản, thuế suất cạnh tranh; Quản lí minh bạch và khung pháp lí hiệu quả, ….là những “chìa khóa” giúp Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các công ty đa quốc gia trong khu vực, thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài.

Và là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng.

Ảnh minh họa (Internet)

Nhìn lại những chính sách có hiệu quả trong thu hút vốn FDI của Singapore đã khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn là điểm đến hấp dẫn để họ đầu tư, có thể rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp tham khảo cho Việt Nam.

1. Không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài :

Mặc dù không có luật riêng về đầu tư nhưng Singapore là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng. Thay vì ban hành một luật riêng, hoạt động đầu tư ở Singapore được điều chỉnh bởi các luật chung, chẳng hạn như luật chung về hợp đồng, luật công ty và các luật cụ thể theo ngành. Nhìn chung, không có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định bởi luật cụ thể.

Singapore hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như viễn thông, truyền thông, ngân hàng và quyền sở hữu đất đai. Những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài được quy định trong luật ngành có liên quan. Ví dụ, Luật Báo chí và in ấn hạn chế kiểm soát nước ngoài đối với các công ty báo chí. Trong thực tế, những hạn chế về đầu tư nước ngoài được thực hiện bởi các cơ quan quản lý có liên quan. Chẳng hạn, Cơ quan Tiền tệ Singapore quy định đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng thông qua hệ thống cấp phép, được thiết lập theo Mục 7 của Luật Ngân hàng.

Singapore cũng đưa ra một loạt sáng kiến khuyến khích đầu tư đối với tất cả các nhà đầu tư, không chỉ riêng đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Chương 10 của Luật Khuyến khích mở rộng kinh tế cho phép khấu trừ thuế đối với chi tiêu vốn trong dự án được phê duyệt. Ưu đãi này, bao gồm việc chỉ định các khoản đầu tư như các dự án được phê duyệt, do Hội đồng Phát triển kinh tế (EDB) quản lý và dành cho các công ty trong và ngoài nước.

Mặc dù không có luật riêng về đầu tư nhưng Singapore là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng. Thay vì ban hành một luật riêng, hoạt động đầu tư ở Singapore được điều chỉnh bởi các luật chung, chẳng hạn như luật chung về hợp đồng, luật công ty và các luật cụ thể theo ngành. Nhìn chung, không có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định bởi luật cụ thể.

2. Kết hợp chính sách tài chính và chính sách lao động:

Vào những năm 1960, Singapore lần đầu tiên đưa ra các chính sách ưu đãi thuế như ưu đãi cho những công ty tiên phong, ưu đãi và hoạt động hỗ trợ đầu tư và ưu đãi khi đặt trụ sở tại Singapore, nhằm thu hút FDI thông qua Luật Khuyến khích mở rộng kinh tế. Năm 2010, đạo luật này được chỉnh sửa nhằm tạo điều kiện cho các dịch vụ kỹ thuật và chuyên nghiệp khác nhau nhằm khuyến khích những ngành bị hạn chế trước đây như ngân hàng, báo chí - in ấn, điện tử viễn thông.

Cuối những năm 1970 - 1980, để có thể cạnh tranh với những quốc gia lân cận có chi phí thấp, Singapore nhận thấy cần phải dịch chuyển lên các hoạt động sản xuất giá trị cao và nâng cấp kỹ năng của lực lượng lao động. Sự tập trung tiếp tục dịch chuyển vào cuối những năm 1980 và 1990 nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất giá trị cao. Từ năm 2000 - 2010, Singapore tập trung thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và tri thức. Một trong những lĩnh vực quan tâm gần đây là dược phẩm và công nghệ y sinh.

Trải qua các giai đoạn phát triển, Singapore đã xây dựng một kết cấu hạ tầng chất lượng cao, môi trường đầu tư ổn định, nền chính trị ổn định và đội ngũ lao động cần cù, có kỷ luật, là một trong những địa điểm thuận lợi nhất thế giới cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt Singapore còn nổi tiếng bởi thực thi quyền sở hữu trí tuệ tốt nhất.

Để giải quyết việc thiếu lao động có kỹ thuật, các công ty được khuyến khích tuyển dụng lao động nước ngoài. Việc đánh 4% thuế đối với chủ sử dụng lao động trả lương cho công nhân thấp hơn mức quy định là cách làm có hiệu quả nhằm buộc các công ty tăng cường nâng cao kỹ năng cho công nhân. Sau các cuộc khủng hoảng năm 1985, tuy mức thuế này được giảm xuống 1%, nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng cho lao động.

Gần đây hơn, EDB đã áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào những công ty thuộc các ngành điện tử - bán dẫn, hóa dầu và công nghiệp chế biến. Cách tiếp cận theo cụm là một công cụ của chính sách công nghiệp nhằm thu hút FDI, đồng thời, tăng cường các mối liên kết và các tác động lan tỏa; phát hiện các khoảng cách và tiềm năng, giúp Chính phủ có chính sách đối phó với những nguyên nhân cơ bản gây ra sự thất bại của thị trường và có thể hỗ trợ các dịch vụ hoặc chuẩn bị kết cấu hạ tầng cho mục đích sử dụng chung.

3. Bộ máy hành chính giải quyết việc cực kì nhanh chóng:

Những năm qua, Singapore nổi tiếng với bộ máy hành chính hoạt động rất trơn tru, nhanh chóng, với sự cộng tác hiệu quả giữa các các cơ quan hữu quan để giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dễ dàng. Các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần xin cấp giấy phép hoạt động và đăng kí thành lập, thông qua sự kiểm soát của Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán (ACRA), với nhiều hình thức như mở công ty con, văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện. Các thủ tục đăng kí này rất rõ ràng và nhất quán, cũng như cơ chế thuế ưu đãi và liên danh hiệu quả cùng việc cho phép sở hữu nước ngoài 100%.

Không chỉ có vậy, chính phủ Singapore còn tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng về thị thực nhập cảnh và cư trú cho người nước ngoài muốn hoạt động kinh doanh tại Singapore. Với sự hỗ trợ tối đa từ chính phủ thông qua các chương trình và khuyến khích, Singapore được nhìn nhận là nơi dễ dàng nhất thế giới để mở hoạt động kinh doanh cũng như là nền kinh tế cạnh tranh nhất trong khu vực.

4. Hệ thống thuế đơn giản và thân thiện

Một điểm mạnh khác nữa của Singapore chính là hệ thống thuế, được xem là "đơn giản và thân thiện với nhà đầu tư". Mức thuế doanh nghiệp cao nhất chỉ là 17%. Đây là mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Singapore đã kí kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) với hơn 70 quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần quan trọng giảm gánh thuế cho doanh nghiệp nước ngoài. Mạng lưới DTA mở rộng, cùng với thuế tăng vốn và thu nhập cổ tức bằng 0, đã biến Singapore thành nơi hấp dẫn cho đầu tư kinh doanh thông qua hình thức liên danh.

Việc một công ty bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới có thể được thực hiện trong vài giờ ở Singapore, trong khi quy trình đó sẽ kéo dài hàng tuần ở nhiều nước khác. Do có hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa hai nước nên không có gánh nặng thuế bổ sung nào phát sinh, nhưng chắc chắn Singapore không phải là “thiên đường thuế” giống như một số địa điểm khác thường xuất hiện nổi bật trong bảng danh sách đầu tư nước ngoài.

5. Hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng và vô tư

Hệ thống luật pháp của Singapore cũng hoạt động rất hiệu quả. Cơ sở pháp lí liên tục được cập nhật và đổi mới để phù hợp với môi trường văn hóa, kinh tế và thương mại hiện hành. Thừa hưởng hệ thống pháp luật từ Anh và phát triển thành bản sắc riêng, hệ thống luật pháp của Singapore đến nay được đánh giá cao nhờ tính hiệu quả và nhất quán. Các doanh nghiệp ở Singapore không phải chứng kiến quá trình thủ tục pháp lí chậm chạp, làm giảm sút hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Chính phủ Singapore coi việc tiếp cận với pháp luật là một giá trị kinh tế nền tảng, được khai thác nhằm nâng cao uy tín của Singapore như là một trung tâm thương mại và pháp lý hàng đầu ở châu Á. Hệ thống luật thương mại của Singapore có tiếng là công bằng và vô tư, biến quốc đảo Sư tử ngày càng trở thành lựa chọn tự nhiên làm nơi giải quyết tranh chấp, đặc biệt là hòa giải và trọng tài, ở khu vực Đông Nam Á. Khuôn khổ pháp lý của Singapore đã tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi không giới hạn sở hữu nước ngoài và không có kiểm soát ngoại hối.

Sức mạnh kinh tế của Singapore nằm ở một cơ chế thương mại mở, môi trường chính trị và luật pháp ổn định, chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, thuế suất cạnh tranh, môi trường quản lí minh bạch và khung pháp lí hiệu quả, qua đó biến Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các công ty đa quốc gia trong khu vực.

Kinh nghiệm nào cho Việt Nam ?

Nhìn lại những chính sách có hiệu quả trong thu hút vốn FDI của Singapore đã khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn là điểm đến hấp dẫn để họ đầu tư, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

1. Singapore đã xác định rõ việc thu hút nguồn vốn FDI tập trung vào 3 lĩnh vực cần ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, Singapore chủ trương thu hút vốn FDI vào các ngành thích hợp. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện tử và một số công nghệ tiên tiến khác, hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư tập trung vào những ngành, như: sản xuất máy vi tính, điện tử, hàng bán dân dụng, công nghiệp lọc dầu và kỹ thuật khai thác mỏ… Để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hướng ra xuất khẩu, Singapore thành lập Hội đồng Phát triển Kinh tế (Economic Development Board - EDB), là cơ quan độc lập của Chính phủ, hoạt động theo nguyên tắc một cửa, nghiên cứu, cân nhắc những yêu cầu của nhà đầu tư và có định hướng vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước (ví dụ như sửa chữa tàu biển, gia công kim loại, hóa chất, thiết bị và linh kiện).
Gần đây hơn, EDB đã áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào những công ty thuộc các ngành điện tử - bán dẫn, hóa dầu và công nghiệp chế biến. Cách tiếp cận theo cụm là một công cụ của chính sách công nghiệp nhằm thu hút vốn FDI, đồng thời tăng cường các mối liên kết và các tác động lan tỏa. Để khai thác ưu thế về vị trí địa lý, cũng như khắc phục sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với trình độ phát triển cao của nền kinh tế, thu hút vốn FDI còn hướng vào việc tạo ra một hệ thống các ngành dịch vụ thúc đẩy đầu tư quốc tế.

2. Chính phủ Singapore đã tạo nên một môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã công khai khẳng định, không quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Singapore cũng rất chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ cho hoạt động sản xuất. Thủ tục cấp giấy phép đơn giản, thuận tiện, có những dự án xin cấp giấy phép rồi đi vào sản xuất chỉ trong vòng vài tháng, có những dự án chỉ trong vòng 49 ngày đã có thể đi vào sản xuất.

3. Singapore đã xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả. Tệ nạn tham nhũng được xét xử rất nghiêm, tất cả các doanh nghiệp không kể trong nước, ngoài nước đều được đối xử như nhau, mọi người đều làm việc, tuân thủ theo pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước trả lương rất cao cho viên chức. Hàng tháng họ phải trích lại một phần lương coi như là một khoản tiền tiết kiệm khi về hưu, nếu trong quá trình công tác mà phạm tội tham ô thì sẽ bị cắt khoản tích lũy này và cách chức. Họ không những mất số tiền do mình tích cóp nhiều năm, mà có thể phải chịu hình phạt tù. Nhiều người gọi đây là quỹ dưỡng liêm cho quan chức.

4. Chính phủ Singapore đã ban hành những chính sách khuyến khích các nhà tư bản nước ngoài bỏ vốn vào đầu tư. Singapore áp dụng chính sách ưu đãi rất đặc biệt, đó là: Khi kinh doanh có lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển lợi nhuận về nước; Nhà đầu tư có quyền cư trú nhập cảnh (đặc quyền về nhập cảnh và nhập quốc tịch); Nhà đầu tư nào có số vốn ký thác tại Singapore từ 250.000 đô la Singapore trở lên và có dự án đầu tư thì gia đình họ được hưởng quyền công dân Singapore.

Kiến nghị

Từ thực tế những năm gần đây cho thấy, Việt Nam có nhiều khả năng vẫn là “điểm đến” của các hoạt động FDI chứ không phải là “trung tâm” như Singapore. Tuy nhiên Việt Nam cần thực hiện một số cải cách cơ cấu cần thiết về hiệu quả hành chính, quy tắc quản trị doanh nghiệp, quy trình pháp lý và cả một đội ngũ lao động trình độ cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi có thể sánh ngang với Singapore như là một trung tâm FDI.

Việt Nam là địa điểm hấp dẫn thu hút các hoạt động FDI vì đã có lực lượng lao động bán lành nghề với mức lương cạnh tranh so với các nhà sản xuất trên thế giới. Và Việt Nam là một lựa chọn khả thi thay thế Trung Quốc, trở thành địa điểm tập trung sản xuất trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Việt Nam sẽ thiếu hụt lao động trẻ và năng suất cao trong trung hạn. Việt Nam cũng cần đưa ra các biện pháp khuyến khích có hệ thống hơn để thu hút nhân tài nước ngoài vào Việt Nam, hoặc có các ưu đãi có mục tiêu để thu hút đầu tư vào các hoạt động cụ thể.

Điều cần thiết đối với Việt Nam là thu hút các khoản đầu tư tạo nhiều giá trị gia tăng. Thực tế cho thấy Việt Nam có lẽ đang đảm nhiệm phần có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đó là lắp ráp và may sản phẩm. Việt Nam phải nghiêm túc xem lại năng lực quốc gia trong lĩnh vực R&D, hậu cần hay marketing chẳng hạn. Điều này đòi hỏi phải rà soát lại hệ thống giáo dục ở nhiều cấp độ.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng có thể tích cực theo đuổi chính sách xây dựng các cụm công nghiệp. Một thành công tương tự gần đây là cụm công nghiệp lắp ráp tai nghe của Apple tại tỉnh Bắc Giang. Các công ty lắp ráp đã thu hút các nhà cung cấp linh kiện khác đặt trụ sở sản xuất gần nhà máy của họ. Cuối cùng, cụm công nghiệp mới chớm nở này có thể thu hút các nhà sản xuất tai nghe khác đến đây vì có sẵn nguồn nhân lực có tay nghề cao về các bộ phận âm thanh.

Và quan trọng nhất, việc chuyển sang các hoạt động tạo ra giá trị nhiều hơn ở Việt Nam đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy của các doanh nhân và doanh nghiệp. Mọi người hiện tập trung quá nhiều vào các "tài sản hữu hình" như nhà máy, nhưng lại không tập trung đủ vào "tài sản vô hình" như R&D, xây dựng danh tiếng, kiến thức hoặc kỹ năng thiết kế. Việc củng cố năng lực kinh doanh trong các hạng mục này là thách thức thực sự đối với thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại và tương lai.

Việt Nam có nhiều khả năng vẫn là “điểm đến” của các hoạt động FDI chứ không phải là “trung tâm” như Singapore. Việt Nam cần thực hiện một số cải cách cơ cấu cần thiết về hiệu quả hành chính, quy tắc quản trị doanh nghiệp, quy trình pháp lý và cả một đội ngũ lao động trình độ cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi có thể sánh ngang với Singapore như là một trung tâm FDI.