08/12/2024 lúc 01:35 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam sau tác động của đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam. Nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ, áp lực lạm phát và chi phí đầu vào tăng, vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội...

Mặc dù đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát cùng với tiến trình đẩy mạnh tiêm chủng vắcxin, nhưng để nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Việt Nam cần phải có chính sách phục hồi kinh tế kịp thời, phù hợp, đúng căn nguyên, đủ liều lượng và thể chế thực thi hiệu quả. Bài viết tập trung nghiên cứu tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam và đề xuất một số khuyến nghị chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa - Internet

1. Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam 

Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Nghiêm trọng và phức tạp hơn cả là đợt bùng phát dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay) với những biến thể mới nguy hiểm, lây lan nhanh trong cộng đồng. Các đợt dịch đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các vùng kinh tế trọng điểm, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong hai năm 2020 và 2021 chỉ đạt tương ứng 2,91% và 2,58%(1), mức thấp nhất kể từ khi đổi mới đến nay. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, việc duy trì tốc độ tăng trưởng dương là một thành công lớn của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Các ngành kinh tế chịu tác động lớn bởi dịch bệnh là công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Trong năm 2021, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 4,05%, bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng so với trước đại dịch; khu vực thương mại dịch vụ tăng 1,22%, chỉ bằng 1/7 tốc độ tăng trưởng so với trước đại dịch(2). Đáng chú ý có nhiều lĩnh vực chịu tác động nặng nề và có sự suy giảm sâu so với thời điểm trước đại dịch như du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng... 

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự tăng trưởng khá ổn định, trở thành bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Năm 2021, ngành này tăng trưởng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tăng trưởng kinh tế(3). Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nên việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng bị ảnh hưởng lớn.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, là điểm sáng của nền kinh tế nhưng tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước đại dịch do các nước đối tác gặp nhiều khó khăn và sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 245,22 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 91,09 tỷ USD, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thương mại Việt Nam tiếp tục thặng dư, với mức xuất siêu năm 2021 đạt 4,08 tỷ USD, nhưng không bền vững và có xu hướng giảm so với các năm trước(4)

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 3,2% so với năm 2020(5). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm là 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020(6)

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, gây nên chi phí vận hành rất lớn. Lao động thiếu hụt do nghỉ việc, cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp đã không thể hoàn thành đơn hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy bỏ hợp đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất, mà còn tác động đến tiến độ hoàn thành nhiều dự án, công trình hạ tầng quan trọng mang tính chiến lược quốc gia. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khiến không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng. Năm 2021 có 119.828 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể, tăng 17,8% so với năm 2020(7). Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Nhiều lao động bị mất việc làm, nghỉ việc không lương. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2020-2021 cao nhất trong vòng 10 năm qua. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%, khu vực nông thôn là 2,48%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động là 3,1%, trong đó ở khu vực thành thị là 3,33% và ở khu vực nông thôn là 2,96%(8). Đây là điều bất thường và trái ngược với xu hướng thị trường lao động của Việt Nam so với những năm trước đại dịch Covid-19.

Cùng với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, thu nhập của người lao động có xu hướng giảm. Năm 2020, thu nhập thực tế bình quân hằng tháng của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (giảm 128 nghìn đồng)(9). Năm 2021, thu nhập của người lao động tiếp tục giảm sâu, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2021 là 5,3 triệu đồng, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước (giảm 624 nghìn đồng)(10). Mặc dù sự suy giảm thu nhập nhỏ so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng đây là sự thay đổi chưa từng thấy trong thời gian qua khi mà thu nhập thực tế của người lao động Việt Nam luôn tăng hằng năm. 

2. Chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam 

Trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, tập trung vào 06 nhóm chính sau: 

Thứ nhất, nhóm chính sách mang tính cấp bách, căn cơ để kiểm soát dịch bệnh, bao gồm: đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắcxin phòng Covid-19, chuyển từ chiến lược “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là những chính sách có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” sau dịch bệnh.

Thứ hai, nhóm chính sách miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí và áp lực tài chính nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể: (i) giảm, gia hạn nộp tiền thuê đất; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; (ii) xác định chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch; (iii) quy định một số chế độ đặc thù cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; (iv) giãn, giảm phí công đoàn, bảo hiểm xã hội...

Thứ ba, nhóm chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất - kinh doanh, phục hồi và tạo đà phát triển, nhất là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19(11). Bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung về giảm thuế, phí, giảm giá điện, nước, viễn thông... cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ riêng cho một số ngành, lĩnh vực như: hàng không (giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay), sản xuất ô tô (gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước). 

Thứ tư, nhóm chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư quan trọng quốc gia (Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ). Thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách, có thể triển khai ngay (Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ); chuyển đổi sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 03 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội). Các giải pháp này có ý nghĩa quan trọng, vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa có ý nghĩa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế.

Thứ năm, nhóm chính sách tiền tệ mở rộng, bảo đảm thanh khoản trên thị trường tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, ban hành quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với đối tượng vay vốn... Qua đó, giảm chi phí vốn vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô(12).

Thứ sáu, nhóm chính sách an sinh xã hội, bao gồm: (i) hỗ trợ bổ sung và đẩy nhanh chi trả thông qua Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; (ii) giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ đào tạo và cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp, tổ chức để giữ chân người lao động, trả lương phục hồi sản xuất; (iii) cấp tiền cho các đối tượng phải điều trị Covid-19 và trẻ em, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách tại khu vực cách ly, địa bàn thực hiện giãn cách xã hội như cấp tiền mặt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm(13).

Các chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh; tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Các chính sách được thực hiện với chi phí thấp (tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa tương đương 3,2% GDP)(14), do vậy không gây ảnh hưởng lớn đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm dư địa tài khóa, tiền tệ để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Kết quả là đã góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng dương trong hai năm 2020-2021, duy trì triển vọng kinh tế tích cực trong trung và dài hạn; củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là nền tảng quan trọng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, một số chính sách chưa bảo đảm tính tổng thể, chưa bao quát hết được tính chất, quy mô, mức độ khẩn cấp của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện một số chính sách còn chậm, hiệu quả chưa cao; quy trình, thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt; thông tin, hướng dẫn chưa kịp thời dẫn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận. Nhiều chính sách hiện nay còn mang tính ứng phó trước mắt, có thời hạn áp dụng hạn chế, chưa có những chính sách tập trung cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể có quy mô lớn, có tính chất dài hạn theo hướng phục hồi hơn là giải cứu ngắn hạn.

3. Một số khuyến nghị chính sách phục hồi kinh tế 

Hiện nay, đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường với nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhiều bất định. Bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đây là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để tạo nền tảng cho quá trình khôi phục kinh tế, giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra và phát triển kinh tế bền vững. Cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nhất là tại khu vực thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắcxin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có đủ vắcxin phòng Covid-19 tiêm miễn phí cho toàn dân; hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vắcxin phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Đây là điều kiện để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn phát triển mới thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Thực hiện việc công nhận hộ chiếu vắcxin với các nước; duy trì hiệu quả, cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin, dữ liệu về tiêm vắcxin phòng Covid-19 để tăng cường phòng bệnh, bảo đảm an toàn xã hội. Thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất vắcxin và thuốc điều trị bệnh trong nước là điều kiện (đủ) để bảo đảm cho việc kiểm soát, thích ứng trước sự phát triển của dịch bệnh; tiến tới đưa Covid-19 là trở thành “bệnh lưu hành” hay “bệnh đặc hữu”.

Hai là, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tín dụng, tiền tệ mở rộng một cách hợp lý, linh hoạt trên tinh thần tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, để sau dịch bệnh nền kinh tế hồi phục nhanh chóng. 

Ba là, triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nghiên cứu xem xét gói hỗ trợ tổng thể bổ sung trên cơ sở cân nhắc, tính toán dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ, mức độ tác động của dịch bệnh, bối cảnh và cơ hội mới để thiết kế chính sách phù hợp. Việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách và rủi ro đạo đức.

Bốn là, tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công - đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò kích cầu. Tuy nhiên, việc thúc đẩy đầu tư công không được dàn trải, vội vàng; cần tập trung đầu tư các dự án lớn, quan trọng, phát triển hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án liên vùng, các dự án nhằm phòng, chống và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên, các dự án chuyển đổi số quốc gia.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đây vừa là đột phá chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới, vừa là một trong những động lực phục hồi kinh tế với chi phí thấp nhưng hiệu quả và tính bền vững cao.

Sáu là, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tập trung kích cầu một số ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường.

Bảy là, tăng cường theo dõi, cập nhật, đánh giá tình hình và dự báo xu hướng thương mại quốc tế. Thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa; các hiệp định thương mại tự do mới ký kết hứa hẹn tạo ra những thay đổi lớn trong định hình chuỗi cung ứng. Tận dụng cơ hội từ các xu hướng kinh tế thế giới, đồng thời chủ động ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực bởi cạnh tranh thương mại và xung đột thương mại.

Tám là, thu hút, khuyến khích lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục sản xuất. Đồng thời, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương chưa sẵn sàng quay lại các khu công nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại đại dịch còn diễn biến phức tạp; chú trọng vấn đề an ninh, trật tự, tránh những bất ổn về xã hội.

Chín là, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và nền kinh tế không tiếp xúc. Đại dịch Covid-19 đặt nền kinh tế nước ta trước những thách thức vô cùng to lớn, đồng thời đem lại những cơ hội thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Để phát triển kinh tế số cần phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế số và triển khai các chính sách thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt; tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển thương mại điện tử với ba yếu tố có tính chất quyết định là logistic, thanh toán điện tử và an ninh mạng. Chính phủ cần sớm ban hành chính sách quản lý phát triển nền kinh tế số, tạo cơ sở cho việc triển khai trên thực tế các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh mới, tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử, công nghệ tài chính (FinTech)... Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/cá nhân tham gia xây dựng nội dung số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

__________________

(1), (2), (3), (5), (6), (7), (8) Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2021, ngày 29-12-2021 

(4) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/vuot-qua-kho-khan-xuat-nhap-khau-nam-2021-ve-dich-ngoan-muc/

(9) Tổng cục Thống kê: Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm Quý IV và năm 2020, ngày 06-01-2021

(10) Tổng cục Thống kê: Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm Quý IV và năm 2021, ngày 06-01-2022

(11), (13) Xem Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-7-2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Văn bản số 245/TLĐ ngày 18-3-2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

(12) Xem Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02-4-2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7-9-2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 7-5-2020 quy định tái cấp vốn đối với ngân hàng chính sách xã hội và Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11-11-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2020/TTNHNN; Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14-8-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15-11-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31-3-2020 (áp dụng từ ngày 01-4 đến 31-12-2020), Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30-12-2020 (áp dụng từ ngày 01-01 đến 30-6-2021) và Thông tư số 23/2021/TT-NHNN ngày 23-8-2021 (áp dụng từ ngày 01-9-2021 đến 30-6-2022) sửa đổi Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam....

(14) https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-co-hoi-yeu-cau-va-thach-thuc-137968.

TS PHAN TIẾN NGỌC 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...