Theo Ngân hàng Thế giới (năm 2020) và Ngân hàng Phát triển châu Á (năm 2021), chuỗi giá trị bao gồm hai yếu tố phản ánh các mối liên kết thượng nguồn và hạ nguồn trong toàn bộ chuỗi sản xuất và thương mại quốc tế. Một số nền kinh tế, nhập khẩu đầu vào từ các đối tác nước ngoài để có thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà họ sẽ xuất khẩu. Điều này được gọi là sự tham gia chuỗi giá trị theo liên kết ngược. Những nước khác, xuất khẩu đầu vào sản xuất trong nước sang các nền kinh tế khác để tiếp tục chế biến và xuất khẩu được gọi là sự tham gia vào chuỗi giá trị theo liên kết xuôi2.
Tương tự, chuỗi giá trị toàn cầu thể hiện sự phân chia sản xuất giữa các quốc gia. Tham gia chuỗi theo liên kết ngược là nhập khẩu đầu vào từ nước ngoài để chế biến và xuất khẩu lại, tham gia chuỗi giá trị theo liên kết xuôi là xuất khẩu đầu vào tới các nước khác để sản xuất hàng xuất khẩu. Các chính sách thúc đẩy sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu theo liên kết xuôi nên được ưu tiên, trong khi các chính sách thúc đẩy sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu theo liên kết ngược cần được thiết kế tốt và đi kèm với các chính sách bảo đảm chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ trong nước, tránh cái bẫy của vai trò cấp dưới.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị, thời gian qua, Nhà nước ta đã đẩy mạnh các hoạt động cụ thể, như: triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025 với các hỗ trợ: (1) Về thị trường liên kết sản xuất – kinh doanh; (2) Về phát triển thương hiệu; (3) Về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng; (4) Về tài chính tín dụng; (5) Về sản xuất thử nghiệm… Đây là những nội dung căn bản và cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải thực hiện khi muốn tham gia vào các sân chơi quốc tế, chuỗi giá trị.
Về chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh: triển khai dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu quan trọng của Dự án, nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam với các doanh nghiệp đầu tư chuỗi cung ứng; nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.
Dự án JICA (Nhật Bản) đã hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam kết nối tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy ngành công nghiệp, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, hình thành mạng lưới kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, với hơn 1.100 lượt học viên đã tham gia các chương trình đào tạo cho tư vấn viên về lĩnh vực khởi nghiệp, kinh doanh mới và tiền đề Shindanshi – chẩn đoán viên doanh nghiệp ngành công nghiệp. Đào tạo nâng cấp kỹ thuật tại chỗ cho 35 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước; vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning cho phép doanh nghiệp có thể truy cập, học tập nâng cao trình độ mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, đã có hơn 300 CEO của doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo theo định hướng “Lãnh đạo dẫn dắt sáng tạo” nhằm xây dựng các năng lực cần thiết để điều hành tổ chức đơn vị theo hướng đổi mới sáng tạo; 12 doanh nghiệp Việt Nam thông qua hỗ trợ từ dự án đã ký được các hợp đồng cung ứng, với tổng giá trị 50 tỷ đồng với các nhà mua hàng nước ngoài3.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đẩy mạnh trên phạm vi cả nước, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuỗi giá trị; vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning, cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể truy cập, học tập nâng cao trình độ mọi lúc mọi nơi.
Về chính sách thúc đẩy liên kết: Việt Nam đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý để khuyến khích sự phát triển của các mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp nước ngoài, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Chỉ thị số 32/2012/CT-TTg ngày 07/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc loại bỏ và hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025. Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chính phủ đã triển khai kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chương trình hỗ trợ công nghiệp tập trung vào 5 lĩnh vực chính, như: dệt may, giày dép và da, thiết bị điện tử, ô tô, công cụ máy móc và công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 01/01/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, hệ thống chính sách thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu là tương đối đa dạng, tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách này vẫn còn những bất cập khiến cho khả năng mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh còn gặp trở ngại, khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc có rất ít tài sản bảo đảm, trong khi nhu cầu vay vốn lại lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đa phần là trung và dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, trong khi đó chính sách tín dụng ưu đãi thường chỉ áp dụng cho nhu cầu vay vốn ngắn hạn, phạm vi ưu đãi hẹp…, nên khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về công nghệ, thời gian, nguồn nhân lực… Ngoài ra, sản lượng thị trường không đủ lớn khiến doanh nghiệp trong nước chưa thực sự mặn mà đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ.
Ảnh minh họa - TL
Thực trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Ở nước ta, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (sử dụng từ 1 – 249 lao động) chiếm 96% trong tổng số các công ty, sử dụng 47% lượng lao động và đóng góp 36% giá trị gia tăng quốc gia, đều thấp hơn đáng kể mức trung bình tương ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Top 1% các công ty lớn nhất sử dụng hơn một nửa tổng số lao động tại Việt Nam (51%), trong khi 10% các công ty hàng đầu tạo ra 83% tổng số việc làm. Trong số 100 doanh nghiệp lớn nhất, có tới 91 doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp. Điều này cho thấy, các công ty sản xuất lớn đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế Việt Nam4.
Về tham gia xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, chiếm 88% số doanh nghiệp xuất khẩu và khoảng một nửa sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, 70% lượng xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn nước ngoài chuyển đến Việt Nam để gần hơn với khách hàng lớn là các công ty đa quốc gia5, điều này cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế.
Về liên kết chuỗi cung ứng, sự thâm nhập của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vào chuỗi giá trị thông qua việc trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu còn rất hạn chế. Các liên kết cung ứng hiện nay có xu hướng gắn với sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, là các vật tư đơn giả. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước được tích hợp gián tiếp vào các chuỗi giá trị (chứ không phải là nhà xuất khẩu trực tiếp) và sản xuất các linh kiện không phải quan trọng (ngoại vi) của chuỗi giá trị thượng nguồn hoặc tham gia vào việc lắp ráp hạ nguồn.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hằng năm5. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong xuất khẩu, bởi năng lực khoa học – công nghệ còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ nên chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, khó tham gia vào mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nghiên cứu một cách hệ thống khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đó là:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc tham gia vào cụm liên kết ngành, vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát triển bảo đảm tính bền vững nên không dám đầu tư đi trước để nắm bắt cơ hội;
Thứ hai, các doanh nghiệp FDI có quy mô lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín, do đó, chưa tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia. Ở khối doanh nghiệp FDI thường sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam để sản xuất nhưng chỉ được tham gia vào các khâu gia công, lắp ráp, kiểm định hoặc bo mạch và đóng gói xuất khẩu… Cuối cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn đứng bên lề trong việc làm chủ công nghệ.
Thứ ba, do quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có trình độ công nghệ, trình độ quản lý, nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác, sự khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Thậm chí, các doanh nghiệp này còn có tâm lý e dè, không dám chấp nhận rủi ro đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn, chất lượng nên chưa có những bước đi đột phá.
Thứ tư, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn. Bên cạnh đó, các công nghệ rèn, dập, hàn, đúc, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt, nhuộm, hoàn tất vải, thuộc da… là nền tảng cơ bản cho các hoạt động gia công, sản xuất ở trong nước, nhưng hiện cũng chưa phát triển.
Thứ năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thường có rào cản gia nhập thị trường lớn, đây là những rào cản tự nhiên do đặc thù của ngành, như đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài; mặt khác, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tác động lớn đến môi trường…, khiến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư hơn các ngành kinh tế khác.
Một số giải pháp
Một là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thu hút các FDI đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh đó, cần tăng cường sự tương tác trong đầu tư kinh doanh giữa các FDI với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Hướng tới thu hút các FDI quan tâm đến việc phát triển chuỗi giá trị tại Việt Nam và có cơ chế ưu đãi vượt trội, linh hoạt.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, quy định rõ các mức hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất – kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Hai là, xây dựng các doanh nghiệp đầu tàu để lan tỏa và kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trong nước hoạt động trong chuỗi giá trị. Tác động này hình thành nên những cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cung ứng sản xuất của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước, từ đó, tạo cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn có thể tiến tới các hoạt động sáp nhập nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp trong nước.
Ba là, chú trọng thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Việt Nam để giới thiệu các chương trình phát triển nhà cung ứng, nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế; cải thiện cơ cở dữ liệu nhà cung ứng hiện có để tạo điều kiện liên kết giữa các công ty đa quốc gia và các nhà cung ứng trong nước.
Bốn là, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và từng bước tích tụ vốn để tăng cường năng lực sản xuất, năng suất lao động; đồng thời, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần quan tâm đến việc trau dồi khả năng ngoại ngữ, cách trình bày website quảng bá cũng như cung cấp thông tin cho khách hàng. Nếu không, cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp sẽ càng hạn chế.
Để các chính sách hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cần chú trọng đến chính sách hỗ trợ về tín dụng, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thống kê công nghiệp để hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về công nghiệp, phát triển bền vững trong công nghiệp… là cấp bách và cần thiết. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị liên kết là bước chuyển cần thiết của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, đây là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển bền vững.