09/01/2025 lúc 10:34 (GMT+7)
Breaking News

Chính quyền số thân thiện ở vùng cao Bắc Kạn

Xác định chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để rút ngắn khoảng cách phát triển với vùng xuôi, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư, triển khai nhiều giải pháp thực hiện, trong đó, xây dựng chính quyền số đã và đang có nhiều chuyển biến rõ nét.

  

 Ðoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn người dân

Bắc Kạn đặt mục tiêu không chỉ xây dựng được chính quyền số mà còn bảo đảm sự thân thiện với nhân dân. Tuy nhiên, công cuộc này của Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.

Công việc nhanh và an toàn hơn

Trước đây, khi thực hiện mọi thủ tục, giấy tờ thanh quyết toán, chị Nguyễn Thị Thơ, công chức tài chính-kế toán của xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông) đều phải in ra, xin chữ ký của lãnh đạo và trực tiếp mang giấy tờ đi nộp tại các đơn vị liên quan. Nay nhờ chuyển đổi số, mọi công việc đã trở nên thuận lợi hơn. Chị Thơ cho biết: “Từ xã lên đến huyện lỵ mất gần một giờ đồng hồ đi xe máy. Khi chưa thực hiện giao dịch điện tử, cứ hai đến ba ngày tôi phải đi lên huyện một lần. Dịp cuối năm thì ngày nào cũng phải đi. Nhưng giờ đã có giao dịch điện tử, mọi công việc nhanh và an toàn hơn hẳn”.

Quang Thuận là một trong tám xã, thị trấn được Bắc Kạn lựa chọn làm điểm về chuyển đổi số. Xã được đầu tư nguồn lực để lắp đặt hệ thống mạng LAN, lắp camera an ninh ở thôn, bản và chuẩn bị lắp đặt hệ thống wifi công cộng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nông Văn Bình cho biết: “Cái khó nhất trong chuyển đổi số là thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và đội ngũ cán bộ để họ hiểu ý nghĩa, giá trị của chuyển đổi số và sử dụng thành thạo dịch vụ hành chính công”.

Ðể làm được điều đó, xã đã thành lập Tổ công nghệ số cấp xã và ở 11 thôn, bản. Vào cuối năm, các tổ này cùng với các tổ chức chính trị, xã hội lồng ghép tuyên truyền chuyển đổi số vào Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc ở các thôn. Xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công và ví điện tử tại các buổi tổng kết thôn. Nhờ đó, ngay trong tháng 12/2023, xã đã thực hiện chi trả tiền trợ cấp xã hội, kinh phí khoán bảo vệ rừng qua ví điện tử cho nhân dân. Quang Thuận đã trở thành một trong những xã đi đầu của huyện Bạch Thông trong xây dựng chính quyền số.

Tháng 11/2023, huyện Chợ Ðồn chính thức khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ma Doãn Kháng, Trung tâm IOC giúp hiện đại hóa hành chính công, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp, ngành được nâng lên. Tại cấp xã, các lãnh đạo đã quan tâm, chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Nhờ đó, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của huyện đạt 73,5%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường mạng) đạt 79,4%.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn, đến hết năm 2023, 100% số xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa tất cả hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% số cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát bốn cấp hành chính; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân. Tỷ lệ người dùng internet cáp quang đạt 80,07%, cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Trong năm 2023, đã có thêm chín hệ thống thông tin của các sở được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, nâng tổng số hệ thống được cài đặt lên 17. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt hơn 80%.

Ngoài ra, 98% số hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân; 104.933 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 91.881 hộ được đào tạo kỹ năng số; 973 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Tỉnh khai thác, sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính.

   Ðoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công qua điện thoại di động.

  Thân thiện với người dân

Hiện Bắc Kạn là địa phương hiếm hoi trong toàn quốc thực hiện chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành. Chương trình được triển khai trước tại tám xã, phường thí điểm chuyển đổi số năm 2023.

Trong năm 2023, tỉnh đã tiếp nhận 186 chiếc điện thoại thông minh và hơn 470 triệu đồng tiền ủng hộ hỗ trợ cho người dân. Nhờ chương trình này, dù là tỉnh khó khăn nhưng đến nay, Bắc Kạn có tỷ lệ người trưởng thành có điện thoại di động thông minh đạt hơn 85%, thuộc tốp 20 trong cả nước. Ðiều này tạo thuận lợi rất lớn cho triển khai, phát huy hiệu quả chính quyền số.

Và để tránh tình trạng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại nhưng người dân, doanh nghiệp không biết, không sử dụng các tiện ích dịch vụ công, tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cấp xã ở toàn bộ 108 xã và tổ công nghệ số cấp thôn ở tất cả 1.292 thôn, bản, tổ dân phố. Các tổ thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích, dịch vụ công qua các thiết bị thông minh.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Thuận Nông Văn Bình, trình độ, mức độ tiếp cận công nghệ thông tin của phần lớn người dân địa phương còn hạn chế, trong khi những người trẻ chủ yếu đi làm ăn xa. Do vậy, xã chỉ đạo cán bộ xuống từng thôn, bản, từng hộ dân giúp người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ công. Người dân không chỉ biết sử dụng mà còn cảm nhận được sự thân thiện của chính quyền khi được hỗ trợ tận tình, chu đáo.

Sự thân thiện cũng là điều dễ cảm nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các bộ phận một cửa. Các đơn vị đều có hệ thống quạt, điều hòa; có khu vực riêng để công dân ngồi chờ, có wifi miễn phí. Từ tháng 9/2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai mô hình “Ngày thứ hai không giấy và không dùng tiền mặt”. Khi tổ chức, cá nhân đến trung tâm sẽ được công chức, viên chức các cơ quan chuyên môn làm việc tại Trung tâm, đội viên đội tình nguyện tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Từ mô hình này, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị, địa phương, từ tháng 1/2024 lựa chọn thí điểm một trong các mô hình “30 phút tăng thêm vì dân” hoặc “Sáng thứ bảy vì dân”. Thời gian thí điểm từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024. Bắc Kạn chỉ đạo người đứng đầu gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân; công chức có thái độ lịch sự, thân thiện, cởi mở, gần gũi; xử lý công việc thành thạo, chuyên nghiệp; tận tình, chu đáo hướng dẫn người dân, nhanh gọn, sớm nhất có thể; không gây phiền hà, sách nhiễu.

Theo kết quả công bố điểm số, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên môi trường điện tử tháng 1/2024, Bắc Kạn đạt 66,13/100 điểm, xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố; trong đó, tất cả 18 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và tất cả tám huyện, thành phố tỷ lệ mức độ hài lòng đạt 100%.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đem lại, kết quả xây dựng chính quyền số của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của một số đơn vị cơ bản chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, đặc biệt là đối với các đơn vị cấp xã. Các hệ thống dùng chung, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cơ bản chưa hoàn thiện và đầy đủ. Các dữ liệu chuyên ngành còn rải rác, chưa được tích hợp, quản lý thống nhất do tỉnh chưa xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Kết quả điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân cho thấy vẫn có người dân trả lời còn có công chức gây phiền hà, sách nhiễu.

Năm 2024 Bắc Kạn xác định sẽ tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp; phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; hoạt động cải cách hành chính; hạ tầng dùng chung, an toàn thông tin và Ðề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.