Các GS và chuyên gia, bác sĩ đang trao đổi về việc phối hợp phẫu thuật cho ca bệnh
Cách đây 1 tháng, N. V. H. (19 tuổi, Hà Nội) và gia đình sốc nặng khi biết trong bụng H. có một khối u khổng lồ, kích thước lên tới hơn 20 cm. Chàng trai càng không thể ngờ mình có thể phục hồi “thần tốc” sau ca mổ phức tạp vào loại “có 1-0-2”. H. xuất viện đúng 1 tuần sau ca mổ - một kỳ tích đáng kinh ngạc.
Từ “hoang mang” đến “yên tâm tuyệt đối”
Vài năm nay, H. phải sống chung với khối u sụn khổng lồ ngay trong vùng bụng mà không hề hay biết. Khi bắt đầu có các triệu chứng như tê bì vùng xương chậu, đau phần hông và chân, đi lại khó khăn, ban đêm không ngủ được, chàng trai trẻ mê thể thao đã đi khám ở nhiều nơi và đều được chẩn đoán là viêm cơ, chấn thương nhẹ phần mềm do chơi thể thao. Uống thuốc chỉ đỡ đau một thời gian rồi đâu lại vào đấy, H. và gia đình hoang mang khi không biết tại sao khám mãi vẫn không ra bệnh.
Đến cuối tháng 8, H. quyết định tới khám tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City. Tại đây, các bác sĩ xác định được khối u lớn bất thường đang nằm ngay vùng tiểu khung sàn chậu.
Khối u khổng lồ hơn 20cm
“Khối u kích thước khổng lồ, to như một bào thai với một chân thò ra ngoài, cả cuộc đời làm nghề tôi chưa từng gặp”, GS.TS.BS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình & Y học Thể thao - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, kể lại ấn tượng khó quên của mình. Theo GS Dũng, lúc này u đã bắt đầu gây biến chứng, chèn ép lên các cơ quan nội tạng, nếu không được loại bỏ sớm, có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân.
Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam chỉ có 5 - 10 ca với khối u nằm ở vị trí “hiểm” như thế. Thêm vào đó, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ bởi khối u được cung cấp bởi hệ thống mạch máu lớn và phức tạp.
Phải đến khi tận mắt quan sát mô hình in 3D giống 100% khối u trong bụng, gia đình của H mới hình dung được mức độ nghiêm trọng của ca bệnh. Sau khi được các bác sĩ phân tích kỹ phương án mổ đa chuyên khoa với cả trăm kịch bản dự phòng, bao gồm cả tình huống bệnh nhân bị mất tới 10 lít máu trên bàn mổ, H. đã đặt trọn niềm tin vào các y bác sĩ Vinmec.
GS.TS Trần Trung Dũng đang thăm khám cho người bệnh
“Ban đầu em sợ mổ lắm. Nhưng sau khi nghe bác sĩ phân tích, lường trước được tất cả các khả năng và đưa ra phương án mổ sao cho an toàn nhất, em cũng vượt qua được nỗi sợ và tin tưởng quyết định thực hiện ca phẫu thuật này. Sự chính xác và sự tận tâm của các bác sĩ với bệnh nhân là điều giúp em yên tâm tuyệt đối”, H. hào hứng chia sẻ trong ngày ra viện, hôm 20/9, sau đúng 1 tuần lên bàn mổ.
Điều trị ung thư theo tiêu chuẩn quốc tế: Mấu chốt tạo nên kỳ tích
Để làm nên kỳ tích này, Hội đồng chuyên môn ung bướu đa chuyên ngành và Hội đồng chuyên môn về điều trị đã ngay lập tức được Vinmec thành lập. Hơn 30 bác sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau được huy động để lên kế hoạch và cùng tham gia vào ca mổ.
Đội ngũ Giáo sư, Bác sĩ chúc mừng bệnh nhân ra viện
“Khối u sụn như một hòn đá khổng lồ chắn phía trước, làm sao lấy được hòn đá này ra mà không làm tổn thương mạch máu, thần kinh và các bộ phận xung quanh là bài toán cực kỳ khó. Chúng tôi đã hội chẩn với nhiều chuyên gia bên ngoài nhưng tất cả đều lắc đầu vì rủi ro quá lớn”, GS. Trần Trung Dũng kể lại.
Lúc này, công nghệ in 3D đã phát huy tối đa tác dụng. Đây là công nghệ được Vinmec và trường Đại học VinUni tiên phong ứng dụng tại Việt Nam. Việc in 3D nguyên mẫu khối u với tỉ lệ 1:1 giúp các bác sĩ đánh giá trực quan, chính xác hình dạng, thể tích, tương quan khối u với các cơ quan quan trọng, qua đó lên kế hoạch phẫu thuật khối u triệt để và an toàn. Đặc biệt, các bác sĩ đã tiến hành mổ thực nghiệm trên mô hình 3D để tiên lượng khó khăn để đưa ra phương án mổ hợp lý và hạn chế tối đa biến chứng trước khi tiến hành mổ thật.
Tuy nhiên, chìa khóa để thành công ở ca phẫu thuật này là kế hoạch phẫu thuật tỉ mỉ với sự tham gia phối hợp của đội ngũ hơn 30 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đa chuyên khoa thuộc các lĩnh vực Tim mạch, Tiêu hoá, Tiết niệu, Chấn thương chỉnh hình, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê giảm đau, Hồi sức… “Chiến lược” mổ cũng được chia thành nhiều giai đoạn để “khuất phục” khối u xương hy hữu.
Cụ thể, 1 ngày trước ca phẫu thuật, các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh tiến hành nút các mạch máu lớn cung cấp cho khối u, từ đó hạn chế tối đa lượng máu mất trong mổ. Đến ngày phẫu thuật, các bác sĩ Tim mạch, Tiêu hoá, Tiết niệu tham gia mổ thì đầu để bóc tách, giải phóng bàng quang, niệu quản, trực tràng… khỏi khối u. Sau đó, các chuyên gia Chấn thương chỉnh hình nhập cuộc, loại bỏ khối u thông qua 2 đường mổ phía bụng và phía sau đùi. Trong suốt giai đoạn của cuộc đại phẫu, đội ngũ bác sĩ Gây mê giảm đau liên tục theo sát, căn chỉnh để giữ trạng thái ổn định cho bệnh nhân cũng như hạn chế tối đa biến chứng sau mổ. Kíp mổ gồm hàng chục bác sĩ làm việc liên tục không mệt mỏi trong nhiều giờ liền, tất cả cùng hướng đến mục tiêu vì sự hồi phục của bệnh nhân.
“Để đạt được tối ưu trong chẩn đoán, điều trị ung thư, phương pháp tiếp cận đa chuyên ngành là chìa khóa thành công, đặc biệt là với những ca khó. Ở Việt Nam hiện nay, do nhiều nguyên nhân mà phương pháp này còn chưa phổ biến. Trong khi đó, ở Vinmec đây là quy trình bắt buộc. Khi chưa qua Hội đồng đa chuyên ngành thì chưa được điều trị. Đó cũng là cách tiếp cận điều trị ung thư theo tiêu chuẩn quốc tế”, PGS.TS.BS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cho biết.
Nhờ chương trình phục hồi sớm sau mổ mà Vinmec tiên phong ứng dụng, H. không cảm thấy đau đớn sau ca đại phẫu. Xuất viện chỉ sau 7 ngày, chàng trai trẻ sẽ sớm trở lại với nhịp sống bình thường để tiếp tục niềm đam mê với thể thao. Hy vọng mới cũng đang mở ra cho các bệnh nhân ung thư tại Việt Nam khi các cơ sở y tế như Vinmec làm chủ ngày càng nhiều kỹ thuật điều trị tiêu chuẩn quốc tế.
Ngọc Linh