23/01/2025 lúc 20:25 (GMT+7)
Breaking News

Chân dung ‘4 cô gái vàng’ của Rowing Việt Nam tại ASIAD 2018

VNHNO – Tấm HCV của đội tuyển Rowing Việt Nam không chỉ giải cơn “khát vàng” cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD năm nay. Nó còn cho thấy quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của các vận động viên (VĐV) tại ASIAD 2018 để đem vinh quang về cho dân tộc.

VNHNO – Tấm HCV của đội tuyển Rowing Việt Nam không chỉ giải cơn “khát vàng” cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD năm nay. Nó còn cho thấy quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của các vận động viên (VĐV) tại ASIAD 2018 để đem vinh quang về cho dân tộc.

Trong ngày thi đấu thứ 5 tại ASIAD 2018 (23/8), đội tuyển Rowing Việt Nam đã “mang vàng” cho Đoàn thể thao Việt Nam. Tại chung kết nội dung thuyền nữ 4 hạng nhẹ, 4 tay chèo của Rowing Việt Nam bao gồm Tạ Thanh Huyền, Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Lường Thị Thảo xuất phát ở làn thứ 4. Với thành tích 7 phút 01 giây 11, các cô gái Việt Nam xuất sắc giành tấm HCV. 4 cô gái với độ tuổi cách biệt và những xuất phát điểm riêng nhưng đều chung một nỗ lực để đem lại thành công cho Đoàn thể thao Việt Nam.

Đội tuyển Rowing “mang vàng” về cho Đoàn thể thao Việt Nam (Internet)

 “Chị cả” Phạm Thị Thảo

4 năm trước, tại ASIAD 2014, Rowing Việt Nam đã giành HCB tại chung kết nội dung chèo thuyền nhẹ 4 với 4 tay chèo Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Thảo, Phạm Thị Hài, Lê Thị An. 4 năm sau tại Indonesia, Phạm Thị Thảo là VĐV duy nhất quay trở lại thi đấu. Trong sự nghiệp thi đấu, cô đã sưu tập cho mình một bộ huy chương quốc tế lên tới vài chục chiếc. Cô từng giành HCB nội dung thuyền W2X cùng với Phạm Thị Huệ tại ASIAD 2010. Năm 2012, Phạm Thị Thảo và Phạm Thị Hải trở thành đội chèo thuyền đôi Việt Nam đầu tiên từng tham dự Thế vận hội Olympic. Năm 2016, cô giành vé tham dự Olympic Rio nhưng đã nhường lại cho đồng đội do mới sinh con.

Phạm Thị Thảo (đầu tiên bên trái) dẫn dắt đàn em tại đội tuyển Rowing (Internet)

Phạm Thị Thảo bước vào chuẩn bị cho ASIAD năm nay khi cô mới sinh con được 6 tháng. Với kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu dày dặn, cô đã được mời BHL mời trở lại thi đấu. Cô trở thành người “chị cả”, dẫn dắt các đàn em thi đấu.

Hơn 10 năm gắn bó với đua thuyền nhưng ít ai biết ban đầu cô lại muốn trở thành một VĐV bóng chuyền. Lý do là do tay chèo sinh năm 1989 không biết bơi và đã từng suýt chết đuối. Tuy vậy, với sải tay dài khác thường, Phạm Thị Thảo đã nhận được lời mời gia nhập đội tuyển chèo thuyền tỉnh Thái Bình từ khi còn học lớp 12. Khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp, cô thường xuyên phải xa nhà lên Hà Nội tập. Tuy nhiên, 10 năm thi đấu, không khi nào Phạm Thị Thảo nản lòng. Tấm HCV lịch sử tại ASIAD 2018 là phần thưởng xứng đáng cho cô và đồng đội.

Em út Lường Thị Thảo

So với 3 đàn chị còn lại tại đội tuyển Rowing Việt Nam, Lường Thị Thảo là thành viên có ít kinh nghiệm và chưa đạt được nhiều thành tích nổi bật. Cô năm nay mới 19 tuổi, cách Phạm Thị Thảo tới 10 tuổi. Giống như đàn chị Phạm Thị Thảo, Lường Thị Thảo không xác định theo rowing ngay từ đầu. Cô đã được chọn vào đội điền kinh Sơn La. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá cô khó phát triển nếu theo đuổi điền kinh.

Bước ngoặt đến với Thảo khi cô lọt vào “mắt xanh” của ông Lê Văn Núp, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện TDTT Quảng Bình trong một lần ra Hà Nội công tác. Ông Núp về tận nhà Thảo ở Sơn La để thuyết phục bố mẹ cô cho con gái vào Quảng Bình luyện tập.

Kể từ khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp, Lường Thị Thảo đã giành được một số tấm HCV ở các giải trẻ trong nước và quốc tế. Và tại kỳ ASIAD năm nay, cô cùng các đàn chị đã đem lại niềm tự hào cho thể thao Việt Nam

“Cựu kình ngư” Tạ Thanh Huyền

Tạ Thanh Huyền thuộc lứa đàn em, cùng quê Thái Bình với Phạm Thị Thảo. Trong sự nghiệp thi đấu của mình cô đã giành được 2 huy chương vàng SEA Games; 2 huy chương vàng Cup Rowing châu Á; 1 huy chương bạc vô địch Rowing châu Á; 3 huy chương vàng vô địch quốc gia; 2 huy chương vàng giải trẻ quốc gia; 3 huy chương vàng giải các câu lạc bộ đua thuyền toàn quốc. Đặc biệt, tại Olympic Rio 2016, bộ đôi Tạ Thanh Huyền và Hồ Thị Lý từng giành quyền vào bán kết nội dung chèo đôi.

Tạ Thanh Huyền (thứ 2 từ trái sang) (Internet)

Giống như cặp đôi “song Thảo”, Tạ Thanh Huyền cũng là tay ngang tại bộ môn chèo thuyền. Cô từng là học sinh bộ môn bơi của Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Thái Bình. Sau đó, Huấn luyện viên trưởng bộ môn đua thuyền Trần Văn Sáu đã nhìn thấy tiềm năng của cô và chuyển cô sang bộ môn đua thuyền, phân môn rowing.

“Cô phụ hồ” Hồ Thị Lý

Năm 2015, Hồ Thị Lý lần đầu tiên được lên tuyển quốc gia và cùng đồng đội đạt HCĐ châu Á. Một năm sau, cô cùng Tạ Thanh Huyền lọt tới bán kết nội dung chèo thuyền đôi tại Olympic tại Rio (Brazil).

Hồ Thị Lý sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Đông Hà, Quảng Trị. Khi còn học THPT, cô đã đi làm thêm để có tiền phụ giúp gia đình và trang trải học phí, một trong số đó là làm phụ hồ. Năm 2010, khi Bộ môn đua thuyền của Quảng Trị về các địa phương tuyển quân đã phát hiện Lý rất có tố chất cho môn đua thuyền. Cô trở thành hiện tượng lạ của bộ môn này khi chỉ tập chừng một năm đã giành 2 chiếc HCB quốc gia, đặc biệt là khả năng thi đấu đa dạng ở nhiều nội dung.

Tại ASIAD lần này, các tay chèo Việt Nam tham dự 7 nội dung, trong đó có tới 6 nội dung vào chung kết. Tấm huy chương vàng của đội tuyển Rowing Việt Nam tại ASIAD 18 giúp đoàn thể thao nước nhà lần đầu tiên bước lên ngôi đầu ở một bộ môn thuộc hệ thống Olympic.