VNHN - Thời gian gần đây, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tách thửa diễn ra phức tạp khiến giá đất tại địa bàn thành lập đặc khu kinh tế bị đẩy lên cao. Do vậy, các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ninh, Kiên Giang đã bắt tay chấn chỉnh tình trạng này.
Đất ven biển thuộc thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) có thời điểm giá được đẩy lên khoảng 50 triệu đồng/m2. Ảnh: Báo Khánh Hòa.
Tại Khánh Hòa ngày 9/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh gửi văn bản tới UBND huyện Vạn Ninh, các Sở: TN&MT, Xây dựng, Tư pháp và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong yêu cầu tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Văn bản lưu ý, hiện nay, Quốc hội đang xem xét thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (có khu vực huyện Vạn Ninh). UBND tỉnh cũng đang triển khai công tác lập quy hoạch khu vực huyện Vạn Ninh để đáp ứng yêu cầu phát triển khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có hiệu lực.
Tuy nhiên hiện nay tình hình vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Vạn Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tách thửa… của các tổ chức, cá nhân nhằm thu gom đất, đẩy giá đất lên cao, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.
Để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh trong thời gian từ nay đến khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có hiệu lực, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Vạn Ninh phối hợp các Sở: TN&MT, Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cùng các cơ quan liên quan triển khai cụ thể, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Kể từ ngày 9/5, tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện việc tách thửa cho đến khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có hiệu lực và Quy hoạch chung xây dựng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Văn bản cũng nêu rõ các trường hợp bị tạm dừng giải quyết như: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; trừ trường hợp chuyển mục đích sang đất ở (theo hạn mức) đối với thửa đất có đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…).
Giao UBND huyện Vạn Ninh chỉ đạo các xã, thị trấn không thực hiện chứng thực hợp đồng đối với các trường hợp trên.
Tại Quảng Ninh, nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc “sốt giá đất” tại huyện Vân Đồn thời gian qua, ngày 3/5, đoàn công tác của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chủ trì, đã làm việc với huyện Vân Đồn về các nội dung liên quan.
Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, trong thời gian chuẩn bị các bước để thành lập Khu hành chính-kinh tế đặc biệt, tình hình đất đai trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối tháng 3/2018 đến nay.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Vân Đồn đã và đang tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ về đất đai, nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, tạm dừng việc tách thửa đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, tạm dừng việc thỏa thuận địa điểm, thỏa thuận nhiệm vụ Quy hoạch các dự án mới trên địa bàn KKT Vân Đồn…
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nguyễn Văn Đọc chỉ đạo trong khi chờ đợi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và các quy hoạch trên hoàn thiện, liên quan đến quản lý đất đai tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án, tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn, trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Liên quan đến quyền lợi của người dân về đất đai như các trường hợp thừa kế, chuyển nhượng… phải kiểm soát chặt chẽ, rà soát từng trường hợp cụ thể, UBND huyện tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để “lách” luật.
Còn tại Kiên Giang, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Kiên Giang về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng quy định. Tiếp tục tăng cường rà soát trình tự, thủ tục thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện nghiêm quy định đăng ký, cập nhật biến động về sử dụng đất đảm bảo đúng quy định pháp luật về đất đai và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc được phê duyệt.
UBND tỉnh giao Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc và UBND huyện Phú Quốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai và kịp thời công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt để người dân giao dịch đất đai theo đúng quy định; nghiêm cấm mọi hình thức mua bán, chuyển nhượng đất đai trái quy định, nhất là liên quan đến đất rừng, đất Nhà nước và tổ chức đang quản lý sử dụng.
Ngày 18/4, chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc không chỉ của 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang mà là của cả nước, đồng thời nêu rõ, lập đặc khu thì phải tốt hơn, thuận lợi hơn cho cuộc sống của người dân trên địa bàn, kể cả trước và sau khi Luật có hiệu lực.
Ba tỉnh cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn, Thủ tướng yêu cầu.