Làm hoàn toàn thủ công, từ những lá sen tự nhiên chàng trai xứ Huế đã dệt nên chiếc nón lá độc đáo nổi tiếng đi khắp Việt Nam.
Từ vẻ đẹp truyền thống
Những ý tưởng độc đáo, mới lạ luôn có khả năng khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên nhiều màu sắc và phong phú hơn và hội họa chính là một trong số đó. Đối với những chiếc nón lá thông thường, chúng được tạo nên từ cây lá nón, lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá cối, lá hồ… Những chiếc nón lá sen của anh Nguyễn Thanh Thảo (Thừa Thiên Huế) khiến nhiều người phải yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi màu sắc tự nhiên, bố cục lạ mắt và hơn nữa chúng vừa rất mộc mạc nhưng lại toát lên vẻ cầu kỳ mà không phải ai cũng có thể làm được.
Những chiếc lá sen đẹp được lựa về và xử lý trước khi làm nón.
Danh tiếng, tính chất đặc thù của nón lá Huế có được là nhờ nghề làm nón lá ở Thừa Thiên Huế đã kế thừa những yếu tố hợp lý của các loại nón lá, từ cung đình đến dân gian, từ miền Bắc đến miền Nam để tạo ra sản phẩm riêng của vùng này. Để tạo ra một chiếc nón lá không hề đơn giản, và để tạo ra một chiếc nón là làm bằng sen thì sự kỳ công tăng lên rất nhiều lần.
Khi bắt đầu mùa Hạ, những đầm sen ở mảnh đất Thừa Thiên nở hoa đẹp nhất cũng là thời điểm anh Thảo bắt đầu đi chọn nguyên liệu để làm nên những chiếc nón lá độc đáo.
Là người con của xứ Huế, vốn nổi tiếng với nghề truyền thống làm nón lá, yêu nghề là phải "thương nghề" anh Thảo thấy rằng việc làm nghề truyền thống tuy là công việc giữ lại nét văn hóa bao đời, nhưng cạnh tranh rất nhiều với nguồn hàng ngoại nhập và phải có một hướng đi phát triển mới. Nếu đã không bán được quá nhiều về lượng thì phải tìm những mặt hàng có giá trị cao về chất.
Mỗi chiếc nón lá sen có đường vân khác nhau và trở thành “độc bản”
Năm 2017, anh Thảo đã bắt tay vào nghiên cứu cách làm nón lá bằng sen, qua thời gian bắt tay vào thử nghiệm gặp nhiều thất bại, những chiếc lá sen bắt đầu được "thuần phục" và trở thành nguyên liệu làm nón lá, có tương lai phát triển.
Không đơn thuần những sản phẩm nón là được nhắc đến bởi nguyên liệu là lá sen, mà ở đây còn được anh Thảo, vốn xuất thân từ một họa sĩ đường phố, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động mỹ thuật, vẽ lên đó những đường nét, những hình ảnh tinh tế đặc trưng của vùng Cố đô Huế trên từng sản phẩm anh tạo ra.
Chuyển hoá thành chiếc nón lá sen
Sau khi chọn được lá sen đẹp, anh Thảo tiến hành xử lý lá bằng cách ủ lá bằng nước javel, tiếp đến là phơi khô lá, ủi lá thẳng để thuận tiện cho quá trình chằm lá ở công đoạn tiếp theo. Ngoài ra để có thẻ giữ được màu xanh tự nhiên của lá sen và tạo được độ dẻo bền khi nón tiếp xúc với nắng mưa nên anh Thảo cho thêm một lớp sơn bảo vệ lên lá nhằm giúp tạo độ tươi và bảo quản lá tốt hơn.
“Sen Thảo” ngày càng đến gần hơn với những người yêu nét đẹp xưa.
Công đoạn chằm lá cần sự kết nối nhịp nhàng giữa đường kim mũi chỉ với bàn tay của thợ, cách sắp xếp từng chiếc lá sen lên khung nón làm sao để không có chỗ nào quá dày hay quá mỏng.
"Mình chọn làm nón lá sen vì hai lý do. Thứ nhất mình rất yêu nón lá, nhưng cũng rất yêu sen, nó là những thứ quen thuộc với mỗi người con của Huế và mình cũng không phải ngoại lệ. Thứ hai là mình yêu việc tạo nên cái mới từ những cái cũ, mình vốn yêu hội họa, nên đây cũng là dịp để mình sáng tạo theo cách riêng của mình" - Anh Thảo chia sẻ.
Mỗi chiếc lá sen giống với cái vân tay của mỗi con người, không có lá nào giống với lá nào hết. Bởi vậy khi làm nghệ thuật thì nó giống như một tác phẩm độc bản. Chính vì thế mà chiếc nón lá sen mang tên “Sen Thảo” ngày càng đến gần hơn với những người yêu nét đẹp xưa.
Từng bước đưa những sản phẩm từ Huế ra khắp mọi miền tổ quốc qua nhiều hình thức bán hàng khác nhau. Để khách hàng phần nào cảm nhận rõ hơn về các dòng sản phẩm, Sen Thảo đưa những sản phẩm của mình thông qua các cuộc triển lãm, hội thảo về sản phẩm đồ mỹ nghệ trên cả nước.
Nón lá Sen Thảo được nhiều khách hàng trong và ngoài nước đón nhận.
Điều tốt đẹp đã đến, khi anh Thảo quyết định mang chiếc nón lá sen đi dự thi tại các cuộc thi khởi nghiệp ở Huế. Công sức, mồ hôi và những ý tưởng sáng tạo đã chuyển hoá thành công với các giải thưởng “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2018- Giải A”, “Bình chọn sản phẩm tiêu biểu tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019- Giải ba”, “Hội thi sáng tạo- Kỹ thuật tỉnh TT. Huế lần thứ X năm 2020- Giải nhất”.
Những kết quả ban đầu mà Sen Thảo đã đạt được, là sự cộng hưởng của tình yêu, lao động chăm chỉ và đặc biệt là những chính sách, định hướng của Nhà nước luôn chú trọng, duy trì và bảo tồn những ngành nghề giá trị truyền thống của dân tộc.
Càng đi sâu vào tìm hiểu càng thấy trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, nón Huế luôn có một sức sống mạnh mẽ. Dù xuất hiện ở khoảng không gian nào, chiếc nón vẫn mang đậm hồn quê, vẫn mang đậm hương đồng gió nội của những làng nghề truyền thống, nơi đã sản sinh ra nó.
Ý tưởng làm nón lá từ sen thực sự đã chạm đến trái tim của nhiều người bởi nó không chỉ đơn thuần là một vật dụng che nắng, che mưa, nó còn mang tiềm thức của nón lá và tiềm thức của lá sen, như thể một chiều dài lịch sử văn hoá của mảnh đất cố đô./.