VNHNO - Với tình hình khủng hoảng sân khấu chung trong thị trường giải trí hiện nay, các sân khấu kịch miền Nam cũng đang đứng trước nguy cơ đối mặt với cảnh hắt hiu trên sân khấu vì thiếu khán giả.
Sân khấu miền Nam luôn được nhận định có phần hoạt động tích cực, sôi nổi hơn so với miền Bắc, ấy vậy mà thời gian gần đây tình thế đã thay đổi hoàn toàn khi loạt các sân khấu miền Nam phải chao đảo vì cảnh "chợ thưa, người vắng" trong các xuất diễn.
Sự kiện gây xôn xao trong dư luận gần đây nhất đó là tuyên bố đóng cửa của sân khấu Nụ cười mới sau 14 năm hoạt động. Nhiều nguyên nhân khiến sân khấu vắng khách và cũng là nỗi trăn trở của những người làm nghề chân chính.
Nghệ sĩ Long đẹp trai - Giám đốc sân khấu Nụ cười mới đau lòng chia sẻ: "Hiện chúng tôi không còn sức để gồng gánh thêm nữa thì quyết định đóng cửa. Lựa chọn này rất đau lòng với anh em diễn viên vì mất đi một mái nhà. Tâm huyết của anh Hữu Lộc chúng tôi không thể hoàn thành nhưng tôi không còn cách nào khác". Được biết trước đó sân khấu này cũng phải thường xuyên di chuyển, tìm địa điểm diễn.
Nghệ sĩ Long đẹp trai không giấu được sự đau lòng khi phải đóng cửa sân khấu (Ảnh: Internet)
Nghệ sĩ Hồng Vân cũng đã từng bộc lộ nỗi lòng: "Dù TPHCM là miếng đất màu mỡ cho văn hóa nghệ thuật phát triển và sân khấu xã hội hoá đang nuôi sống thị phần này nhưng sân khấu hiện nay cũng như con ngựa già nua có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Khán giả sân khấu đang bị già nua đi, nếu không có kế hoạch để tìm khán giả tiềm năng, trong tương lai (sân khấu kịch) sẽ đi theo con đường sân khấu cải lương".
NSND Hồng Vân cũng rất trăn trở trước nguy cơ sân khấu phải ngưng hoạt động (Ảnh: Internet)
Thiếu nghệ sĩ nổi tiếng hay kịch bản đã không còn thu hút khán giả?
Sự thật hiển nhiên là sân khấu nếu không có ngôi sao diễn thì các xuất sẽ rất khó hút khán giả, đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến sân khấu lao đao. Ngày trước, người ta mong ngóng đến cuối tuần để sân khấu sáng đèn vì họ chờ đợi những gương mặt đình đám như: Hoài Linh, Chí Tài…
Khi thời thế thay đổi, sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các game show, chương trình truyền hình… khiến các nghệ sĩ vì kín lịch trình, không sắp xếp được thời gian đành rời "ánh đèn sân khấu".
Ngoài ra cũng phải nói tới xu hướng hiện tại, người xem muốn xem gì? Nhu cầu của khán giả là ở đâu? Đây chính là vấn đề lớn mà mỗi sân khấu phải đối mặt. Làm sao để dung hòa được thị hiếu của người xem nhưng vẫn đảm bảo nội dung - giá trị nghệ thuật của từng vở diễn là nỗi trăn trở rất lớn của những người làm nghề.
Những "sân khấu kịch mini" của các nghệ sĩ trẻ nhớ nghề
Tình hình khó khăn của các sân khấu lớn khiến cho nghệ sĩ không còn nhiều cơ hội đưa kịch đến với khán giả nhưng vẫn rất nhiều người yêu nghề, say nghề, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ tìm cách thành lập các sân khấu mini để thỏa mãn đam mê và nuôi dưỡng tình yêu, ngọn lửa với nghề.
Sân khấu kịch Tía Lia của Huỳnh Lập
Huỳnh Lập là cái tên không còn xa lạ trong lòng khán giả Việt với các hoạt động nghệ thuật liên tục và chất lượng trong suốt thời gian qua, xuất phát điểm là quán quân cuộc thi Cười xuyên Việt năm 2015, đến nay Huỳnh Lập đã cho ra mắt loạt sản phẩm gồm phim ngắn, các MV parody, tiểu phẩm hài… Bằng tài năng và nhiệt huyết, anh ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong làng hài Việt.
Diễn viên Huỳnh Lập (Ảnh: FBNV)
Sau một thời gian hoạt động không ngừng và để thỏa mãn đam mê của mình nam danh hài đã mở sân khấu mini để nhóm kịch Tía Lia gồm các bạn diễn viên trẻ có cơ hội được đến gần với khán giả, được thể hiện tài năng của bản thân.
Nhóm kịch Tía Lia (Ảnh: Internet)
Sân khấu kịch Cà phê X-Pro của nhóm X-Pro
X-Pro cũng là nhóm hài được công chúng biết đến sau thành công từ chương trình Cười xuyên Việt. Với khao khát được thử sức trong nhiều ‘màu diễn’ có chiều sâu, có số phận và thỏa sức cho đam mê mà nhóm đã nhen nhóm ý định thành lập sân khấu kịch Cà phê X-Pro. Họ đơn giản là những bạn trẻ yêu nghề và mong muốn được diễn, vì vậy những bước đi rất gian nan và khó khăn. Được biết số tiền thưởng sau chương trình Cười xuyên Việt một phần được chia cho các thành viên, phần còn lại để tổ chức, duy trì sân khấu.
Trưởng nhóm Hữu Tính đã từng chia sẻ: “Chúng tôi lập nhóm đơn giản là muốn được diễn. Làm nghề này nếu không được diễn thì lòng nhiệt huyết, đam mê sẽ nguội lạnh”.
Nhóm kịch X-Pro(Ảnh: Internet)
Việc tự thành lập một sân khấu kịch với quy mô nhỏ hiện nay và để tồn tại là không hề dễ dàng tuy nhiên với tài năng và sức trẻ của các diễn viên mới hy vọng đây sẽ là những chuyển biến tích cực để đem khán giả về lại với "sân khấu cuối tuần", tạo ra một thế hệ nghệ sĩ mới năng động, thành công cho sân khấu kịch./.