VNHN - Tác phẩm nghệ thuật, suy cho cùng, đâu làm ra để mình tự vỗ tay khen tụng với nhau mà là phục vụ công chúng, tạo được cảm xúc cho công chúng, làm cho công chúng thêm tin yêu cuộc sống tươi đẹp...
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (Ảnh minh họa)
"Nói nào ngay", lạm bàn đến câu chuyện "nghệ thuật" thiệt là khó! Làm ra tác phẩm nghệ thuật là dựa vào cảm xúc, thưởng thức nghệ thuật cũng lại từ cảm xúc. Mà đã là cảm xúc thì đâu ai giống ai, thậm chí trong mỗi người có khi mỗi lúc cũng khác nhau. Cảm xúc mà, khi vui thì khác, tâm trạng buồn man mác lại khác. Thế mới có câu: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Vậy thì, có thể đây chỉ là một góc nhìn, một cách tiếp cận, một cách cảm xúc cá nhân mà thôi.
Vừa rồi, “thủ phủ đất sen hồng”(*) có tổ chức không gian giao lưu văn hoá với một địa phương ở miền Trung. Họ mang đến cho người “đất sen hồng” mình một không gian dung dị, ấm áp, chan hoà hồn phố, hồn người. Họ mang đến hình ảnh những con người quá đỗi chân chất, thật là mộc mạc, với những hoạt động rất ư là đời thường, mà toát ra nét thân thiện, tự tin và tự hào. Họ mang đến những làn điệu dân ca đầy đặn chất truyền thống, mà thiệt là vui tươi, nhẹ nhàng. Trên hết, họ đã "hút hồn" người xem bằng tâm hồn của những con người xứ biển. Và, dường như họ đang "chơi", đang “cháy hết mình” chứ không phải đang "diễn".
Nhớ lại, câu khẩu hiệu giăng đây đó "Tình người thắm đẫm hồn sen". Hai chữ "tình người" và "hồn sen" sao mà sâu lắng vô cùng, cốt cách vô cùng. "Tình người" và "hồn sen" đã hoà quyện vào nhau làm nên hình ảnh một địa phương mà mình đang dày công tạo dựng. Thật ra, chiều sâu đâu chỉ nằm ở chữ nghĩa, mà là làm sao người ta cảm nhận được, trải nghiệm được, hoà mình vào được cái "tình người" và "hồn sen" đó. Một chiếc áo bà ba thôi, một đôi guốc mộc thôi, một chiếc khăn rằn thôi, một mái dầm khua nhẹ mặt nước thôi cũng đã toát lên hình ảnh làng quê với cuộc sống, sinh hoạt, lao động của những người miền sông nước có thể đang bị mai một dần theo năm tháng. Một bài vọng cổ, một bản tài tử pha lẫn với điệu lý, câu hò, những bài hát đồng dao được phụ hoạ bằng những điệu múa vui tươi thôi cũng là "thắm đẫm" rồi, làm say lòng người lữ khách lắm rồi! Vậy mà, có một chuyên gia nước ngoài đến tham dự diễn đàn du lịch xứ mình lại chia sẻ rằng về đây hình họ bắt gặp dư thừa nhạc Tây mà lại thiếu vắng những làn điệu của địa phương.... Vậy là sao ta?
Có một vị chuyên gia "nửa đùa, nửa thật": Làm du lịch chẳng qua là "bán trời, bán đất, bán nước" mà thôi?!? Ảnh nói như vậy để nhấn mạnh rằng làm du lịch phải biết khai thác những tài nguyên tự nhiên chung quanh mình. Vậy thì, dòng sông và con kênh, chim trời và cá nước, hoa trái trên cành và sen súng dưới đồng, tất cả đều là đề tài có thể chuyển tải thành tác phẩm nghệ thuật sâu lắng, chân quê. Câu chuyện "tát nước đêm trăng" quen thuộc mà người ta đã ước lệ thành điệu một múa đầy thơ mộng, hồn nhiên, huống chi còn biết bao nhiêu là hình ảnh sinh hoạt trong đời thường, trong đồng áng, vườn tược, bờ ao. Chỉ một bông hoa dại bên bờ bên bụi như mắc cỡ, dâm bụt, hoa mua… thôi mà cũng có những bài ca đi cùng năm tháng rồi, huống chi là xứ mình nào là hồng là lan, nào là huệ là cúc... . Xứ mình sông ngòi, kênh mương chằng chịt, lại có mùa nước nổi tràn đồng và đi theo đó là biết bao hình ảnh có thể khắc hoạ những hoạt động đánh bắt con cá con tôm, con rắn con rùa gắn với hình ảnh mặt nước. Rồi còn biết bao nhiêu là phương tiện đi lại trên những dòng sông, nào ghe nào xuồng, nào tàu nào bè. Bao nhiêu phương tiện đánh bắt, nào đăng nào đó, nào vó nào bò, nào lờ nào lộp… Tất cả đều có hồn có cốt nếu đặt vào con tim, khối óc của những nghệ sĩ tài hoa, tâm huyết.
Xứ mình có biết bao nhiêu câu chuyện có thể "kể" một cách sâu lắng cho khách bằng các tác phẩm nghệ thuật "có hồn". Đừng tự gò bó mình bằng những khuôn mẫu đúc sẵn đã ăn sâu vào tâm thức. Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ vô cùng, hoạt động của con người phong phú vô cùng. Bằng lời ca, điệu múa có thể khắc hoạ thành những bức tranh làng quê làm lay động hồn người. Hay mình cứ sợ người ta nói mình là dân quê mùa?
Một tác phẩm nghệ thuật hay có được phải từ sự trải nghiệm cuộc sống, từ trong những trang sách văn thơ cộng hưởng với tài hoa của người làm nghệ thuật. Muốn vậy, người làm nghệ thuật phải đi nhiều, quan sát nhiều, lắng nghe nhiều, chiêm nghiệm nhiều. Nếu chỉ ngồi trong "bốn bức tường" mà tưởng tượng ra thì sẽ khó mà tạo ra được những tác phẩm đi vào hồn người. Nhiều khi chọn một ca từ thôi mà cũng phải thức trắng đêm. Nhiều khi chọn nốt thăng giáng thôi mà có thể tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng công chúng. Nghệ thuật là lao động nghiêm túc chứ đâu thể hời hợt.
Muốn tác phẩm "có hồn" thì người sáng tác phải "có hồn" và được chuyển tải bằng những đạo diễn, nghệ sĩ, nghệ nhân, ca sĩ, diễn viên "có hồn". Muốn mọi người "có hồn" cần lắm những người lãnh đạo đơn vị nghệ thuật, những người quản lý văn hoá "có hồn" và biết "thổi hồn". Đừng tự tạo ra những áp lực không cần thiết, hoặc áp đặt ý chí chủ quan của mình đối với những người cần thăng hoa trong nghệ thuật.
Tác phẩm nghệ thuật, suy cho cùng, đâu làm ra để mình tự vỗ tay khen tụng với nhau mà là phục vụ công chúng, tạo được cảm xúc cho công chúng, làm cho công chúng thêm tin yêu cuộc sống tươi đẹp của đất Sen hồng.
Tác phẩm nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống đã được chắt lọc thành cái tinh tuý nhất. Yêu cái đẹp là thưởng thức, tạo ra cái đẹp là cả một nghệ thuật mà!./.
___________________
(*) TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) được mệnh danh là “Thủ phủ đất sen hồng”.