VNHN - Thứ trưởng Bộ NN&PTNN, ông Vũ Văn Tám cho biết, việc quản lý nghề cá bằng cấp hạn ngạch khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng khai thác hủy diệt như hiện nay.
Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại Hội nghị công tác thống kê thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản cho biết năm 2017, sản lượng thủy sản đạt trên 7,5 triệu tấn, giá trị gần 212.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% GDP cả nước; xuất khẩu thủy sản đạt 8,32 tỷ USD mức cao nhất từ trước đến nay, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển KT-XH.
Trong bối cảnh phát triển chung của ngành thủy sản, công tác thống kê đóng vai trò quan trọng. Số liệu thống kê cho phép xác định mức độ đóng góp của ngành thuỷ sản vào GDP. Thống kê thuỷ sản là cơ sở khoa học để hoạch định các chính sách quản lý, quy hoạch phát triển ngành một cách hiệu quả nhất. Việc tăng cường năng lực thống kê ngành thuỷ sản hiện nay được đặt ra cấp bách.
Tuy nhiên, hoạt động thống kê thủy sản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu điều hành và quản lý ngành thủy sản bền vững. Việc thu thập, khai thác, phân tích cung cấp thông tin thống kê thủy sản vẫn còn thiếu sự đồng bộ ở các cấp do nguồn lực làm công tác này còn thiếu và yếu. Trong khi tại các cơ quan cấp Trung ương đã xây dựng được lực lượng cán bộ thống kê chuyên trách, còn tại các cấp tỉnh và xã phần lớn là kiêm nhiệm hoặc chưa có cán bộ.
Nhiều ngư dân vẫn còn giữ tâm lý giấu ngư trường vì sợ bị lộ vị trí đánh bắt nên không thực hiện nghiêm chỉnh việc ghi, nộp nhật ký khai thác.
Ngoài ra, việc áp dụng CNTT vào thống kê thủy sản cũng chưa thực sự hiệu quả. Dữ liệu và số liệu thống kê chưa được thu thập và tổng hợp đầy đủ đã gây khó khăn cho xuất khẩu và khả năng phát triển của ngành hàng.
Ông Vũ Văn Tám cho biết, Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2019 đưa ra nhiều định chế phục vụ quản lý, quy định điều tra nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, trong bối cảnh, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển từ ngành thủy sản khai thác tự nhiên, tự do sang nghề khai thác có trách nhiệm, bền vững. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ quản lý và kiểm soát cường lực khai thác và truy xuất nguồn gốc khai thác.
Theo đó sẽ quản lý số lượng tàu cá, việc đóng mới tàu cá, cấp hạn ngạch khai thác đối với từng loài hải sản. Một số loài sản lượng lớn như cá ngừ đại dương sẽ quản lý theo hạn ngạch, còn loài cá kết đàn như cá cơm sẽ thí điểm quản lý cường lực khai thác.
Trước hết là quản lý đầu vào, tức là quản lý số tàu thuyền cũng như đóng mới tàu cá. Còn một số đối tượng có thể từng bước tiến tới quản lý theo hạn ngạch sản lượng, từng bước để chúng ta kiểm soát cường lực khai thác cũng như gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trước mắt năm 2019, ưu tiên điều tra về tàu thuyền bao gồm số lượng và cơ cấu các loại thuyền đánh bắt hải sản, đăng ký, đăng kiểm, mức độ trang thiết bị…, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám cho biết.
Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn việc cập nhật dữ liệu, tạo hành lang thuận lợi cho việc triển khai thu thập, phân tích, xử lý, công bố và cung cấp số liệu, thông tin, thủy sản. Đồng thời, triển khai các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ thống kê; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường thủy sản bằng cách thu thập, phân tích, đánh giá các ngành hàng chủ lực theo chuỗi.
“Để triển khai Luật Thuỷ sản 2017 cũng như thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì bắt buộc phải đi vào công nghệ hiện đại, hiện đại hoá công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuỷ sản”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định./.