25/11/2024 lúc 16:21 (GMT+7)
Breaking News

“Cặp đôi” làm khoa học thành danh trên đất Pháp

VNHN- Nếu như vợ chồng GS. Nguyễn Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc đã nổi tiếng từ lâu ở Pháp, thì vợ chồng GS. Lê Thị Hoài An và GS. Phạm Đình Tảo cũng là một “cặp đôi” làm khoa học thành công tại đất nước này.

VNHN- Nếu như vợ chồng GS. Nguyễn Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc đã nổi tiếng từ lâu ở Pháp, thì vợ chồng GS. Lê Thị Hoài An và GS. Phạm Đình Tảo cũng là một “cặp đôi” làm khoa học thành công tại đất nước này.

GS. Lê Thị Hoài An được biết đến như một trong những chuyên gia hàng đầu về chuyển giao công nghệ trong Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo vào những ứng dụng thực tế đầy thách thức và tiềm năng. Bà đã và đang chủ trì nhiều dự án lớn trong khuôn khổ Công nghiệp 4.0 hợp tác với các Hãng công nghiệp lớn như RTE - Nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của Pháp và NAVAL - tập đoàn số một châu Âu trong phòng thủ hải quân và đóng vai trò chính trong năng lượng tái tạo biển.Bà hiện giảng dạy tại Đại học Lorraine và người chồng cũng là người đồng nghiệp gần gũi của bà là GS. Phạm Đình Tảo đang làm việc tại Viện khoa học và ứng dụng quốc gia Rouen.Sáng tạo công trình đỉnh cao về toán học

Sáng tạo công trình đỉnh cao về toán học

Lê Thị Hoài An từng là cán bộ giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội 1 trong 10 năm. Bà lấy bằng Tiến sĩ hạng ưu chuyên ngành Tối ưu hoá năm 1994 và bằng Tiến sĩ khoa học năm 1997 tại Học viện quốc gia về Khoa học ứng dụng Rouen (INSA). Năm 1998, bà được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư Toán ứng dụng tại INSA Rouen và Giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Paul Verlaine - Metz năm 2003.

Thời gian sau này, GS. Lê Thị Hoài An tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tin học lý thuyết và ứng dụng của Đại học Paul Verlaine và sau đó là Đại học Lorraine từ đầu 2008 - 2017. Bà đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng và Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về Khoa học dữ liệu và Tối ưu hóa các hệ thống phức tạp, Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sinh ra ở Hà Tĩnh, Lê Thị Hoài An là con gái út trong gia đình truyền thống làm nhà giáo của cố PGS Lê Bá Hán – người có bốn người con (một là GS và ba là PGS) đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Bởi vậy, bà rất tự hào về truyền thống gia đình đã cống hiến tận tụy cho đất nước và có nhiều thành tựu đáng kể trong chuyên môn.

Một may mắn nữa là bà có chồng làm khoa học và cùng nghiên cứu một chuyên ngành. Ông là người đã kề vai sát cánh, cùng bà sáng lập lý thuyết quy hoạch DC (hiệu hai hàm lồi) và DCA (thuật toán hiệu hai hàm lồi). Đây là những công cụ đắc lực và hiệu quả của quy hoạch không lồi và tối ưu toàn cục được GS. Phạm Đình Tảo khởi xướng năm 1985 và được phát triển rộng rãi kể từ 1993 thông qua các công trình nghiên cứu chung của họ.

GS. Lê Thị Hoài An cho biết, DCA được rất nhiều nhà khoa học thế giới thuộc những lĩnh vực chuyên ngành khác nhau sử dụng. Đặc biệt, trong vòng 15 năm trở lại đây, hướng đi này đã thu hút nhiều các hãng công nghiệp lớn của thế giới. Đây là một công cụ rất hữu hiệu cho phép giải quyết những vấn đề hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau như khai thác dữ liệu và học máy, viễn thông, giao thông, chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất, tài chính, năng lượng, cơ học, sinh học, y học, phân tích hình ảnh, mã hóa, bảo mật và độ tin cậy…

Bồi dưỡng năng khiếu của người Việt

Bận rộn với công việc nghiên cứu khoa học ở Pháp, nhưng GS. Lê Thị Hoài An vẫn thường xuyên trở về quê hương với các hoạt động hợp tác với các trường đại học Việt Nam và dìu dắt đội ngũ toán học trẻ Việt Nam. Với mong ước góp phần phát triển toán ứng dụng tại Việt Nam, trong suốt hơn 20 năm qua, bà luôn ưu tiên nhận hướng dẫn và giúp đỡ nghiên cứu sinh người Việt.

Năm 2013, vợ chồng bà đã cùng GS. Nguyễn Ngọc Thành ở Ba Lan sáng lập và tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về khoa học máy tính và toán học ứng dụng - nơi tập hợp trên 50 các nhà khoa học Việt Nam làm về toán ứng dụng, công nghệ thông tin ở châu Âu.

Đặc biệt, thông qua các bài giảng của mình ở nhiều trường đại học tại Việt Nam, bà muốn học trò ý thức được tầm quan trọng của toán học, thúc đẩy và tạo điều kiện cho họ nghiên cứu ứng dụng của toán vào các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là kỹ thuật số và khoa học dữ liệu.

GS. Lê Thị Hoài An cũng cho rằng, người Việt Nam rất có năng khiếu về toán và tin học. Là những giáo sư đầu ngành về lý thuyết Tối ưu và Toán ứng dụng, vợ chồng bà sẽ cố gắng truyền lửa và khuyến khích các sinh viên, các nghiên cứu viên trẻ có thêm được nhiều kiến thức bổ ích, cũng như niềm đam mê để theo đuổi chuyên ngành mà theo bà “đầy lý thú và cần thiết cho xã hội”.

GS. Lê Thị Hoài An là tác giả và đồng tác giả của hơn 240 bài báo xuất bản trên những tạp chí quốc tế uy tín, các kỷ yếu của những hội nghị quốc tế lớn, và là đồng biên tập 19 cuốn sách. Bà đã hướng dẫn 35 luận án Tiến sĩ khoa học trên các lĩnh vực Tối ưu và Khoa học dữ liệu. Bà cũng là Chủ tịch hội đồng khoa học, Trưởng Ban tổ chức, thành viên hội đồng khoa học của nhiều hội nghị quốc tế và đồng thời chủ trì nhiều dự án vùng, quốc gia, quốc tế. Tháng 7/ 2013, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương “Ordre des Palmes Académiques” - giải thưởng quốc gia cho các học giả và nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực “Văn hóa và Giáo dục”.