Từ tháng 7, Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn chưa từng có, dự kiến kéo dài tới tháng 4/2022 với mục tiêu đạt 70% dân số được tiêm phòng. Ða dạng nguồn vaccine đã khó, làm sao thúc đẩy tốc độ tiêm chủng còn thách thức hơn.
Thừa nhận tốc độ tiêm chủng còn chậm là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cần thẳng thắn phân tích nguyên nhân và tìm ra giải pháp vào lúc này. Chỉ có như vậy, vaccine mới đến đúng đối tượng cần được tiêm, tránh những trường hợp lợi dụng, tiêm sai đối tượng gây bức xúc trong dư luận.
Từ tháng 7, Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn chưa từng có, dự kiến kéo dài tới tháng 4/2022. Câu hỏi hóc búa lúc này là làm sao bảo đảm nguồn vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng trong toàn dân?
Lô vaccine phòng Covid-19 Moderna tại Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 25/7.
Từ tháng 8, mở hết công suất mỗi điểm tiêm
Từ ngày 27/7, TP Hà Nội vừa bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô lớn nhất cho toàn thành phố, tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vaccine: AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, để sẵn sàng tiếp nhận vaccine từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho người dân trong năm 2021, thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm triển khai sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi được phân bổ. Mục tiêu của thành phố là xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Ghi nhận ngày đầu tại quận Hoàn Kiếm, với hơn 16 nghìn liều vaccine được phân bổ, hiện đã triển khai vận hành bảy điểm tiêm tập trung. Ðối tượng ưu tiên đợt này là các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách và bà con tiểu thương tại các khu chợ, khu tập trung đông dân.
Cùng hai đầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các điểm nóng dịch hiện nay như Bình Dương, Ðồng Nai… cũng đều đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân, người dân. Bình Dương đã được Bộ Y tế phân bổ 307.000 liều vaccine tiêm cho hơn 1,45 triệu người trong năm 2020 - 2021 tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. Còn tại Ðồng Nai, Sở Y tế tỉnh này cho biết, đã lên kế hoạch tiêm hơn 311.000 liều vaccine đợt thứ tư, thời gian từ ngày 27/7 - 15/8. Ðây là đợt tiêm vaccine quy mô lớn nhất trước giờ trên địa bàn.
Tính chung cả nước tới ngày 27/7, đã tiêm hơn năm triệu liều, trong đó hơn 4,562 triệu liều tiêm mũi một và 450.836 liều mũi hai. Về nguồn vaccine, tính đến ngày 25/7, tổng số vaccine Covid-19 mà nước ta đã tiếp nhận là khoảng 14 triệu liều từ các nguồn mua và tài trợ. Mới nhất, sáng 25/7, nước ta có thêm ba triệu liều vaccine Covid-19 của Moderna do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua chương trình COVAX đã về đến Việt Nam. Những lô hàng vaccine được dự kiến sẽ tiếp tục về dồn dập trong quý III và quý IV năm nay, tăng mạnh nguồn cung cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nước ta. Bộ Y tế khẳng định, các cơ sở dịch vụ tiêm chủng tư nhân, đơn vị ngoài ngành y tế được tham gia chiến dịch tiêm phòng Covid-19.
Dự kiến đầu tháng 8, các điểm tiêm sẽ bắt đầu hoạt động hết công suất để chúng ta đạt mục tiêu tiêm chủng như kế hoạch đề ra.
Tốc độ tiêm còn chậm
Theo hướng dẫn mới nhất có hiệu lực áp dụng ngay từ ngày 26/7 về an toàn tiêm chủng Covid-19 do Bộ Y tế ban hành, các điểm tiêm chủng cần bố trí tiêm theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách, tránh tiêm chủng vi phạm quy định phòng, chống dịch ở nhiều điểm tiêm thời gian qua. Song nhiều chuyên gia lo ngại tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam đang rất chậm. Từ đầu tháng 7, mỗi ngày chỉ đạt 20.000 - 40.000 mũi tiêm. Theo một chuyên gia y tế, nếu Việt Nam tiêm trung bình 100.000 mũi/ngày, thì phải mất hơn 40 tháng mới tiêm đầy đủ hai mũi cho 70 triệu người trên 18 tuổi như mục tiêu. Ðể đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 4/2022, chúng ta sẽ phải tiêm trung bình hơn nửa triệu mũi vaccine mỗi ngày.
Thừa nhận thách thức này, GS Ðặng Ðức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Giám đốc dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, để tăng tốc, các điểm tiêm chủng sẽ được tăng thêm và mở rộng, số lượng người được tiêm trong ngày sẽ nhiều hơn so hiện tại. Ông Ðức Anh tin vào khả năng về đích vào tháng 4 tới, khi mà vaccine tiếp tục về nhiều. "Mỗi điểm tiêm ít nhất tiêm 100 mũi/ngày, chúng ta có 11.000 - 12.000 điểm tiêm thì số lượng tiêm hằng ngày rất lớn", ông Ðức Anh nói.
Một thách thức không nhỏ là vừa bảo đảm giãn cách xã hội nhưng vẫn đáp ứng được tốc độ tiêm chủng, các địa phương sẽ phải mở rộng nhiều dây chuyền tiêm vaccine, với công nghệ bảo quản nghiêm ngặt. Thêm nữa, phải sắp xếp số lượng người tiêm trong cùng một buổi không quá đông, bảo đảm giãn cách và an toàn cho người tiêm cũng như nhân viên y tế. Trên thực tế, ở một số nơi cách thức tiêm chủng đã lộ ra những bất ổn. Trong khi đó, vaccine phòng Covid-19 còn rất mới mẻ, nhiều cơ sở điều trị, bệnh viện mới lần đầu triển khai tiêm chưa có kinh nghiệm… Bởi vậy đòi hỏi công tác bảo quản vaccine phải chặt chẽ, công tác tập huấn kỹ lưỡng từ sử dụng từng loại vaccine và tổ chức tiêm an toàn cũng như theo dõi sau tiêm phải bài bản.
Rõ ràng, muốn tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, cần có sự điều phối linh hoạt, hiệu quả giữa các cấp chức năng nhằm bảo đảm phân bổ vaccine nhanh và hợp lý đến các địa phương, địa bàn. Các cấp cơ quan chức năng cần sớm đưa vaccine đến đúng đối tượng cần được tiêm, tránh những trường hợp lợi dụng, tiêm sai đối tượng gây bức xúc trong dư luận.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Ðào tạo (Bộ Y tế):
Hiện có ba hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan vaccine Covid-19 với Nhật Bản, Nga, Mỹ đã được ký kết. Theo đó, Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản, đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 (Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein, tức công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp). Dự án thứ hai, chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Quỹ Ðầu tư trực tiếp Liên bang Nga.
Dự kiến đến ngày 10/8, phía bạn sẽ có kết quả kiểm định chất lượng, sau đó Việt Nam có thể tiến hành đóng ống với quy mô năm triệu liều/tháng (trong tháng 8 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. Với các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với Mỹ, đơn vị liên quan đang được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2-3 theo quy trình rút gọn. Dự kiến khởi động nghiên cứu vào ngày 1/8 và kết thúc cuối tháng 12. Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.