Du khách đến với Bảo Lạc vào những ngày chợ phiên dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ dân tộc Nùng, Mông, Dao đội trên đầu những chiếc khăn len thổ cẩm hòa với trang phục truyền thống, làm cho phiên chợ càng trở nên sặc sỡ hơn. Nhìn tấm khăn xanh, đỏ sặc sỡ sắc màu được bày bán ở chợ phiên Bảo Lạc, ít ai biết được đó là sản phẩm dệt len của những người phụ nữ vùng cao biên giới xã Cô Ba.
Nét đẹp khăn thổ cẩm của phụ nữ vùng cao.
Ngoài những lúc lên nương, xuống chợ, phụ nữ dân tộc Nùng ở đây luôn chăm chỉ quay sợi, se tơ dệt vải, làm nên những tấm khăn cùng trang phục với nét hoa văn độc đáo, tinh tế, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Còn với phụ nữ dân tộc Nùng, xóm Khuổi Dào, xã Cô Ba luôn mong ước gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống.
Chúng tôi đến thăm gia đình nhà bà Lương Thị Sáng, xóm Khuổi Dào, bà đang tất bật dệt những chiếc khăn thổ cẩm với nhiều màu sắc sặc sỡ. Gia đình bà đi tiên phong và lưu giữ nghề dệt khăn len thổ cẩm. Bà Sáng cho biết: Trước đây, đời sống gia đình tôi rất khó khăn, không có tiền, tôi tự nghĩ ra việc làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Qua quá trình mày mò, học hỏi tôi tự dệt ra chiếc khăn đội đầu của người phụ nữ, sau đó tôi nhờ chồng nghiên cứu làm cho một chiếc khung để dệt sản phẩm. Tôi tự tìm len về dệt, đến nay đã dệt được 15 năm, ban đầu bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/chiếc, đến nay bán với giá 50.000 đồng/chiếc.
Bà Sáng dẫn chúng tôi ra chiếc khung cửi và mắc khung rồi dệt, đôi tay nhanh nhẹn cầm con thoi đưa qua, đưa lại chỉ một lúc đã tạo thành đường nét của chiếc khăn. Dệt thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn như: quay sợi, mắc khung, dệt. Tuy nhiên, cách dệt khăn của người Nùng đây khác rất nhiều so với dệt khăn ở các vùng khác, bình quân mỗi ngày dệt được nhiều nhất khoảng 10 chiếc.
Những chiếc khăn không cầu kỳ về họa tiết, hoa văn nhưng để làm được một chiếc khăn hoàn chỉnh, đòi hỏi mỗi người thợ phải trải qua 6 công đoạn gồm: dệt len với các màu sắc chủ đạo xanh, đỏ, tím, vàng, hồng...; tiếp theo là se len, tiếng dân tộc gọi là “vải tồng”, những màu len được quay sợi ở bước 1 sẽ được kết lại ở bước này, sau đó dùng cuộn len được kết lại dăng qua 2 cột nhà hơn trăm vòng cho đến khi hết len.
Đến công đoạn 3, cần hai người trợ giúp, thường là bà và cháu gái cùng làm, cháu gái cầm phum - một vật dụng quan trọng trong kết len; bà là người cầm từng sợi len để luồn qua phum. Công đoạn 4, là công đoạn khó nhất và cầu kỳ nhất cần dùng thêm “cỏng nạng”, một người xoay tròn cỏng nạng quanh cột dăng len, người còn lại cầm len từ từ di chuyển theo người phía trước và cuốn lại từng đường len quanh cột nhà. Kết thúc công đoạn 5 theo tiếng dân tộc gọi “khảu thúc”. Cuối cùng chuyển sang công đoạn dệt khăn, đây cũng là công đoạn làm lâu nhất.
Mỗi chiếc khăn sau khi dệt có hình vuông, rộng hơn 60 cm với những màu sắc chủ đạo, người dệt sẽ tự phối màu đậm nhạt cho phù hợp. Những chiếc khăn không cầu kỳ, họa tiết mà đơn giản giống như cách sống của người dân và cũng là trang phục không thể thiếu của người phụ nữ nơi đây. Mỗi người phụ nữ có ít nhất từ 4 - 5 tấm khăn len 5 màu. Khăn để đội đầu đi chợ, đi làm, dự đám cưới, giữ ấm khi mùa đông đến và là chiếc khăn đội trong những ngày lễ, Tết. Đặc biệt, đây còn là lễ vật thách cưới của nhà gái, để các con dâng lên tặng các bậc sinh thành trong dịp sinh nhật, mừng thọ, tặng anh em, bạn bè trong ngày cưới...
Trước đây, những chiếc khăn chủ yếu được đưa từ Trung Quốc sang, từ năm 2000 trở lại đây, những tấm khăn len 5 màu của phụ nữ xóm Khuổi Dào, Nà Tao, xã Cô Ba đã chiếm ưu thế và được ưa chuộng hơn. Tuy giá cả như nhau nhưng những tấm khăn len 5 màu tự dệt của xã Cô Ba có màu sắc rực rỡ hơn, dày, mịn hơn tấm khăn len dệt từ Trung Quốc. Vì vậy, khăn len tự dệt ở Cô Ba không đủ cung cấp nhu cầu thị trường. Khách hàng thường là phụ nữ các dân tộc thiểu số ở các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Nguyên Bình, Bắc Mê (Hà Giang), Na Hang (Tuyên Quang).
Đến nay, bà Sáng đã dạy nghề cho các con, cháu và 20 hộ gia đình khác trong xóm. Nghề dệt khăn không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn mang lại thu nhập cho các gia đình. Tuy nhiên, nghề dệt khăn đang dần bị mai một theo thời gian vì những nghề khác cho thu nhập cao hơn, bà Sáng luôn trăn trở, gìn giữ nghề nên vẫn duy trì và mong muốn truyền dạy cho con, cháu nghề truyền thống của dân tộc Nùng.