UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021” với 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu quốc tế tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Singapore.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đại diện lãnh đạo các Sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải; Công an tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế, Chi cục Quản lý thị trường, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Năm 2021, trước những khó khăn của dịch Covid-19 đối với kinh tế và xã hội, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4, tỉnh Bắc Giang được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài để vừa triển khai phòng chống dịch vừa tập trung chỉ đạo sản xuất, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất và tiêu thụ vải thiều nói riêng.
Để giữ vững thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo quả vải thiều chất lượng cao, an toàn nhất, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo ổn định quy hoạch, không mở rộng diện tích, tập trung phát triển theo chiều sâu.
Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải); vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất vải thiều để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc diện tích 218 ha, sang thị trường Nhật Bản 219 ha. Thời gian thu hoạch vải thiều, vải chín sớm tập trung thu hoạch từ ngày 20/5, vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6.
Đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Được cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 30 mã số vùng trồng, cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận 149 mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói. Đặc biệt, tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường trong và ngoài nước, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng. Đối với thị trường nội địa đến nay vải thiều đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị, các chợ đầu mối hoa quả, hệ thống bán buôn bán lẻ khác. Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Tỉnh thường xuyên trao đổi, thông tin với các cơ quan Tham tán thương mại tại nước ngoài, đặc biệt là cơ quan Tham tán tại Quảng Tây, Vân Nam – Trung Quốc, tại Nhật Bản, Úc, Singapore về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng trực tuyến yunnan.cn, nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com.
Nhằm để việc tiêu thụ vải thiều tốt nhất, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến giám sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài. Bố trí bãi đỗ xe để thực hiện công tác phòng dịch, quản lý lái xe và xây dựng phương án cụ thể cho phương thức giao nhận hàng…
Nhân dịp này, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều bảo đảm các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường tiềm năng; hỗ trợ tỉnh giám sát toàn bộ quá trình thu hoạch, xông hơi khử trùng, kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử. Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang triển khai công nghệ sấy, chế biến để quả vải thiều sau chế biến vẫn giữ được hương vị, màu sắc, chất lượng.
Đề nghị chính quyền, Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam; chính quyền và các cơ quan chức năng thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây; huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục xuất cảnh vào Việt Nam đối với các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam đàm phán thu mua vải thiều năm nay. Tiếp tục tạo điều kiện rút ngắn tối đa về thủ tục hành chính để giúp vải thiều của Bắc Giang được nhập khẩu vào Trung Quốc với thời gian nhanh nhất; hỗ trợ các dịch vụ về kho, bãi tập kết vải thiều; ưu tiên phân luồng riêng cho các xe chở vải thiều khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Các doanh nghiệp, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối tiếp tục kết nối, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Chủ động liên hệ với các đối tác tại Bắc Giang hoặc chính quyền địa phương để được cấp giấy vận chuyển vải thiều cho các xe vận tải và các điều kiện đảm bảo an toàn với dịch bệnh Covid-19.
Tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu: Trung Quốc, Nhật Bản, Thành phố Hà Nội,… chia sẻ thông tin, trao đổi những vấn đề liên quan đến tiêu thụ vải thiều; công bố và trao Văn bằng Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản; khai trương “Gian hàng vải thiều trên Sàn Alibaba.com và các Sàn Thương mại điện tử”; Lễ xuất hành Đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.