23/01/2025 lúc 05:22 (GMT+7)
Breaking News

Cao Bằng: Duy trì, nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện bằng Methadone

Mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng Methadone là hướng tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng.

Mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng Methadone là hướng tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng.

Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện CDTP, sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của hêrôin từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ tử vong, lây nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội do tiêm chích gây ra...

Bệnh nhân điều trị bằng Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Mô hình điều trị bằng Methadone cho người nghiện tại Cao Bằng triển khai thí điểm từ tháng 3/2014 tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Bệnh nhân điều trị tại cơ sở định kỳ được khám sức khỏe, đánh giá liệu pháp điều trị, tư vấn, giới thiệu tiếp cận dịch vụ y tế điều trị các bệnh kèm theo như các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) nếu nhiễm HIV/AIDS...

Anh T.L.C. (sinh năm 1973), trú tại phường Hợp Giang (Thành phố) nghiện ma tuý từ năm 24 tuổi, đầu tiên anh sử dụng bằng đường hít, sau đó chuyển sang chích bằng đường tĩnh mạch. Hơn chục năm nghiện chích hêrôin, anh nhiều lần cai nghiện bằng các biện pháp khác nhau nhưng tiếp tục tái nghiện. Tháng 3/2014, có cơ sở điều trị Methadone đầu tiên tại tỉnh, anh C. tìm hiểu và tình nguyện viết đơn xin tham gia thực hiện phương pháp điều trị cai nghiện bằng Methadone. Đến nay, hơn 7 năm điều trị cũng là từng đấy thời gian anh ngừng sử dụng hêrôin.  

Anh C. chia sẻ: Khi được điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế Methadone, từ một người lệ thuộc vào ma túy, sức khỏe tôi dần ổn định, tìm được việc làm phụ giúp gia đình. Điều trị Methadone là cứu cánh cho những người nghiện chích ma túy như tôi, đặc biệt sẽ không còn nguy cơ bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua hành vi tiêm chích.

Từ hiệu quả được kiểm chứng thực tiễn tại cơ sở thí điểm đầu tiên, mô hình điều trị bằng Methadone lần lượt được triển khai tại trung tâm y tế các huyện trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 12 cơ sở điều trị Methadone tại 10 huyện, Thành phố với 1.427 người đang điều trị, trung bình mỗi năm thu hút mới trên 200 người tham gia điều trị.

Công tác quản lý bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Methadone được thực hiện chặt chẽ. Ngay sau khi bệnh nhân được tiếp nhận điều trị sẽ được cấp thẻ định danh cá nhân có đầy đủ thông tin nhằm giúp lực lượng công an thuận lợi trong công tác quản lý, nắm thông tin cá nhân chính xác, phối hợp tuyên truyền, vận động người nghiện chích tham gia điều trị Methadone và thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật. Các cơ sở điều trị Methadone tăng cường tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị duy trì, giảm tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị hoặc tái sử dụng CDTP.

Bác sĩ Đàm Quốc Hương, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Điều trị bằng Methadone giúp người nghiện ngừng và duy trì việc không sử dụng ma túy, hòa nhập với cộng đồng, tiếp tục sống và tham gia lao động sản xuất, từ đó giảm gánh nặng về tài chính cho mỗi cá nhân và gia đình có người nghiện ma túy. Đồng thời, nâng cao chất lượng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện ma túy cũng như từ nhóm này với cộng đồng.

Giảm tỷ lệ người sử dụng ma túy bất hợp pháp, từ đó giảm tội phạm do sử dụng hêrôin, buôn bán ma túy và trộm cắp tài sản, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Với tỷ lệ người thường xuyên tham gia điều trị đạt 95%, mô hình điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng nguyện vọng của người nghiện chích ma túy, gia đình và cộng đồng.  

Trong 2 năm (2014 - 2015), thuốc Methadone điều trị cho bệnh nhân tại tỉnh được Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ; từ năm 2016, thuốc Methadone được cấp từ Trung ương thông qua Chương trình Mục tiêu y tế - dân số. Đồng thời, chương trình điều trị Methadone tại tỉnh được thực hiện xã hội hóa, các cơ sở điều trị Methadone thực hiện thu phí điều trị đối với bệnh nhân theo Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh, góp phần bảo đảm kinh phí duy trì hoạt động của cơ sở điều trị.

Tính từ tháng 3/2014 - 6/2020, toàn tỉnh cung ứng 6.134 lít thuốc Methadone cho 1.340 bệnh nhân điều trị, tuy nhiên, theo Công văn số 2166/BYT-AIDS ngày 28/3/2021 của Bộ Y tế ban hành, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ cấp thuốc Methadone cho các địa phương từ nguồn ngân sách Nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 đến hết tháng 12/2021.

Để đảm bảo cung cấp thuốc Methadone kịp thời cho các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh từ tháng 1/2022, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch mua thuốc Methadone để đảm bảo cung cấp thuốc kịp thời, đáp ứng nhu cầu điều trị cho trên 1.300 bệnh nhân. Tổng số kinh phí mua thuốc Methadone giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến trên 5,256 tỷ đồng, ngân sách địa phương là nguồn lực chủ yếu; hướng đến mục tiêu 100% cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh có đủ số lượng, chất lượng thuốc Methadone đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân nghiện các CDTP.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 người nghiện chích ma túy và trên 1.500 người nghi nghiện, trong đó, trên 95% tiêm chích hêrôin, trên 90% người nhiễm HIV tập trung ở nhóm người nghiện chích ma túy. Để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả điều trị nghiện các CDTP bằng Methadone, góp phần giảm thiểu và đẩy lùi tệ nạn ma túy và tệ nạn xã hội, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lực lượng chức năng trong triển khai các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích điều trị từ thuốc Methadone tại cộng đồng dân cư, thu hút sự đồng tình, quan tâm hỗ trợ của cộng đồng, gia đình đối với bệnh nhân tham gia điều trị; thực hiện các biện pháp tổ chức cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, quan tâm tạo việc làm sau cai nghiện.