Vùng đất Thạch An có nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc, trong đó, hát lượn Slương của người Tày nơi đây là nét văn hóa độc đáo ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều yếu tố tác động, làn điệu lượn Slương đang đứng trước nguy cơ mai một, cần có giải pháp kịp thời để gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Phục dựng trích đoạn canh hát lượn Slương cổ.
Tìm đến nhà Nghệ nhân Dân gian (NNDG) Đinh Thị Đà, xóm Nà Pá, xã Đức Xuân đúng dịp Nhóm những người yêu dân ca lượn Slương xã Đức Xuân đang tập hợp tại nhà NNDG Đinh Thị Đà để luyện tập, phục dựng, biểu diễn các làn điệu lượn Slương. Bà Đinh Thị Đà được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu NNDG năm 2020 ở loại hình thực hành và truyền dạy hát lượn Slương của người Tày.
Dù bận việc nông, việc gia đình nhưng tất cả các thành viên trong nhóm đều gác lại mọi công việc, cùng nhau đến giao lưu, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của lượn Slương và thể hiện những làn điệu lượn Slương tuyệt vời của dân tộc mình. Nhóm những người yêu dân ca lượn Slương mỗi năm duy trì hoạt động giao lưu 6 - 8 lần dưới sự dẫn dắt tâm huyết của NNDG Đinh Thị Đà với mong muốn những làn điệu lượn Slương ở Thạch An được gìn giữ, bảo tồn, phát huy.
Theo NNDG Đinh Thị Đà, lượn Slương của người Tày ở Thạch An có lịch sử ra đời và phát triển gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán lâu đời của cộng đồng người Tày nên nội dung rất phong phú, ca từ mộc mạc đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi lao động.
Cấu trúc của một canh hát lượn Slương gồm: Cả chủ và khách cùng lượn xin phép hương án (bàn thờ); đoàn người lượn (khách) lượn xin phép gia chủ (người tổ chức canh lượn); chủ nhà lượn chào khách, cảm ơn khách đến nhà và cho phép canh lượn bắt đầu; canh lượn bắt đầu: lượn cúng tổ tiên, lượn njải (xin được làm quen), lượn mời trầu, mời nước, lượn Tứ quý (vịnh 12 tháng trong năm), lượn chồm bjoóc (vịnh các loại hoa), lượn giao duyên (tìm đôi kết bạn tình), lượn pjạc (chia tay giã bạn).
Lượn Slương có giai điệu thánh thót, uyển chuyển, trầm bổng, luyến láy nên hấp dẫn người nghe. Hát lượn Slương đòi hỏi người hát phải có chất giọng khỏe, hay, ấm, có đủ hơi dài để luyến láy, chuyển tải được hết những tâm tình trong mỗi câu hát nhằm bày tỏ tình cảm của chính người hát với người nghe. Vì thế, một canh hát lượn Slương thường diễn ra dài ngày, càng hát càng say mê bởi phong phú ý tình, câu hát đằm thắm, thể hiện tâm tư, tình cảm kín đáo, tinh tế.
Ông Nông Quang Bình, 80 tuổi, xóm Pác Khoang, xã Đức Xuân - một trong 20 thành viên Nhóm yêu dân ca lượn Slương xã Đức Xuân chia sẻ: Với tôi, hình ảnh những đêm hát lượn Slương đã ăn sâu vào tiềm thức. Tôi mong điệu hát lượn Slương được nhân rộng hơn nữa, đặc biệt là người trẻ sẽ yêu thích và học hát. Có như thế, những câu hát lượn Slương của cha ông mới không bị thất truyền.
Không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, lượn Slương đã gắn liền với cuộc sống của người Tày Thạch An. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cũng như nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác, lượn Slương đang đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân chính bởi lớp nghệ nhân nắm giữ kho tàng lượn Slương ngày càng già yếu, có người đã qua đời mà không truyền lại được cho thế hệ sau. Lớp trẻ không mặn mà với nghệ thuật truyền thống của cha ông, nhiều thanh niên không biết tiếng mẹ đẻ, vì vậy việc bảo tồn đã khó mà việc phát triển càng khó hơn.
Những năm qua, huyện Thạch An nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian tại địa phương, trong đó có hát lượn Slương với những việc làm cụ thể như: mở lớp truyền dạy cho các học viên, tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các đề án bảo tồn... nhưng kết quả thu được rất hạn chế. Số lượng bạn trẻ tham gia các lớp học không nhiều, số nghệ nhân truyền dạy ngày càng ít.
Hiện, toàn huyện chỉ còn rất ít nghệ nhân như NNDG Đinh Thị Đà nắm giữ làn điệu lượn Slương cổ. Không những thế, hát lượn Slương hầu hết đặt lời mới cho phù hợp với giới trẻ, vì vậy, lượn Slương đã được cải biên và cách tân đi rất nhiều. Thêm vào đó, nguồn kinh phí của địa phương rất eo hẹp nên muốn thành lập các câu lạc bộ để bảo tồn lượn Slương rất khó khăn.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch An Vũ Tuấn Nghĩa cho biết: Để bảo tồn làn điệu lượn Slương, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các xã có người Tày sinh sống thành lập các câu lạc bộ, chi hội duy trì việc hát lượn Slương trong nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục sưu tầm, lưu trữ những tư liệu thành văn, tư liệu truyền khẩu về điệu hát lượn Slương hiện đang lưu truyền trong dân gian. Ngoài ra, đề xuất tăng cường đưa lượn Slương vào trường học nhằm phát hiện lớp trẻ kế cận, góp phần lưu truyền điệu hát cho các thế hệ mai sau.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với các nghệ nhân - "báu vật sống” đang lưu giữ kho tàng nghệ thuật lượn Slương cổ quý giá; các cơ quan cũng tiến hành kiểm kê, thống kê tư liệu, tài liệu di sản văn hóa lượn Slương từ quá khứ đến hiện tại, từ đó mới đưa ra được các biện pháp bảo tồn cụ thể, hữu hiệu. Đồng thời, cần phát huy ý thức tự giác và sự trân trọng với di sản văn hóa của người dân.
Hằng năm, huyện cần tổ chức những hoạt động liên hoan giao lưu hát lượn Slương và biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt, gắn phát huy lượn Slương với phát triển du lịch… Đây chính là đòn bẩy quan trọng để quảng bá, giới thiệu và đưa nghệ thuật hát lượn Slương của đồng bào dân tộc Tày ở Thạch An đến với đông đảo người dân, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả lượn Slương cho hôm nay và mai sau.