Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã kết hợp việc đưa nét đẹp văn hóa truyền thống vào trong tiết học và các hoạt động của trường học.
Qua đó, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo không khí thoải mái cho học sinh khi học tập, góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Bằng việc lồng ghép tuyên truyền, gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể giúp học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Bên cạnh đó, nhà trường đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động giữa giờ trải nghiệm để truyền dạy cho học sinh, giúp học sinh được giao lưu, học hỏi, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Trường PT dân tộc nội trú THCS Quảng Uyên (Quảng Hòa) tổ chức thi trò chơi dân gian, thể thao dân tộc trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp
Cô giáo Long Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quảng Uyên (Quảng Hòa) cho biết: Trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông… nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được đặc biệt chú trọng. Vào ngày thứ Hai đầu tuần và dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhà trường quy định các học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếp sinh hoạt này được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, giúp học sinh hiểu ý nghĩa của từng bộ trang phục. Đến Trường PTCS Bảo Toàn (Bảo Lạc), chúng tôi thấy trường học thân thiện và đẹp hơn với hình ảnh học sinh mặc những bộ trang phục truyền thống nhiều sắc màu đan xen, nổi bật là màu sắc xanh, đỏ rực rỡ của đồng bào dân tộc Mông, Sán Chỉ; duyên dáng trong sắc chàm, đen của dân tộc Tày, Nùng…
Với chủ trương gắn giáo dục với gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, hiện nay, tại các cơ sở giáo dục của tỉnh đã lồng ghép các chương trình giáo dục văn hóa truyền thống địa phương vào từng môn học với các phương pháp phong phú, đa dạng như: tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan, khảo sát tìm hiểu thực tế tại các xóm, làng; khai thác kinh nghiệm thực tế, truyền thống văn hóa vốn có của học sinh.
Hoạt động ngoại khóa lồng ghép giáo dục bảo tồn văn hóa truyền thống tại Trường PTCS Bảo Toàn (Bảo Lạc).
Sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số, tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc, học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu văn hóa ẩm thực, tổ chức Tết dân tộc, lễ hội, tổ chức các câu lạc bộ (múa, ca dao, dân ca...), hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội diễn văn nghệ, thi trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong trường học, thực hành các nghề thủ công truyền thống, liên hoan văn nghệ và trò chơi dân gian, mời nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy văn hóa cho học sinh.
Đẩy mạnh giáo dục toàn diện, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, nâng cao kỹ năng sống, trải nghiệm cho học sinh và giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc. Từ đó, giúp học sinh có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các giáo viên tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh, ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt nét đẹp văn hóa truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn, bổ sung kiến thức nhằm truyền dạy cho học sinh bảo đảm phong phú, chính xác, sinh động. Cách làm này góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, giúp học sinh hiểu biết đầy đủ về những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Các trường học luôn quan tâm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong việc giáo dục cho học sinh những giá trị văn hóa dân tộc, tình yêu, lòng tự hào, tự tôn bản sắc văn hóa truyền thống. Vai trò của ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên dạy bộ môn và tổ chức Đoàn thường xuyên được phát huy trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn luyện kỹ năng sống. Nội dung các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và điều kiện thực tế của các trường học.
Gắn giáo dục với gìn giữ, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa là điều kiện để xây dựng, bồi dưỡng một thế hệ công dân mới vừa có tri thức, vừa biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, đó là cơ sở để Cao Bằng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo quan điểm chỉ đạo của Đảng.Có thể thấy, việc đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vào trong trường học đang ngày càng nhân rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các trường học ở địa bàn vùng cao. Tùy vào điều kiện tình hình thực tế của các trường học, nhà trường có cách làm sáng tạo, phù hợp, thiết thực, ý nghĩa. Trong bối cảnh giao thoa và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, trước những tác động ngày càng lớn từ các luồng văn hóa “xấu”, “độc”, việc gắn công tác giáo dục với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là cách làm sáng tạo, hiệu quả.