05/02/2025 lúc 10:47 (GMT+7)
Breaking News

Cần tư duy mới trong công tác quản lý

Công tác quản lý nói chung và quản lý Nhà nước nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý trong giai đoạn hiện nay, rất cần có và khai thác những nguồn lực, động lực và tư duy mới. Quá trình đó không thể nóng vội, nhưng cũng đòi hỏi phải khẩn trương, không chậm trễ…

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (23/1/2025)

Hiệu quả quản lý nhà nước, về bản chất là kết quả hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước; được thể hiện trên các phương diện: Đạt mục tiêu quản lý nhà nước tối đa với mức độ chi phí các nguồn lực nhất định; Đạt mục tiêu nhất định với mức độ chi phí các nguồn lực tối thiểu; Đạt được mục tiêu trong quan hệ với chi phí nguồn lực (tài chính, nhân lực...) và trong quan hệ với hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội. Các kết quả đó đồng thời được xác định bởi các chỉ số tăng trưởng duy trì sự ổn định và phát triển, xét trong nhiều mối quan hệ như giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội, giữa việc thực hiện các mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa lợi ích trung ương và địa phương, giữa nhà nước và công dân, xã hội.

Thực trạng và yêu cầu của công tác quản lý trong giai đoạn mới

Trong điều kiện của Việt Nam, có 4 yếu tố chủ yếu tác động đến hiệu quả quản lý nhà nước: (1) Năng lực, chất lượng của nền hành chính biểu hiện ở sự kết hợp hài hòa các yếu tố: thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công. (2) Hiệu quả tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. (3) Sự tham gia, ủng hộ của người dân đối với Nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng. (4) Các nhân tố khác như văn hóa, tập quán, sự phát triển của khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế…

Từ góc độ thực hiện, hiệu quả quản lý nhà nước là kết quả của các hoạt động gắn liền với chức năng chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước và hoạt động của người thực thi công vụ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý, xây dựng nền thể chế bao trùm là điều kiện cần, việc tạo dựng và vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu quả là điều kiện đủ để phát huy mọi giá trị, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Chỉ như vậy mới có thể khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người dân vào hoạt động kinh tế và chính trị, khuyến khích đổi mới, sáng tạo để từ đó tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trên thực tế, những hạn chế trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục triệt để, gây ra tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; việc phân cấp, phân quyền tuy đã có chủ trương nhưng thực hiện, triển khai ở nhiều cấp chưa hiệu quả, chưa đi vào cuộc sống. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện chủ trương chung có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động…

Từ thực trạng đó trong công tác quản lý, thay vì không quản được thì cấm, hay chỉ muốn thuận lợi cho cơ quan quản lý, thì cần kiến tạo, mở ra không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý. Đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay, cần sớm được khắc phục và đi vào thực chất.

Một trong những yêu cầu quan trọng của công tác quản lý hiện nay là đảm bảo kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả theo nguyên tắc "1việc không giao cho 2 người", "chức năng, nhiệm vụ quyết định tổ chức, bộ máy"; rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo động lực mới cho tiến trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

Một trong những nguồn lực hết sức quan trọng để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới chính là phát triển khoa học và công nghệ. Cơ sở nền tảng cho lĩnh vực này chính là Nghị quyết số 57-NQ/TW (NQ57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trj về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây thực sự là một văn bản mang tính chủ trương, đường lối có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính đột phá, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… NQ57 đã thể hiện được những nhận thức, những quan điểm mới của Bộ Chính trị về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Theo đó, xác định đầu tư cho KHCN được xác định là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư ngắn hạn. Đã đầu tư lâu dài là chấp nhận rủi ro, là chấp nhận độ trễ, không phải cứ đầu tư xong là sau đó thu hồi vốn được ngay. Việc đặt vấn đề tạo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chấp nhận rủi ro trong khoa học, trong thử nghiệm công nghệ mới, là vấn đề rất mới, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số. Đặc biệt, Nghị quyết 57 có tính hành động rất cao, rõ ràng, quyết liệt và điều đó thể hiện ở các yêu cầu rà soát, tái cơ cấu hệ thống, tổ chức KHCN công lập; sáp nhập giải thể những tổ chức yếu kém, hoạt động chưa hiệu quả, để đầu tư có trọng tâm trọng điểm; là yêu cầu xây dựng và triển khai công nghệ chiến lược, ở các yêu cầu liên quan tới phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, phủ sóng 5G, phát triển công nghệ về trí tuệ nhân tạo, IoT (internet vạn vật)...

Tiêu chí cần đáp ứng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý

Yêu cầu đổi mới cùng lúc cả về tư duy, hệ thống pháp luật, bộ máy, nhằm tạo sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, để có được sự thay đổi và bứt phá, đạt được mục tiêu. Đó cũng chính là tạo nguồn lực cho sự phát triển và nâng tầm công tác quản lý.

Việc đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong thời kỳ mới cần theo các tiêu chuẩn sau:

1. Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện chính sách xã hội ở nước ta. Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc của quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện chính sách xã hội.

2. Xây dựng thể chế công bằng, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thích ứng kịp thời với những thay đổi của thực tế, trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

3. Phối hợp đồng bộ chính sách xã hội với các chính sách kinh tế - xã hội có liên quan. Quá trình quản lý nhà nước về chính sách xã hội phải giữ vững, gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tăng trưởng kinh tế với chính sách xã hội; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho người dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

4. Chính phủ nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và tầm nhìn xa trong thiết lập, thực thi, vận hành môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, cạnh tranh, với chi phí thấp nhất; với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; với chất lượng dịch vụ công tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng.

5. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường ổn định kinh tế vĩ mô; cơ sở hạ tầng đồng bộ; phát triển đầy đủ các loại thị trường với quy mô lớn, cạnh tranh cao.

6. Đổi mới tư duy về thể chế, tư duy quản lý nhà nước phải đi tiên phong. Mọi đổi mới, cải cách phải bắt đầu từ người lãnh đạo có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám thay đổi và từ bỏ những thứ đã cũ, lạc hậu, cản trở sự phát triển, xóa bỏ tư tưởng giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong cả tư duy và hành động.

7. Phát huy tốt các nguồn lực của nhà nước, cộng đồng và người dân trong thực hiện chính sách xã hội. Trong điều kiện nguồn lực cho thực hiện chính sách còn hạn hẹp, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp, phân tán, cùng với phát huy vai trò chủ đạo của nhà nước thì cần phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong thực hiện chính sách xã hội.

Để thực hiện thành công sự phát triển bền vững, lâu dài, bên cạnh sự chung tay góp sức của đại bộ phận người dân, cộng đồng doanh nghiệp thì vai trò quản lý của nhà nước là vô cùng quan trọng được thể hiện dưới nhiều cách thức khác nhau như xây dựng thể chế chính trị phù hợp, xây dựng các chính sách về kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể cũng như phù hợp với các thông lệ tốt của các quốc gia phát triển trên thế giới./.

Ths Phạm Đức Cương

...