30/11/2024 lúc 00:17 (GMT+7)
Breaking News

Cần tích cực hội nhập khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0

VNHN-Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung của Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được cho là đạo luật quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất sôi động.

VNHN-Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung của Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được cho là đạo luật quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất sôi động.

Ban Biên tập xin giới thiệu một số nội dung cơ bản bài phát biểu của Đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) được trình bày tại Nghị trường Quốc hội.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, một số thuật ngữ, từ ngữ trong Điều 3 cần phải được rà soát, bảo đảm sao cho dễ hiểu, chính xác, cập nhật và đặc biệt là phù hợp với các định nghĩa đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác. Trong việc giải thích một cụm từ thì không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau trong các đạo luật khác nhau, có nghĩa là có thể bổ sung, cụ thể hóa hơn, nhưng vẫn bảo đảm được bản chất của khái niệm đó đã được quy định tại các luật khác.

Tại Điều 4, Chính sách của Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ mặc dù đã sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng chưa bao quát, chưa quán triệt được 4 định hướng chính sách rất cơ bản trong chuyển giao công nghệ, đó là chưa coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo.

Cần phải quy định trong Điều 4 về chính sách là phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, kỹ thuật viên lành nghề. Đây là lực lượng nòng cốt trong đổi mới sáng tạo, trong ươm tạo công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Nên quy định về chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ cũng như về chuyển giao công nghệ, điều này rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, các quốc gia tiên tiến rất coi trọng hợp tác khoa học công nghệ, coi khoa học công nghệ là công cụ vô giá để hợp tác với các đối tác nước ngoài; khoa học, công nghệ và đổi mới là động cơ của xã hội hiện đại và là lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế quốc tế.

Khuyến khích phong trào thi đua đổi mới sáng tạo cải tiến kỹ thuật trong cộng đồng và trong xã hội. Một quốc gia muốn khởi nghiệp thì không chỉ dựa vào các viện nghiên cứu hoặc các nhà công nghệ chuyên nghiệp mà phải được xây dựng trên nền tảng của một xã hội hiểu biết, tôn vinh việc ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các hoạt động phổ biến kiến thức, thông qua các phong trào thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật sâu rộng.

Đại biểu QH Nghiêm Vũ Khải phát biểu

Các điều quy định về công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao và hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 11,12,13 còn nhiều khoản quy định trong Dự thảo luật này dễ gây hiểu lầm hoặc tạo ra cách hiểu khác nhau, thiếu chính xác. Ví dụ hạn chế chuyển giao vào Việt Nam công nghệ sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ; hoặc công nghệ sử dụng tài nguyên trong nước hạn chế khai thác. Thực tế là, công nghệ phóng xạ được sử dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực y học, trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trong một số lĩnh vực công nghệ cao khác. Nên thay vì hạn chế thì phải quy định những quy trình, thủ tục làm sao kiểm soát bảo đảm an toàn trong khi sử dụng cũng như sau khi thiết bị đó không còn sử dụng và trở thành phế liệu. Về Chương IV, Hợp đồng chuyển giao công nghệ, luật này chỉ nên quy định một số điều mang tính chất đặc thù trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, còn các vấn đề khác về hợp đồng đã được quy định rất kỹ trong các đạo luật, pháp luật về dân sự, thương mại và sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, dự Luật cần bổ sung một số điều về hợp tác quốc tế như trong Điều 61 quy định về trách nhiệm của các cơ quan đại diện ở nước ngoài, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao mà các cơ quan đại diện khoa học và công nghệ, đại diện thương mại… cũng đều có trách nhiệm trong vấn đề chuyển giao công nghệ.

Đại Biểu Nghiêm Vũ Khải kiến nghị thêm:  Năm 2010 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 42, sau đó là thông báo của Ban Bí thư số 353; giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng và ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII hai đạo luật là Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và Luật phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Cho đến nay vẫn chưa được xây dựng. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng trong nước cũng như kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng đề cương về sự cần thiết ban hành luật, chính sách  và những nội dung cơ bản cần được quy định trong dự thảo hai luật này. Chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ về nội dung này. Nếu dự án hai luật được trình Quốc hội trong nhiệm kỳ này thì Quốc hội hết sức ủng hộ.